Mở rộng quy mô sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi: Tập trung để sản xuất lớn (Bài 1)

Thứ hai - 04/12/2023 01:25 368 0
Tích tụ, tập trung đất đai là phương thức sử dụng đất phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc tích tụ, tập trung ruộng đất ở miền núi, vùng đồng bào DTTS đang và sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ vì tâm lý “sợ mất đất” của một bộ phận người dân mà còn do nhiều quy định pháp luật ràng buộc, trong khi đồng bào DTTS chưa được tiếp cận nhiều thông tin kiến thức pháp luật về đất đai.
Mở rộng quy mô sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở miền núi: Tập trung để sản xuất lớn (Bài 1)
Toàn xã Vân Am (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã tập trung được hơn 200 ha để tiến hành phục tráng rừng luồng và nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây luồng
Tích tụ, tập trung ruộng đất là giải pháp để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc tập trung đất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng để mở rộng mô hình không mấy dễ dàng.
 
Lợi ích thấy rõ
Ngọc Lặc là huyện miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống của tỉnh Thanh Hóa. Thế mạnh của huyện là sản xuất nông, lâm nghiệp; trong đó, luồng là cây trồng thế mạnh. Cây luồng được trồng nhiều ở các xã: Vân Am, Phùng Giáo.
Từng là cây xóa nghèo, hiện cây luồng đang giúp người dân ở hai xã này từng bước làm giàu khi được trồng trên quy mô diện tích lớn, theo quy hoạch của huyện. Triển khai chương trình hành động của huyện Ngọc Lặc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân tập trung ruộng đất để khai thác cây trồng thế mạnh, nâng cao thu nhập.
Tại xã Vân Am, theo Phó Chủ tịch UBND xã - ông Lê Quyết Thắng, trước đây, diện tích luồng trên địa bàn xã chủ yếu do người dân trồng tự phát, nhỏ lẻ; nhiều diện tích luồng do khai thác quá mức, không được chăm sóc, bón phân dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cùng với thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ, hiện toàn xã Vân Am đã tập trung được hơn 200 ha để tiến hành phục tráng rừng luồng và nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây luồng.
Việc tập trung ruộng đất để phục tráng rừng luồng đã đem lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Như tại thôn Đắm Văn Giang của xã Vân Am, toàn thôn có 179 hộ, với 789 nhân khẩu. Đây hiện là thôn có thu nhập bình quân đầu người cao nhất xã, đạt 48 triệu đồng/năm và đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới năm 2021. Cùng với thôn Đắm, 03 thôn khác (thôn Rẻ, thôn Thuận Bà và thôn Giỏi) đang là những “đầu tàu” để kéo xã Vân Am hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2023.
Việc tập trung ruộng đất để phục tráng rừng luồng đã đem lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân.

Việc tập trung ruộng đất để phục tráng rừng luồng đã đem lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân

Tương tự huyện Ngọc Lặc của tỉnh Thanh Hóa, quá trình tập trung đất đai cũng đang được các địa phương miền núi trên cả nước quyết liệt triển khai. Như ở huyện biên giới còn nhiều khó khăn Nậm Nhùn (Lai Châu), đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sử dụng đất để tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. 
Nhờ đó, thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như trước, người dân trong huyện đã quan tâm phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm như: Cây ăn quả, cá lồng, nuôi ong,...

Tuyên truyền đúng trọng tâm
Thực tế cho thấy, tình trạng sử dụng đất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp của hộ gia đình cá nhân là phổ biến của cả nước, nhất là ở các địa phương miền núi. Phương thức sản xuất này không phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn trong giai đoạn hiện nay; do đó tập trung đất đai là tất yếu để giải quyết rào cản này. Nhưng ở địa bàn miền núi, dù nhiều mô hình tập trung ruộng đất đã cho thấy rõ hiệu quả về kinh tế, nhưng việc mở rộng quy mô sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp ở miền núi là không hề dễ.Bên cạnh khó khăn do yếu tố khách quan (địa hình đồi núi chia cắt, ruộng đất manh mún…), thì nhận thức của người dân về tập trung ruộng đất để hướng tới sản xuất lớn còn hạn chế cũng là rào cản lớn. Điều này khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung ruộng đất, khó thu hút đầu tư tư nhân để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trên địa bàn Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. (Trong ảnh: Mô hình trồng dứa tập trung trên diện tích 3,5 ha tại các xã Nậm Hàng, Nậm Manh, Nậm Pì, Trung Chải)

Trên địa bàn Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. (Trong ảnh: Mô hình trồng dứa tập trung trên diện tích 3,5 ha tại các xã Nậm Hàng, Nậm Manh, Nậm Pì, Trung Chải)

Đơn cử, Công ty TNHH Nam Dược Đông Nam Á (Nghệ An) có nhu cầu thuê đất ở Lào Cai để trồng ớt. Ròng rã gần 2 năm trời, doanh nghiệp có chỉ thuê được 20ha trong tổng nhu cầu 50ha tại 02 huyện: Văn Bàn và Bảo Yên. Trong khi đó, nhiều hộ dân có đất bỏ không, chính quyền địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp tích cực vận động cho thuê, người dân vẫn từ chối.
Tương tự huyện Văn Bàn và Bảo Yên, ở huyện Si Ma Cai, theo chia sẻ của đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, đã có doanh nghiệp tìm đến đề xuất và cùng huyện vận động bà con dồn điền đổi thửa để thuê từ 30 - 50 ha ruộng bậc thang, tổ chức sản xuất rau sạch, nhưng người dân không chấp thuận. Nguyên nhân là bà con sợ mất đất sản xuất và lo không biết làm gì sau khi cho thuê đất, khiến việc tích tụ đất đai ở Si Ma Cai đến nay chưa thực hiện được một đơn vị diện tích nào. Tính chung cả tỉnh Lào Cai, hiện mới có khoảng 120 ha ruộng, đất được tập trung thành “cánh đồng mẫu lớn”, cho doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất.

Để tháp gỡ tâm lý “sợ mất đất” của người dân thì các cấp ngành, địa phương miền núi cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chủ trương tập trung đất đai của Nhà nước. Thuê và cho thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp là một hình thức tập trung ruộng đất, không đồng nghĩa với tích tụ ruộng đất nên vẫn bảo đảm được quyền sử dụng đất của người dân.
Tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 120 ha ruộng, đất được tập trung thành “cánh đồng mẫu lớn”, cho doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất. (Trong ảnh: Mô hình trồng rau bắp cải ứng dụng công nghệ cao tại thôn Seo Cán Hồ, xã Cán Hồ, huyện Si Ma Cai)
Tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 120 ha ruộng, đất được tập trung thành “cánh đồng mẫu lớn”, cho doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất. (Trong ảnh: Mô hình trồng rau bắp cải ứng dụng công nghệ cao tại thôn Seo Cán Hồ, xã Cán Hồ, huyện Si Ma Cai)
Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tích tụ ruộng đất là quá trình nhận chuyển nhượng (mua) quyền sử dụng đất để làm tăng diện tích đất sử dụng, từ nhiều chủ sử dụng thành một chủ sử dụng duy nhất.
“Còn tập trung ruộng đất là sự liên kết nhiều mảnh đất của nhiều chủ sử dụng khác nhau thành khu đất lớn. Nhưng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân vẫn không thay đổi; người cho thuê đất, cho mượn đất hay góp vốn bằng đất vẫn còn quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn thuê, mượn hoặc làm ăn kém hiệu quả, người cho thuê, mượn hoặc góp vốn có quyền lấy lại đất của mình”, TS. Bùi Ngọc Thanh phân tích.
Như vậy, việc cho thuê đất là hình thức tập trung ruộng đất bảo đảm quyền lợi của người cho thuê đất, có thể nhân rộng, từ đó mở rộng quy mô sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS. Còn với tích tụ ruộng đất, do nhiều diện tích đất của người dân có nguồn gốc từ đất được Nhà nước cấp theo các chương trình, dự án hỗ trợ đất sản xuất thì việc chuyển nhượng, mua bán cần tuân theo những quy định cụ thể.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nước ta có một nghịch lý là, trong khi các doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án nông nghiệp, nông dân có ruộng lại không mặn mà với sản xuất, thậm chí, nhiều nơi bỏ hoang. Bên cạnh đó, tâm lý chung của nông dân là muốn giữ đất để khi có quy hoạch thực hiện các dự án hoặc công trình công cộng sẽ được đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Quan trọng hơn cả, đó chính là tư duy giữ đất làm của để dành, tài sản cho con cháu đời sau. Chính điều này đã gây nên nhiều rào cản trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất để tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây