Những cây thuốc mang tên Hổ

Thứ hai - 17/01/2022 07:10 1.906 0
Hầu hết các bộ phận từ cơ thể hổ đều có tác dụng y dược tích cực, chế được thành thuốc bồi bổ sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh ở người. Hơn nữa, do ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng, đa dạng tới lĩnh vực ngôn ngữ nên hình tượng hổ (cọp, hùm) còn thấy trong tên hiệu của những vị thuốc và nhiều loài thực vật, đặc biệt là các cây thuốc giá trị.
CÂY ĐƠN LƯỠI HỔ
          Cây đơn lưỡi hổ (tên khoa học: Sauropus rostratus, thuộc họ Thầu dầu) còn mang tên khác là cây lưỡi cọp, lưỡi hùm. Cây bụi nhỏ, cao 10-40 cm, thân cứng, tròn. Lá hình bầu dục hoặc hình mác đầu tròn, mặt trên có những viền ngang màu xám trắng trông như lưỡi hổ. Hoa nhỏ, màu đỏ, mọc tụ từng khóm trên thân cây.
            Cây mọc hoang nơi đất mùn trong rừng ở Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa và cũng được trồng làm cảnh tại nhiều địa phương. Lá và hoa có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi sấy khô làm thuốc. Đơn lưỡi hổ mang vị ngọt, tính bình với lá có tác dụng nhuận phế, chống ho, hoa có tác dụng cầm máu. Đem nấu hoặc sắc lấy nước uống, nó chữa mề đay, mẩn ngứa, phù thũng, cam sũng trẻ em, hen suyễn, viêm khí quản, viêm đường hô hấp, ho ra máu.
CÂY HỔ BÌ
          Cây hổ bì (tên khoa học: Afzelia xylocarpa, thuộc họ Đậu) còn gọi là cây gõ đỏ, cà te. Cây thân gỗ lớn, cao tới 25-30 m, đường kính thân tới 0,8-1 m, vân gỗ có màu giống màu da hổ. Vỏ cây sần sùi, xám trắng, có nhiều lỗ nâu. Lá nhẵn, hình trái xoan, dài 5-6 cm. Hoa lưỡng tính có tràng màu hồng hoặc trắng hồng, mặt trong có lông. Quả hình đậu bao kính với vỏ khi chín hóa gỗ màu đen. Hạt hình trụ có cạnh, vỏ hạt cứng, màu đen.
            Cây mọc nơi rừng rậm Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ (từ Thừa Thiên-Huế đến Thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài giá trị là một loài cây gỗ quý, hạt non của hổ bì ăn được và có tác dụng kích thích tiêu hóa. Hạt già dùng tươi hoặc khô, sắc làm thuốc ngậm chữa đau răng và uống chữa đau dạ dày.
CÂY HỔ NHĨ TRẮNG
          Cây hổ nhĩ trắng (tên khoa học: Pilea cadierei, thuộc họ Tầm ma) có tên khác là cây nhôm, mao đài trổ. Cây nhỏ, cao 20-30 cm, nhưng có lá rất lớn hình bầu dục, màu xanh đậm và dọc trên mỗi lá có 4 vệt bạc như vệt trắng trên tai hổ.
            Cây được trồng phổ biến để làm cảnh và hút khói bụi, dầu mỡ… do nó có sức hấp thụ khí carbonic rất mạnh. Ngoài ra, dùng cả cây tươi hoặc đã phơi sấy khô nấu lấy nước uống, có tác dụng giải độc, diệt khuẩn.
CÂY HỔ VĨ MÉP LÁ VÀNG
          Cây hổ vĩ mép lá vàng (tên khoa học: Sansevieria trifasciata, thuộc họ Bồng bồng) còn có tên là cây lưỡi cọp sọc, lá lưỡi hổ, đuôi hổ mép vàng. Cây nhỏ, thân rễ mọc ngang, cao 30-50 cm. Lá thành dải dày, dẹp, cứng, gốc có bẹ to ốp vào nhau, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, mép có viền vàng, hai mặt có những vằn ngang trông như đuôi hổ. Hoa ít khi ra, màu trắng hoặc xanh nhạt, mọc thành chùm trên cán dài 30-60 cm. Quả nhỏ, mọng, hình cầu, khi chín màu da cam.
            Cây mọc hoang và cũng được trồng nhiều làm cảnh. Nó có tác dụng điều hòa không khí và lọc, hút độc rất tốt. Chế thuốc thường dùng dạng tươi. Rễ rửa sạch, cắt vụn, đun nước uống để bổ dưỡng và kích thích. Lá non cắt nhỏ, trộn với muối, nhai và ngậm nuốt nước dần trong 5-10 phút rồi nhả bã, chữa viêm họng, khản tiếng (mỗi ngày dùng 6-12 g, ngậm 2-3 lần). Lá tươi còn được dùng nấu nước uống trị vàng da, thiếu máu; hơ nóng rồi ép lấy nước bôi chữa viêm tai có mủ; đốt và ngửi khói để chữa nhức đầu do sốt; giã nát đắp vào vết thương trị rắn cắn.
CÂY HỔ VĨ XÁM
          Cây hổ vĩ xám (tên khoa học: Sansevieria guineensis, thuộc họ Bồng bồng) mang tên khác là cây hổ vĩ, lưỡi cọp xanh. Cây bụi nhỏ, thân rễ mọc ngang. Lá cứng, dày, hình ngọn giáo hẹp, dài 30-60 cm, rộng 2-4 cm, mọc thành bó 5-10 lá. Mặt lá nhẵn, có vằn rằn ri màu xám đen như vằn trên đuôi hổ. Hoa trắng hoặc xanh nhạt, tím nhạt, mọc thành chùm dài ở ngọn. Quả hình cầu, màu vàng cam.
            Cây được trồng phổ biến để làm cảnh. Lá cây tươi có thể dùng làm thuốc: giã nát, vắt lấy nước ngậm chữa ho khan, viêm họng, khản tiếng; uống chữa sốt nóng, đái buốt; rỏ vào tai chữa viêm tai chảy mủ.
CÂY LƯỠI CỌP ĐỎ
          Cây lưỡi cọp đỏ (tên khoa học: Ardisia mamillata, thuộc họ Đơn nem) có tên khác là cây hồng địa, hồng mao chiên, mao lương tán, cơm nguội đá vôi. Cây rất nhỏ, cao 10-20 cm, thân phủ lông nhung. Lá to, hình bầu dục, dài 9-13 cm, rộng 4-5 cm, mọc tập trung ở ngọn. Hoa màu hồng, hợp thành cụm 4-6 bông.
            Cây là loài thực vật quý hiếm, ít gặp. Nó có vị cay, đắng, hơi ngọt, tính mát; tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hoạt huyết, hỏa ứ. Dùng cây sấy khô để trị sốt, hoàng đản, phong thấp, đau xương, kiết lỵ; cầm máu khi bị ho ra máu, ngoại thường xuất huyết, đau bụng kinh, kinh nguyệt quá nhiều, trẻ em cam tích, với liều lượng 10-20 g sắc hoặc ngâm rượu uống. Còn nếu đem tán bột, hòa với nước, bôi xoa chữa vết thương do va đập, sưng tấy, mụn nhọt.
CÂY LƯỠI HỔ
          Cây lưỡi hổ (tên khoa học: Aloe vera, thuộc họ Lô hội) còn có tên là cây hổ thiệt, long tu, tượng đởm, lô hội, nha đam. Cây thân ngắn, to thô. Lá dày, mọng nước, không cuống, đầu nhọn, mép có răng cưa, dài 30-50 cm, rộng 5-10 cm. Cụm hoa dài tới 90-100 cm, màu xanh nhạt. Quả hình trứng, lúc non màu xanh, già màu nâu dần.
            Cây được trồng làm cảnh và lấy lá tươi làm thuốc. Nó có vị hơi đắng, tính hàn; tác dụng lương can, nhuận tràng, nhuận gan, lợi mật, thông tiểu, sát khuẩn. Giã vắt lấy nước uống hoặc sử dụng cả nước và bã. Dùng với liều lượng nhỏ giúp chữa các bệnh ngoài da, cam tích, kinh giản, táo bón, ăn uống không tiêu. Còn dùng với liều lượng lớn chữa nhức đầu dai dẳng, sung huyết phổi, sung huyết các phủ tạng và có thể làm thuốc tẩy.
CÂY RÂU HÙM
          Cây râu hùm (tên khoa học: Tacca chantrieri, thuộc họ Râu hùm) là cây cỏ, sống dai, thân rễ có nhiều đốt, mọc bò dài. Lá có cuống dài, mọc thẳng lên từ thân rễ, mép lượn sóng. Mỗi cụm có 4 lá to mọc đối chéo nhau và nhiều lá nhỏ hình sợi như râu hùm, màu tím đen. Hoa cũng màu tím đen, mọc tụ hợp thành tán.
            Cây mọc ven suối, rừng ẩm ở khắp vùng trung du và miền núi. Nó mang vị đắng, cay, tính mát, hơi độc; tác dụng thanh nhiệt, chỉ thống, lý khí. Từ cây râu hùm, có thể chiết suất ra các chất để chế dược phẩm chống viêm, nội tiết, triệt sản, tăng đồng hóa. Còn nếu đem thân rễ râu hùm đã phơi sấy khô, xay nhỏ, trộn với bột bồ kết nướng giòn, ngâm vào rượu trong 1-2 tuần, sẽ được thứ thuốc xoa bóp, làm tan các tê phù, sưng đau rất công hiệu.
CÂY VUỐT HÙM
          Cây vuốt hùm (tên khoa học: Caesalpinia minax, thuộc họ Vang) mang tên khác là cây móc diều, móc mèo. Cây nhỏ, mọc thành bụi, thân cành có gai. Lá kép kiểu lông chim, nhiều gai. Hoa màu vàng, mọc thành chùm ở đầu cành. Quả to, dẹt, hình trụ, cũng có gai, trong chứa không quá 7 hạt cứng, vỏ dày và vị rất đắng.
            Cây vuốt hùm mọc hoang khắp nơi và thường được trồng làm hàng rào do mang nhiều gai. Có tác dụng kích thích, tiêu viêm, trừ đau, sát khuẩn nên nó cũng được dùng làm thuốc. Lấy rễ tươi hoặc đã sấy khô, sắc uống, chữa sốt, đau nhức, mất ngủ, tiêu chảy. Lấy búp non, hạt và rễ ngâm rượu, ngậm trị viêm họng, đau răng. Còn lấy hạt ngâm rượu, uống sẽ chữa tiểu tiện ra máu.
CỎ ĐUÔI HÙM
          Cỏ đuôi hùm (tên khoa học: Blumea hieracifolia, thuộc họ Cúc) có tên khác là cây hoàng đầu, bát tầy. Cây nhỏ, thân mềm, mọc thẳng. Lá nhỏ, mọc đối, kép kiểu lông chim. Hoa vàng, mọc thành cụm, khi còn là nụ trông giống như chót đuôi hổ.
            Cây mọc trên các trảng cỏ tranh ven rừng thấp, khắp miền Bắc và miền Trung. Toàn bộ cây tươi hoặc đã phơi sấy khô, đem ngâm rượu, uống trị phong tê thấp, đau dạ dày, viêm ruột; bôi xoa chữa sưng đau, côn trùng hoặc rắn cắn.
CỎ TAI HÙM
          Cỏ tai hùm (tên khoa học: Conyza canadensis, thuộc họ Cúc) có tên khác là cây thượng lão, tiểu bồng thảo, ngải dại, cỏ bỗng, cúc voi, cúc hôi. Cây nhỏ, thân mềm. Lá phía gốc thường có răng và mọc xếp hình hoa thị. Lá phía trên dài rộng, không cuống và có lông nhung ở mặt dưới. Hoa khi nở bung thành những khối hình cầu nhẹ, màu trắng bông.
            Cây mọc ở những nơi khô ráo. Toàn bộ cây được dùng làm thuốc vì có tác dụng kích thích, tiêu viêm, giảm đau, hạ nhiệt, sát khuẩn. Thường dùng dạng tươi bằng cách nhai, ngậm, nuốt nước; hoặc xay giã nát, chắt lấy dung dịch; hoặc đun, sắc lấy nước uống. Nó chữa trị được rất nhiều bệnh: đau mắt, phát ban, nấm ngứa, lở loét, mụn nhọt; viêm phế quản, gan, túi mật, bang quang, tuyến tiền liệt; chảy máu phổi, dạ dày, ruột; thấp khớp, thống phong, viêm đau khớp cấp tính; băng huyết, đau bụng kinh, kinh nguyệt quá nhiều; albumin niệu, sỏi niệu; lỵ, tiêu chảy, khí hư; nguy cơ sẩy thai; tẩy giun, sán.
CỦ HỔ TRƯỢNG CĂN
          Củ hổ trượng căn (tên khoa học: Reynoutria japonica, thuộc họ Rau răm) mang tên khác là củ cốt khí, ban trượng căn, nam hoàng cầm, hoạt huyết đan, điền thất. Cây nhỏ, sống lâu, cao 0,5-1,2 m, trên thân và cành có những đốm tím hồng. Lá cuống ngắn, hình trứng nhưng đầu nhọn, mọc so le. Hoa nhỏ, mọc thành chùm dài màu trắng. Củ to, mọc chìm.
            Cây mọc ở đồi núi, ven đường, thấy nhiều ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Củ được đào về, cắt bỏ rễ, rửa sạch, thái mỏng, phơi sấy khô để dùng làm thuốc vì có vị ngọt đắng, tính mát; tác dụng khu phong trừ thấp, hoạt huyết, lợi niệu, thông kinh, giảm đau, giải độc. Liều lượng dùng mỗi ngày 6-12 g dưới dạng sắc lấy nước hoặc ngâm rượu cùng một số vị thuốc khác mà uống, nó chữa trị đau nhức xương, chấn thương; viêm phế quản, gan, ruột; đái rắt, buốt, ra máu; tắc kinh; táo bón; rắn cắn.
CỦ LƯỠI CỌP
            Củ lưỡi cọp (tên khoa học: Rhizoma Zedoaria, thuộc họ Gừng) gọi bằng tên khác là củ ngải tím, nghệ đen, nga mậu, thanh khương, bồng nga truật… Cây thân thảo, cao 0,8-1,5 m. Lá to, nhiều nước, mọc ốp vào nhau từ gốc như lá dong, lá chuối. Hoa mọc thành chùm màu xanh nhạt, phần trên tím hồng. Thân rễ dạng hình nón, củ tỏa ra theo hình chân vịt với vỏ vàng rồi chuyển sang đen khi già, ruột đặc và màu tím xanh.
            Cây mọc hoang và cũng được trồng ở nhiều nơi. Nó có vị đắng, cay, tính ôn hơi ấm, không độc; tác dụng phá bĩ, trục thủy, hành khí, chỉ thống. Củ tươi đào về, cắt bỏ rễ, rửa sạch, thái mỏng, phơi sấy khô, khi dùng tán bột, sắc nước hoặc ngâm rượu uống. Với liều lượng dùng mỗi lần 3-9 g, củ lưỡi cọp khô kháng khuẩn; chống có thai sớm; trị huyết tích, bế kinh, tắc kinh, đau lưng ở phụ nữ; chữa trẻ em ọc sữa, nôn ọe; làm thông tiêu hóa; chữa viêm dạ dày, viêm ruột, táo bón; trị sưng đau, hen suyễn, thiếu máu, suy nhược…
DÂY BÌM BÌM CHÂN CỌP
            Dây bìm bìm chân cọp (tên khoa học: Ipomoea pes-tigridis, thuộc họ Khoai lang) có tên gọi khác là cây chân chó. Cây thân thảo dạng dây phủ đầy lông cứng, mọc bò hoặc leo. Lá hình chân vịt dài 3-5 cm, rộng 5-6 cm. Hoa tròn, màu trắng hoặc hồng. Quả nhỏ, hình cầu đường kính 0,8-1 cm, chứa 4 hạt màu hung nâu.
            Cây mọc nhiều ở vùng đồng bằng khô ráo, nhất là bên vệ đường. Lá, hạt và rễ có tác dụng tiêu viêm, thông mạch, giải độc, sát khuẩn nên được thu hái về chế thuốc. Lá và rễ tươi giã nát, đắp chữa đinh nhọt, mụn mủ, lở loét, chó cắn. Dùng dưới dạng tươi hoặc khô, sắc lấy nước hoặc ngâm rượu uống, rễ trị ho ra máu và hạt chữa phù thũng.
DÂY HẮC LÃO HỔ
            Dây hắc lão hổ (tên khoa học: Kadsura coccinea, thuộc họ Ngũ vị tử) mang nhiều tên khác là cây nắm cơm, xum xe, diệp hạ châu, toàn địa phong… Dây leo thân mộc có vỏ màu đen nâu, cành chia nhiều nhánh. Lá dài 8-17 cm, dày, cứng, màu xanh đậm. Hoa màu vàng hoặc hơi hồng. Quả trông như nắm cơm, đường kính 6-10 cm, màu tím đen.
            Cây mọc nơi rừng thưa, khe núi. Rễ và thân thu hái về, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô để chế thuốc. Nó có vị cay, hơi đắng, tính ấm, mùi thơm; tác dụng tán ứ, khử phong, tiêu thũng. Liều lượng mỗi lần 3-5 g tán bột hòa vào nước hoặc 15-30 g sắc lấy nước uống, hắc lão hổ trị phong thấp nhức xương, ứ đau do chấn thương, loét dạ dày tá tràng, dạ dày mãn tính, viêm trường vị cấp tính, đau bụng trước khi có kinh, ứ đau sau khi sinh, phù thũng.
DÂY MANG HỔ
            Dây mang hổ (tên khoa học: Cardiospermum halicacabum, thuộc họ Bồ hòn) còn tên khác là cây tầm phỏng, tam phỏng, búp bụp, xoan leo, phong thuyền cát. Dây mềm leo cao 2-3 m, có nhánh mảnh, khía dọc. Lá kép mọc so le, có lá chét hình tam giác, mũi nhọn. Hoa thành chùm, màu trắng. Quả hình quả lê, vỏ dạng màng, trong có 3 ngăn phồng lên, mỗi ngăn chứa 1 hạt hình cầu màu đen.
            Cây mọc ở nhiều nơi. Nó được dùng chế thuốc vì có vị đắng, hơi cay, tính mát; tác dụng tiêu thũng, chỉ thống, lương huyết, lợi tiểu, nhuận tràng, giải độc, tiêu viêm. Dùng cả cây (tươi hoặc khô) sắc uống chữa cảm lạnh, ho gà, sốt, viêm đường tiết niệu, viêm thận phù thũng, đái tháo đường. Dùng cây tươi giã nát, đắp chữa chấn thương, ghẻ lở, eczema, viêm mủ da, chó, rắn và côn trùng cắn. Rễ (tươi hoặc khô) sắc uống làm thông thận, lợi tiểu, mịn da. Lá tươi nấu lấy nước đặc rửa chữa đau mắt và tắm trị ghẻ ngứa.
DÂY VUỐT HÙM
            Dây vuốt hùm (tên khoa học: Uncaria scandens, thuộc họ Cà phê) có tên khác là dây vuốt leo, câu đằng cành leo. Cây cỡ vừa, dạng thân dây leo; cành có lông hoe đỏ. Lá hình bầu dục, thuôn nhọn, dài 8-13 cm, rộng 3-5 cm. Quả nhỏ, hình thoi ngược, màu đỏ nâu.
            Cây mọc hoang ở Kon Tum và được nuôi trồng ở một số nơi để dùng cành, rễ làm thuốc dưới dạng tươi và khô, sắc nước hoặc ngâm vào rượu. Cành vuốt hùm có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn; tác dụng thanh nhiệt, bình can, ngừng đau, tắt phong; dùng chữa trẻ em sốt cao, ngất lịm, co giật, khóc đêm, người lớn choáng váng, đau đầu, hoa mắt, cao huyết áp. Rễ vuốt hùm có vị ngọt đắng, tính bình; tác dụng thông lạc, khử phong; dùng trị phong thấp đau nhức, đòn ngã chấn thương.
HỔ PHÁCH
            Hổ phách (tên khoa học: Amber, là nhựa của loài thông cổ Pityoxylon auccinifer đã tuyệt chủng) còn gọi là huyết hổ phách, hắc hổ phách, hồng tùng chi, huyết phách, minh phách. Nó là những cục nhựa thông lâu năm, đã khô, rất cứng, to nhỏ không đều, màu vàng trong hoặc vàng đỏ, ngoài cùng phủ một lớp mờ, khi vỡ vết vỡ tròn nhẵn, không tan trong nước nhưng tan trong cồn rượu, xăng dầu…
            Hổ phách thấy ở Việt Nam từ xưa (do khai thác mỏ đào được, do vớt được trôi dạt vào bờ biển, do thương nhân nước ngoài mang tới…), được dùng làm trang sức và chế thuốc. Nó có vị ngọt, mùi thơm, tính bình; tác dụng an thần, định kinh, tán huyết, lợi tiểu. Hổ phách chữa trị tâm thần bất định, hồi hộp mất ngủ, ngủ hay mê sợ, tiểu tiện ra máu, mụn nhọt lâu lành. Sử dụng dưới dạng thuốc xông, cồn thuốc, dung dịch bôi xoa, liều lượng mỗi ngày 1-3 g.

Tác giả bài viết: Xuân Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây