Tương Dương: Gương cựu chiến binh phát triển kinh tế từ mô hình tổng hợp

Thứ bảy - 26/03/2022 04:37 382 0
Những năm qua, phong trào cựu chiến binh gương mẫu phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Tương Dương nói chung và xã Xá Lượng nói riêng đã là động lực vượt khó vươn lên làm giàu của các cựu chiến binh và người dân. Trong đó ông Dương Văn Dũng tại bản Cửa Rào 2 là một tấm gương điển hình.
Mô hình kinh tế tổng hợp tại hộ ông Dương văn Dũng xã Xá Lượng- Tương Dương
Mô hình kinh tế tổng hợp tại hộ ông Dương văn Dũng xã Xá Lượng- Tương Dương
Những ngày đầu xây dựng kinh tế, ông gặp không ít khó khăn. Cả gia đình khi ấy chỉ trông chờ vào chăn nuôi gà nhỏ lẻ, cùng diện tích đất đồi núi canh tác lâu năm đã bạc màu, đầu ra bấp bênh không ổn định.. Những suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên luôn khiến ông trăn trở mỗi đêm. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên đã có lúc tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng. Với bản chất của người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông Dũng đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi từ bạn bè đến các trang trại chăn nuôi trong và ngoài huyện. Ông nghĩ không gì quý hơn là kinh nghiệm từ thực tiễn. Năm 2008 qua giới thiệu bạn bè ông xin vào làm việc tại trại chăn nuôi gà ở Hưng Hòa-TP Vinh trong vòng 1 tháng để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Sau khi trở về ông bắt tay vào phát triển mô hình tổng hợp chăn nuôi gà, bò  kết hợp trồng cây lâm sản lấy gỗ, cây ăn quả trên diện tích đất đồi của gia đình.
Xác định con gà là đối tượng nuôi chính. Ông đầu tư mua con giống, mở rộng chuồng trại. Lúc đầu chỉ nuôi vài trăm con sau đó tăng dần. Đên nay quy mô 1500-2000 con gà. Ông Dũng chia sẻ: Gà miền núi là đặc sản rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên vừa phải đảm bảo số lượng và chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu. Thịt gà phải dai, thơm ngon mới được thị trường chấp nhận. Ông nuôi gà theo hình thức bán chăn thả và nuôi 2 lứa/năm, mỗi lứa nuôi trong vòng 6 tháng mới xuất bán. Tùy vào thời điểm xuất bán mà ông nuôi với quy mô khác nhau. Giai đoạn đầu năm ông chỉ nuôi tầm 1.000 con giống, nhưng lứa thứ 2 xác định bán gà dịp cuối năm, lễ tết  ông nuôi từ 1500-2000 con. Đồng thời chăm sóc nuôi dưỡng cũng phải theo quy trình,  đó là gà trong vòng 2 tháng đầu sử dụng thức ăn công nghiệp. Từ tháng thứ 3 đến khi xuất bán chỉ cho ăn cám ngô, lúa và thả đồi tự kiếm thêm thức ăn. Nhờ vậy gà của ông Dũng luôn không lo đầu ra, chủ yếu nhập cho nhà hàng ở trong và ngoài huyện như TP Vinh, Nam Đàn… giá bán tại chỗ 100.000đ/kg.
Ngoài nuôi gà ông còn nuôi 25 con bò trong đó 11 con bò sinh sản, 14 con bò thịt. Khác với cách chăn nuôi của các hộ trong bản chủ yếu là thả rông thì ông Dũng lại chọn cách bán chăn thả. Buổi sáng lùa bò đi ăn, chiều lùa bò về chuồng, tối cho ăn thêm cỏ, rơm bổ sung. Bởi vậy kể cả trong thời tiết giá rét đàn bò của ông vẫn an toàn, khỏe mạnh. Mặt khác  đề phòng chống dịch bệnh ông thường xuyên phun vệ sinh, khử trùng chuồng trại. Thực hiện tiêm phòng vacxin nhất là vacxin viêm da nổi cục trâu bò, lở mồm long móng. Mỗi năm đàn bò sinh sản cho từ 6-10 con bê con.   
        


  


Ngoài ra ông còn trồng 6ha cây lâm sản và cây ăn quả. Để tận dụng diện tích đất đồi hiệu quả, phía dưới chân đồi ông trông cây ăn quả với 400 gốc na Thái và 400 trăm gốc cam. Còn phía trên đỉnh đồi thì trồng cây lâm sản lấy gỗ như săng lẻ, đinh hương. Hiện tại cây na, cây cam bắt đầu cho quả bói.  Cây đinh hương, săng lẻ tầm khoảng 12-15 năm tuổi. Với cách quy hoạch như vậy ông có thể tận dụng được đất đai, lấy ngắn nuôi dài mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng một loại cây trên cùng 1 diện tích.
Sau nhiều năm, giờ đây gia đình ông đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập ổn định. Mỗi năm ít nhất 200-250 triệu đồng. Hai vợ chồng với tính siêng năng chịu khó, ham học hỏi đã tự lực vươn lên khá giả, nuôi 3 đứa con học hành đến nơi đến chốn trong đó có hai cháu học đại học và 1 cháu đang học trường dân tộc nội trú tỉnh. Không chỉ sản xuất giỏi, ông Dũng còn là cựu chiến binh gương mẫu, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tham gia các hoạt động xã hội. Hiện tại ngoài là thành viên hội cụu chiến binh ông còn là Chi hội trưởng hội nông dân bản Cửa Rào 2. Ông còn luôn chia sẻ các kinh nghiệm từ trong sản xuất chăn nuôi với bà con xung quanh.  Ông Dương Văn Dũng xứng đáng là tấm gương cựu chiến binh sản xuất giỏi, để hội viên và nhân dân trong xã học tập và làm theo, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
 

Tác giả bài viết: Kim Dung - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây