Đại Thành- Yên Thành: Chăn nuôi dê hướng thịt đạt hiệu quả kinh tế cao

Thứ bảy - 26/03/2022 04:03 735 0
Vài năm gần đây, mô hình nuôi dê sinh sản hướng thịt đã được nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng. Xã Đại Thành - huyện Yên Thành là một trong những xã phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê sinh sản hướng thịt, từ đó mở ra hướng làm ăn kinh tế mới cho người nông dân.
Mô hình nuôi dê tại hộ ông Đậu Trọng Hiệp Xóm 4- Đại Thành- Yên Thành
Mô hình nuôi dê tại hộ ông Đậu Trọng Hiệp Xóm 4- Đại Thành- Yên Thành
         Tại xã Đại thành, mô hình nuôi dê sinh sản hướng thịt hiện có khoảng 40 hộ nuôi tập trung chủ yếu tại xóm 3, xóm 4. Theo ông Đậu Trọng Hiệp Xóm trưởng xóm 4 - xã Đại Thành là một trong những hộ đi đầu về nuôi dê sinh sản hướng thịt cho biết: Trong quá trình nuôi dê sinh sản hướng thịt vấn đề khó khăn mà nông dân hay gặp phải như cách xử lý nước, chăm sóc, phòng trị một số loại bệnh trên dê ở các giai đoạn khác nhau; phối giống; chăm sóc dê mang thai, dê sơ sinh, sau cai sữa, hậu bị, dê bị ốm… Đến nay, tổng đàn dê của gia đình ông lên 20 con dê sinh sản. Theo ông dê dễ nuôi, không tốn tiền mua thức ăn, chỉ vất vả lúc đi cắt cỏ, hái lá nhưng chỉ 1 lần/ngày. Thức ăn của dê cũng dễ tìm là lá mít, cỏ,….
Cũng tại xóm 4 - xã Đại Thành, chị Phạm Thị Hà cho biết: trước khi nuôi dê, chị từng làm vườn, nuôi vịt, gà..., nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đạt hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình làm ăn không hiệu quả, chị vẫn không nản chí, sau khi tìm hiểu về mô hình dê sinh sản, được tập huấn và nhận thấy điều kiện gia đình mình phù hợp với đối tượng này, chị quyết định chọn dê là vật nuôi tiếp theo vì thấy ít tốn vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nhàn rỗi. Đặc biệt hơn, dê có giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác. Năm 2017, gia đình chị Hà bắt tay vào làm chuồng và khởi nghiệp với 2 con dê giống. Nhờ có nguồn thức ăn phong phú như cỏ, lá mít ….mà chỉ 1 năm sau, chị đã có được 4 con dê giống. Đến năm 2021 đàn dê gia đình chị Hà đã tăng lên 20 con, trong đó có 10 con dê thịt và 10 con dê để sinh sản. Dê thịt sau khi nuôi  được từ 5- 6 tháng, cân nặng từ 20-25 kg/con là có thể xuất chuồng, giá bán khoảng 150.000 đồng/kg, mỗi con dê thịt thu về 3 - 3,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi con lãi khoảng 2 - 2,5 triệu đồng. Như vậy mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Hà thu về nhờ mô hình nuôi dê sinh sản hướng thịt từ 30- 35 triệu đồng.
          Theo bà Trần Thị Bé cán bộ công chức nông nghiệp xã Đại Thành cho biết:  Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 40 hộ nuôi với tổng đàn dê sinh sản lên gần 350 con, chủ yếu tập trung nhiều ở xóm 3 và xóm 4. Vài năm lại đây mô hình này đã giúp người dân trong xã xóa đói giảm nghèo. Ngoài việc tạo điều kiện về quỹ đất, UBND xã còn phối hợp với Trung tâm DVNN huyện, hội nông dân huyện Yên Thành tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê để nông dân có thể nắm vững hơn về kỹ thuật nuôi, hạn chế tối đa dịch bệnh xẩy ra trên đàn dê, nâng cao hiệu quả kinh tế cùng như năng xuất của đàn dê. Mô hình giúp nông dân phát triển nghề chăn nuôi dê sinh sản hướng thịt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
           Có thể nhận định, bước đầu hiệu quả của mô hình nuôi dê sinh sản hướng thịt nhốt chuồng mang lại là dễ làm, tận dụng được nguồn thức ăn giá rẻ, sẵn có mà còn tạo được nguồn giống dê con mới. Đây sẽ là cơ sở để nông dân địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình, nhất là trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 thì việc tăng gia sản xuất tại gia sẽ giúp nông dân tự cung, tự cấp được nguồn thực phẩm tại chỗ với chi phí thấp, giá cả ổn định./. 



 

Tác giả bài viết: Lệ Hằng: Trung tâm KN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây