Phát triển dược liệu gắn với phát triển du lịch ở Nghệ An

Thứ tư - 22/05/2024 22:01 167 0
Mô hình trồng cây dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông
Mô hình trồng cây dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông
1. Tài nguyên dược liệu ở Nghệ An
1.1. Tài nguyên dược liệu làm thuốc ở Nghệ An
Với địa hình đa dạng và phức tạp, nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, Nghệ An có tới gần 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý hiếm và có giá trị kinh tế cao và là nơi có nguồn dược liệu phong phú vào bậc nhất của cả nước. Không chỉ tạo nguồn nguyên liệu quý, các dự án trồng dược liệu đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. 
Theo kết quả điều tra dược liệu ở 10 huyện thuộc tỉnh Nghệ An cho thấy, nguồn tài nguyên cây thuốc ở đây phong phú về chủng loại và trữ lượng. Hiện Nghệ An có 962 loài cây thuốc và nấm làm thuốc thuộc 635 chi, 183 họ của ngành thực vật bậc cao, chiếm khoảng 25% cây thuốc của cả nước. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu 841 loài, Quỳ Hợp 841 loài, Quế Phong 843 loài, Nghĩa Đàn 838 loài... Cùng với sự đa dạng về thành phần loài, nguồn cây thuốc ở Nghệ An còn có tiềm năng trong việc cung cấp một số loại dược liệu sử dụng theo kinh nghiệm của y học cổ truyền. Qua thực tế điều tra đã xác định được 41 loài là những cây thuốc có giá trị sử dụng phổ biến và có giá trị kinh tế cao, hiện còn khả năng khai thác được. Đồng thời Nghệ An cũng có 31 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn theo Sách Đỏ Việt Nam như bảy lá một hoa, bình vôi đỏ, đỉnh tùng, hoàng tinh, ngũ gia bì gai..., tạo cơ hội lớn cho phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu và dịch vụ du lịch gắn với đa dạng cảnh quan và văn hóa.
Ngoài ra Nghệ An có 2 Khu bảo tồn thiên nhiên là Pù Hoạt, Pù Huống và vườn quốc gia Pù Mát là địa điểm lý tưởng cho công tác bảo tồn các loài cây thuốc quý. Qua điều tra, thu thập và giám định các mẫu cây thuốc chữa bệnh và dược liệu, kết hợp tra cứu các tài liệu về thực vật tại Khu BTTN Pù Huống, đã xác định được tại khu vực có 831 loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu, thuộc 516 chi và 162 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Ngành Ngọc lan có tới 652 loài, chiếm 84,35% tổng số loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu phát hiện được trong đợt điều tra. Ngành Dương xỉ có 34 loài, Ngành Thông đất có 12 loài, ngành Thông có số 11 loài, ngành Cỏ tháp bút chỉ có 1 loài. Họ có nhiều loài ở khu vực điều tra khảo sát làm thuốc bao gồm: Cúc, Thầu dầu, Đậu, Cà phê, Cỏ roi ngựa, Long não. Các chi có số loài làm thuốc nhiều gồm: Re, Sung, Cơm nguội, Tu hú, Ngọc nữ, Lãnh công, Quyển bá, Màng tang, Riềng. 
Tại Khu BTTN Pù Huống đã phát hiện được 76 loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu là thực vật quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tại Việt Nam. Cây thuốc chữa bệnh và dược liệu có tên trong nghị định 84/2021 có 35 loài, nhóm IA có 2 loài, nhóm IIA có 33 loài. Trong Sách Đỏ Việt Nam, 2007 có 38 loài cây thuốc quý hiếm. Cây thuốc chữa bệnh và dược liệu là thực vật đặc hữu của Việt Nam có 10 loài.

Xác định phát triển dược liệu là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh đang tập trung thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến để đánh thức tiềm năng cây dược liệu.
1.2. Tiềm năng phát triển du lịch gắn với ngành dược liệu ở Nghệ An
Việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với ngành dược liệu ở Nghệ An dựa trên các lợi thế so sánh cơ bản là: 
- Nghệ An là vùng có đa dạng sinh học cao, với hơn có 962 loài cây thuốc và nấm làm thuốc thuộc 635 chi, 183 họ của ngành thực vật bậc cao, chiếm khoảng 25% cây thuốc của cả nước. Đây là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vực chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật.
- Nghệ An cũng là nơi đa dạng sắc tộc, với hơn 6 dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc có tri thức sử dụng dược liệu, nền văn hóa riêng. Đây cũng là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vực chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và các dịch vụ du lịch văn hóa.
- Nghệ An có cảnh quan đẹp, có tài nguyên du lịch đa dạng, gồm:Tài nguyên du lịch thiên nhiên của Nghệ An rất đa dạng, phong phú với bờ biển dài (82km), nhiều bãi biển đẹp và hấp dẫn du khách như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Diễn Thành, Cửa Hiền,... có nguồn nước sạch, sóng không lớn, độ sâu thoải, độ mặn thích hợp, ở vị trí thuận lợi về giao thông.; nhiều hang động, thác nước thu hút khách du lịch như Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chàng (huyện Quỳ Châu), thác Khe Kèm (huyện Con Cuông), thác Sao Va, thác Bảy tầng (huyện Quế Phong), đỉnh Puxailaileng, cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), rừng săng lẻ (huyện Tương Dương), đảo chè Thanh Chương...
- Nghệ An có khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở vùng miền Tây, được UNESCO chính thức công nhận vào năm 2007 và là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận thứ 6 của Việt Nam. Vùng lõi có Vườn Quốc gia Pù Mát, với diện tích phần lớn nằm ở huyện Con Cuông, nơi đây đang là điểm đến của du khách ưa thích khám phá thiên nhiên, đi bộ, chèo thuyền, trải nghiệm văn hoá bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số và homestay.
- Nghệ An còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng; trong đó có 147 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt có 04 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Di tích cột mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh, Di tích Đình Hoành Sơn). Bên cạnh đó, Nghệ An có 29 lễ hội truyền thống, trong đó có 07 lễ hội được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đặc biệt dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2014.
- Hệ thống cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư theo hướng phát triển đa dạng, từng bước hiện đại, chuyên nghiệp. Đến nay có 882 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 03 cơ sở 5 sao, 10 cơ sở 4 sao và tương đương; có 02 sân golf 18 lỗ tại Cửa Lò và Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm; có các trung tâm mua sắm hiện đại như Big C, Lotte,... Các cơ sở nhà hàng, dịch vụ ăn uống, phố đi bộ, chợ đêm, các khu vui chơi giải trí phát triển mạnh mẽ, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An.
Với các lợi thế như vậy, nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế  mới dựa trên nền tảng văn hóa – cảnh quan – thảo dược (VHTD), có dung lượng lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ và đặc biệt là phù hợp với các tiêu chí của Chương trình OCOP.
2. Giải pháp phát triển ngành dược liệu gắn với ngành du lịch.
2.1.  Quy hoạch vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch.
- Vùng Tây Nam Nghệ An được xác định gồm các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Diện tích đất lâm nghiệp cả vùng khoảng 715.411 ha, chiếm hơn 61% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Đặc biệt, cả 5 huyện đều nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, với vùng lõi là Vườn Quốc gia Pù Mát. Về địa hình, đây là vùng bị chia cắt mạnh bởi hệ thống các phụ lưu sông Lam. Cả 5 huyện đều có các đỉnh núi cao trên 1.000m, mà cao nhất là đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn) với độ cao 2.720m. Về thổ nhưỡng, đây cũng là vùng có tính đa dạng: đất phù sa bãi bồi ven sông, đất vàng, đất feralite,…
Từ đặc tính đó, nên vùng Tây Nam Nghệ An rất phong phú, đa dạng sinh học. Trong đó, có gần 1.000 loài dược liệu với các loài quý như: sâm Puxailaileng (tam thất hoang lá tròn), hà thủ ô đỏ, sâm 7 lá 1 hoa, trà hoa vàng, lan kim tuyến, sâm Thổ Hào, đẳng sâm, nấm linh chi đỏ, sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, đương quy, đẳng sâm, Jacoon, gừng, giảo cổ lam, hoài sơn, mướp đắng rừng, bobo... (Kỳ Sơn), ba kích, khôi tía, trà hoa vàng, tràm 5 gân, nghệ đỏ,…(Tương Dương), cà gai leo, dây thìa canh, đinh lăng, sa nhân tím, sâm cát, xạ đen, sâm Thổ Hào (Thanh Chương)...
- Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 phấn đấu: Bảo tồn 38 loài cây thuốc với tổng diện tích 15ha tại 3 khu bảo tồn Liên Hợp (Quỳ Hợp), Hạnh Dịch (Quế Phong), Mường Lống (Kỳ Sơn); Khai thác 17 loài, nhóm cây dược liệu lại 13 huyện,thị xã; xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung 14 loài, nhóm cây dược liệu với tổng diện tích 905 ha tại 11 huyện, thị xã.
- Ưu tiên tập trung phát triển trên địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương nhằm tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia (Chương trình dân tộc miền núi và Chương trình 30a).
- Xây dựng và hình thành vườn bảo tồn, bảo tàng cây dược liệu tại Vườn Quốc gia Pù Mát.
- Quy hoạch vùng khai thác bền vững các loài hoặc nhóm loài cây dược liệu mọc tự nhiên có trữ lượng tương đối lớn và đặc trưng ở Nghệ An tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc. Trong đó: Vùng núi cao gồm 02 huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong là những vùng có tiềm năng khai thác 08 loài hoặc nhóm loài: Khúc khắc, Na rừng, Nhóm loài Kê huyết đằng, Ngũ gia bì chân chim, Thiên niên kiện, Thảo đậu khấu nam, Cẩu tích, Ba chạc; Vùng núi trung bình gồm 05 huyện: Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ là những vùng có tiềm năng khai thác 12 loài hoặc nhóm loài: Ba chạc, Bách bộ, Câu đằng, Hà thủ ô trắng, Khúc khắc, Sa nhân, Thiên niên kiện, Tơ xanh, Kê huyết đằng, Thảo đậu khấu nam, Na rừng, Khúc khắc; Vùng trung du và đồng bằng ven biển gồm 06 huyện/thị xã: Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò có tiềm năng khai thác 6 loài: Cỏ gấu biển, Mạn kinh tử, Sài hồ nam, Tơ xanh, Khúc khắc, Hà thủ ô trng.
- Tập trung phát triển 14 loài hoặc nhóm loài cây thuốc tại 11 huyện/thị xã trên địa bàn tỉnh theo 03 vùng: vùng núi cao, vùng núi trung bìnhvùng thấp và đồng bằng. Cụ thể: Vùng núi cao gồm 04 huyện: Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp trng 08 loài hoặc nhóm loài: Thảo đậu khấu, Hoàng tinh vòng, Bảy lá một hoa, Sâm Puxailaileng, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn, Đương quy và nhóm cây dược liệu khác; Vùng núi trung bình gồm 04 huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, trồng 03 loài hoặc nhóm loài: Sa nhân tím, Trà hoa vàng, Ý dĩ và nhóm cây dược liệu khác;  Vùng thấp và đồng bng gồm 06 huyện/ thị xã: Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Thị xã Hoàng Mai, Tân Kỳ, Yên Thành, trồng 03 loài hoặc nhóm loài: Bồ bồ, Hành tăm, Nghệ và nhóm cây dược liệu khác.
2.2. Một số giải pháp cụ khác
Nền kinh tế dược liệu dựa trên nền tảng VHTD là: Nền kinh tế dựa trên tài nguyên đa dạng sinh học, tri thức và văn hóa bản địa trong dược liệu cùng cảnh quan và gắn với du lịch.
- Phát triển du lịch gắn với ngành dược liệu là chiến lược khác biệt hóa, dựa trên các lợi thế so sánh về tài nguyên dược liệu, tri thức sử dụng đa dạng và phong phú của các dân tộc và cảnh quan đa dạng của Việt Nam. 
- Phát triển kinh tế du lịch khai thác thông qua ngành dược liệu, được thực hiện bởi các cộng đồng dân cư, dưới hình thức các HTX, trong đó người dân vừa là chủ nhân của đa dạng sinh học, tri thức sử dụng, cảnh quan, vừa là chủ sở hữu (góp vốn), vừa là người thực hiện.
- Khai thác giá trị văn hóa trong Y dược cổ truyền, trong đó dược liệu là nền tảng. 
- Đa dạng các sản phẩm từ dược liệu: Từ dược liệu có thể tạo ra 3 tầng sản phẩm hàng hóa, gồm: 1) các sản phẩm chăm sóc sức khỏe dưới dạng rau ăn, đồ uống, sản phẩm chăm sóc gia đình và khách du lịch; 2) sản phẩm hỗ trợ điều trị, gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương trị liệu và 3) sản phẩm điều trị, gồm dược liệu thô, dược liệu chế biến, thuốc từ dược liệu, thuốc YHCT và thuốc YH hiện đại. 
- Gắn khai thác dược tính của dược liệu (đặc biệt là thảo dược) với tài nguyên văn hóa, cảnh quan, từ đó tạo ra 1) các điểm dừng chân có giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa từ dược liệu, dịch vụ ẩm thực từ dược liệu; 2) các điểm/mô hình tham quan, trải nghiệm, du lịch sinh thái – nông nghiệp thảo dược, các vườn cây thuốc và 3) các dịch vụ du lịch dưỡng bệnh.
Ngành Y tế ,ngành Nông nghiệp và ngành Du lịch Nghệ An tăng cường công tác quản lý nguồn cây thuốc mọc tự nhiên và quản lý khâu khai thác thu mua dược liệu, khai thác quản lý điểm đến. Các địa phương, nhất là miền núi có giải pháp chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho bà con dân tộc, tránh tình trạng khai thác, chặt phá rừng bừa bãi, làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cây thuốc bị suy kiệt. Tỉnh cần có chính sách ưu đãi, bảo hộ các loại dược liệu và thuốc từ dược liệu được sản xuất ở địa phương, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền Tây Nghệ An...





Cây dược liệu chè hoa vàng


Cây dược liệu Kim ngân

Tác giả bài viết: Quang Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây