Sản phẩm OCOP "nở rộ": Doanh nghiệp, ngân hàng bộc bạch về "chất xúc tác" quan trọng

Thứ hai - 15/07/2024 23:35 72 0
Đến tháng 6/2024, cả nước hiện đã có 13.368 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và hơn 7.400 chủ thể OCOP. Dòng vốn ngân hàng đã trở thành chất xúc tác quan trọng trong “hành trình” đưa các sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa.
Sản phẩm OCOP "nở rộ": Doanh nghiệp, ngân hàng bộc bạch về "chất xúc tác" quan trọng

Toàn cảnh tọa đàm "Tiếp sức sản phẩm Ocop vươn xa"

"Bệ đỡ" từ nguồn vốn ngân hàng

Là doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đạt 5 sao đầu tiên của tỉnh Phú Thọ, thương hiệu chè Hoài Trung không chỉ được nhiều người tiêu dùng tại thị trường trong nước biết đến, mà còn vươn tầm "xuất ngoại" tại thị trường Châu Âu.layPlay
Từ một cơ sở sản xuất chè cá nhân mang tên Mão Hợi tại một nơi xa trung tâm huyện, đơn vị đã trở thành Công ty có dây chuyền sản xuất khép kín với công suất lớn, tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc công ty TNHH chè Hoài Trung cho biết, doanh nghiệp có được "vị thế" như ngày hôm nay nhờ có đồng vốn từ ngân hàng lúc khó khăn cũng như giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công ty.
Chia sẻ tại tòa đàm "Tiếp sức sản phẩm Ocop vươn xa" do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 12/7, bà Mão cho biết, hiện tại sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh mẽ, trên 20%. Do đó, số tiền đầu tư mỗi tháng dao động từ 2 – 3 tỷ đồng.
"Để có được kết quả như ngày hôm nay, doanh nghiệp chúng tôi đang được ngân hàng Agribank tạo điều kiện và đáp ứng nhu cầu về vốn một cách kịp thời. Hơn nữa, các khoản vay của doanh nghiệp được ngân hàng giảm lãi suất 2%/năm so với thông thường. Đây động lực lớn đối với công ty chúng tôi", bà Bùi Thị Mão bày tỏ.
Tại tọa đàm, bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các sản phẩm OCOP vươn xa. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các sản phẩm OCOP.

"Dòng vốn ngân hàng đã trở thành chất xúc tác quan trọng, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; phát triển thế mạnh của địa phương, đưa sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu" - bà Hoàng Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Sản phẩm OCOP 'nở rộ': Doanh nghiệp, ngân hàng bộc bạch về 'chất xúc tác' quan trọng- Ảnh 2.
Bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng.
Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện sứ mệnh tam nông, ông Chu Ngọc Quý, Phó trưởng ban Khách hàng cá nhân Agribank cho biết, tính đến nay, Agribank đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, đối với chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP mới triển khai 26/1/2024 đến nay đạt doanh số cho vay 101 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, theo ông Quý, ngân hàng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP như các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn.
Sản phẩm OCOP 'nở rộ': Doanh nghiệp, ngân hàng bộc bạch về 'chất xúc tác' quan trọng- Ảnh 3.
Ông Chu Ngọc Quý, Phó trưởng ban Khách hàng cá nhân Agribank.
Giải pháp thúc đẩy OCOP vươn xa
Thống kê cho thấy, cả nước hiện đã có 13.368 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và hơn 7.400 chủ thể OCOP. Con số sản phẩm hàng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm cũng có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% là được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao còn lại là sản phẩm 5 sao.
Thừa nhận việc phát triển Chương trình OCOP có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, ông Đào Đức Huấn – Trưởng phòng OCOP Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn chứng, trong 4 năm gần đây có sự “nở rộ” của các sản phẩm OCOP trên thị trường và có những thay đổi về bao bì, chất lượng. 
46% chủ thể OCOP có tăng trưởng về sản phẩm và doanh thu trong thời gian qua bất chấp đại dịch Covid-19. Trong đó, tỷ lệ tăng doanh thu của các chủ thể này đạt khoảng 29,7%.
Cũng theo ông Huấn, đã có hơn 50% các sản phẩm OCOP tăng giá bán, với mức tăng khoảng 17% - 18%. Về tác động xã hội, đến thời điểm hiện tại, gần 35% chủ thể có tăng lên về quy mô lao động, trong đó có 40% chủ thể là nữ và 18% chủ thể là người dân tộc.
Đặc biệt, Chương trình đã tạo nên những thay đổi về mặt thương mại mạnh mẽ, đã có phiên bán hàng trực tuyến trên TikTok chuyên cho các sản phẩm OCOP, qua đó lan tỏa hầu hết vào hệ thống phân phối, tạo điểm gặp gỡ giữa sản xuất và tiêu dùng.
"Đây là những con số biết nói, cho thấy được sự lan tỏa và khẳng định sự phù hợp, kết quả của chương trình OCOP trong hơn 6 năm qua", ông Huấn nhấn mạnh.
Sản phẩm OCOP 'nở rộ': Doanh nghiệp, ngân hàng bộc bạch về 'chất xúc tác' quan trọng- Ảnh 4.
Ông Đào Đức Huấn - Trưởng phòng OCOP Văn phòng Điều phối Chương trình
Nông thôn mới Trung ương
Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc phát triển sản phẩm OCOP, theo ông Huấn còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững, đặc biệt là còn manh mún, thiếu vùng nguyên liệu tập trung. Theo ông Huấn, việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và có sự kiểm soát, giúp cho đầu ra và chất lượng sản phẩm được ổn định. Có nghĩa là, xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ quản lý được chất lượng, chủ động được câu chuyện về mặt thương mại. Ngược lại, nếu vẫn duy trì sự manh mún, nhỏ lẻ, chúng ta sẽ thụ động ngay cả mặt chế biến và thụ động về hoạt động thương mại.
"Xét về mặt tín dụng, sản phẩm OCOP là đối tượng được ưu tiên trong xây dựng chính sách tín dụng. Bản thân các HTX và doanh nghiệp hiện nay rất cần dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn ưu đãi để hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, chủ thể OCOP thường nhỏ nên không thông thạo các quy định, hoàn thiện hồ sơ vay vốn hay nhu cầu về vốn trong thời gian ngắn. Chúng tôi mong muốn trong các quy định về mặt thẩm định hồ sơ, hỗ trợ hướng dẫn có được sự ưu tiên hơn để các chủ thể OCOP có được thuận lợi tiếp cận vốn", ông Huân kiến nghị.
Sản phẩm OCOP 'nở rộ': Doanh nghiệp, ngân hàng bộc bạch về 'chất xúc tác' quan trọng- Ảnh 5.
Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ.
Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ cũng thừa nhận, chưa có gói tín dụng "đặc thù" cho các khách hàng triển khai các sản phẩm OCOP.
Dịch vụ tín dụng chưa đa dạng, chưa gắn với từng sản phẩm đặc thù, vùng miền địa phương. Cùng với đó, công tác tư vấn, hướng dẫn giữa ngân hàng và khách hàng về phương án kinh doanh, quản lý dòng tiền, bảo đảm tiền vay còn có vấn đề. Ngoài ra, phương thức cho vay như theo hạn mức hiện nay chưa phù hợp bởi đặc thù OCOP liên quan đến tính mùa vụ, vùng miền, nơi tiêu thụ.
Để triển khai các chương trình OCOP hiệu quả hơn, ông Giang cho rằng, rất cần các cơ chế chính sách đồng bộ, vì vậy cần xem xét, đánh giá, tổng kết để điều chỉnh phù hợp, cũng như nâng cao sự phối hợp của cơ quan quản lý trung ương và địa phương.

Tác giả bài viết: NPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây