MỘT SỐ KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH NGHỆ AN SAU 5 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06-NQ/TU.

Thứ hai - 17/01/2022 07:02 1.025 0
Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025" (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 06-NQ/TU) là một chủ trương kịp thời, đúng đắn tạo điều kiện và cơ hội để nền khoa học và công nghệ tỉnh nhà phát triển. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết gặp một số thuận lợi như: Động lực từ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, doanh nghiệp, người dân về vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng sâu sắc; hệ thống các cơ chế, chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho hoạt động KH&CN phát triển; chất l­ượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngày càng được­ nâng lên, cơ bản đáp ứng được­ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp về ứng dụng thành tựu nghiên cứu KH&CN và đầu tư, đổi mới công nghệ ngày càng cao.
Tuy nhiên, sự biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong khu vực đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, trong tỉnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, nghiên cứu KH&CN; biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến khó lường theo chiều hướng xấu (nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19); nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính dành cho KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu mong đợi. Bên cạnh đó, tiềm lực của doanh nghiệp Nghệ An còn yếu, dẫn đến nhu cầu nội tại về đổi mới công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đã tác động không nhỏ đến hoạt động KH&CN của tỉnh. Với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự đồng hành của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, hoạt động nghiên cứu KH&CN của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tập trung ở 6 lĩnh vực trọng điểm là: Nông nghiệp; khoa học xã hội và nhân văn; y dược; phục vụ phát triển kinh tế xã hội các huyện, thành, thị; công nghệ thông tin; môi trường. Từ năm 2017 đến nay đã có 102 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp quốc gia; gần 500 đề tài cấp cơ sở được triển khai tại các trường cao đẳng, đại học, các ngành và 717 mô hình ứng dụng KH&CN tại các huyện đã và đang được triển khai.
Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm; từng bước phát triển sản phẩm đặc hữu, vùng miền, triển khai chương trình phát triển 100 sản phẩm hàng hóa có tác động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương (84 sản phẩm chế biến và 75 sản phẩm cây trồng, vật nuôi) được tác động về khoa học và công nghệ.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nghệ An đã có nhiều khởi sắc. Từ năm 2018 đến 2021, đã tổ chức 04 cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An, thu hút gần 330 dự án, ý tưởng tham gia, trong đó, đã trao giải cho 40 dự án khởi nghiệp xuất sắc và 31 ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng. Có trên 45% kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ là do doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân bỏ ra thực hiện thông qua nguồn đối ứng. Phát triển khoa học và công nghệ đã gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững
Ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%. Khuyến khích một số doanh nghiệp lớn lập quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp. Đến nay, có trên 45% kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN là do doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân bỏ ra thực hiện thông qua nguồn đối ứng. Phát triển KH&CN đã gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương về công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động KH&CN còn hạn chế; chưa có biện pháp hiệu quả thu hút, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư cho việc đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm; chưa chủ động tìm thị trường đầu ra, cân đối cung - cầu một cách bền vững. Công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh, đặc biệt là truyền thông về cơ chế chính sách mới phù hợp với kinh tế thị trường và đặc thù của hoạt động KH&CN; việc chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng của các mô hình thông qua hội thảo chưa được phổ biến.
Sự phối hợp, quản lý giữa các ngành chưa đồng bộ làm cho hiệu quả ứng dụng các sản phẩm KH&CN hạn chế; một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp ở nhiều địa phương còn chậm, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh thị trường còn hạn chế. Khu công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công viên công nghệ thông tin chưa được hình thành; chưa có quy định chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của tỉnh Nghệ An.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN mới chỉ đạt khoảng 0,3 - 0,4% chi ngân sách, thấp hơn nhiều so với quy định của Nhà nước (2%), nên đầu tư tiềm lực cho KH&CN còn chậm và thiếu đồng bộ.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU các cấp các ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp trong công tác KH&CN. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư chuỗi giá trị một số sản phẩm của tỉnh. Quan tâm phát triển thị trường KH&CN, đổi mới công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; quan tâm đào tạo nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác nhân lực trình độ cao giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; các chuyên gia... Đẩy mạnh hoạt động công bố, trình diễn, giới thiệu kết quả KH&CN. Tiếp tục tăng cường đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về KH&CN.
Làm tốt công tác truyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động thực tế của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của KH&CN và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của tỉnh. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho các ngành KH&CN; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; đổi mới, tái cơ cấu hệ thống tổ chức KH&CN của tỉnh, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển KH&CN trong từng giai đoạn. Mở rộng liên kết và tăng cường hợp tác KH&CN; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các đơn vị, cơ sở KH&CN của tỉnh với các viện, trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khác trong và ngoài nước. Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có cơ chế phối hợp giữa các ngành: Nông nghiệp, Công thương, KH&CN... trong chỉ đạo xây dựng mô hình và chuổi sản xuất từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng KH-KT, bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh.

Tác giả bài viết: Công Tứ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây