Người đạo diễn thổi hồn quê vào từng vở kịch

Thứ ba - 17/09/2024 22:26 42 0
Giữa nhịp sống hiện đại vội vã, có một người đàn ông vẫn kiên trì giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống quê hương thông qua sân khấu kịch. Ông là Trần Duy Thắng (SN 1953), người đạo diễn tài năng của làng quê Anh Sơn, nguyện dành trọn cuộc đời thổi hồn quê vào từng vở diễn, biến những trang kịch bản khô khan thành tác phẩm sống động, mang đậm hơi thở của nhịp sống hiện sinh và tình yêu quê hương, đất nước.
Người đạo diễn thổi hồn quê vào từng vở kịch
Lặng lẽ thổi hồn cho sân khấu kịch làng quê
Ánh đèn sân khấu bật sáng, các diễn viên không chuyên của xã Hoa Sơn (Anh Sơn) bước ra chào khán giả. Sau vài phút giây hồi hộp ban đầu, họ bắt đầu hóa thân vào những nhân vật đầy cảm xúc của vở kịch “Bức ảnh kỳ diệu”. Bên cánh gà, ông Trần Duy Thắng lặng lẽ quan sát, lo lắng, hồi hộp theo từng vai diễn; và rồi, vỡ òa niềm vui khi vở kịch giành giải Nhất toàn huyện. Vào tháng 4/2024, các diễn viên không chuyên của xã Hoa Sơn tiếp tục đưa vở kịch này dự thi cấp tỉnh, vinh dự giành giải Ba chung cuộc Cuộc thi "Truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình".
Khi nhắc về ông Thắng, những người dân ở mảnh đất Anh Sơn luôn dành cho người đàn ông ấy niềm quý mến chân thành, bởi trong sự xô bồ của nhịp sống hiện đại, ông vẫn lặng lẽ bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua những vở diễn phong trào của địa phương.
Ông Trần Duy Thắng và vợ bên những tập kịch bản có in tác phẩm của mình. Ảnh: Thanh Quỳnh
Nâng niu cuốn sách của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2013 với tiêu đề “Tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình”, ông Thắng cho biết, tiểu phẩm “Khi ta đã hiểu” do ông sáng tác đã lọt vào chung khảo toàn quốc năm đó. Sau này, khi lựa chọn 24 tác phẩm xuất sắc nhất để in thành sách, tác phẩm của ông đã được chọn lựa để xuất bản.
Lần giở kho thư viện về các dòng sách kịch bản tuyên truyền sân khấu, không khó để bắt gặp những tác phẩm của ông. Ví như tuyển tập “Kịch tuyển chọn từ trại sáng tác kịch bản sân khấu không chuyên” của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An có tác phẩm “Lỗi tại ai”; tuyển tập Kịch ngắn của Trung tâm Thông tin triển lãm Nghệ An (nay là Trung tâm Văn hoá tỉnh Nghệ An) có tác phẩm "Chuyện dân chủ ở quê tôi" do ông sáng tác.
Nhiều tác phẩm kịch bản của ông Trần Duy Thắng được in trong các tuyển tập của Bộ, ngành Văn hóa. Ảnh: Thanh Quỳnh
Hầu hết các tác phẩm này đều đã được ông hướng dẫn cho những đội diễn không chuyên trên địa bàn huyện Anh Sơn dự thi và đạt giải cao tại các hội diễn. Bà con đã quen với hình ảnh ông Trần Duy Thắng tận tụy dành hàng giờ để chỉ dẫn từng động tác, từng lời thoại cho các diễn viên không chuyên - những người nông dân, công nhân hay những viên chức bình dị. Mỗi khi một câu thoại diễn chưa đạt, ông lại kiên nhẫn giải thích, thị phạm cho đến khi mọi thứ trở nên trôi chảy.
Bởi thế, nhiều diễn viên quần chúng ban đầu còn ngại ngần, e dè khi đứng trước đám đông, nhưng dưới sự dìu dắt của ông Thắng, họ đã dần tự tin hơn và làm chủ sân khấu, để trở thành những diễn viên không chuyên của xóm làng. Dù đã bước qua tuổi thất thập, ông Trần Duy Thắng vẫn không ngừng sáng tác, không ngừng cống hiến cho sân khấu kịch không chuyên. Trước sự nhiệt tình của ông, nhiều cơ quan, trường học và các xã trong huyện đã tìm đến ông nhờ viết kịch bản, dàn dựng chương trình, tập luyện biểu diễn.
Những đề tài mà ông chọn để sáng tác thường xoay quanh những vấn đề nóng hổi của xã hội, như bạo lực gia đình, dân chủ cơ sở, hay những giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị mai một trong đời sống hiện đại. Với ông, nghệ thuật phải phản ánh cuộc sống, phải có tác động đến người xem, phải giúp họ nhìn nhận lại bản thân và trăn trở về đời sống xã hội. "Thù lao" lớn nhất mà ông nhận được chính là niềm vui, niềm tự hào khi thấy các vở diễn của mình được tỏa sáng trên sân khấu, và những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, lan tỏa.
Thời gian qua, ông Trần Duy Thắng đã có 3 vở kịch đạt giải Nhất, Nhì cấp tỉnh và gần 10 vở kịch đạt giải cao tại các hội thi cấp huyện. Đồng thời, ông còn dàn dựng cảnh cho các trò diễn xướng dân ca, từ đó, góp phần ý nghĩa nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa của địa phương.
Thắp sáng tình yêu với giá trị văn hóa cổ truyền
Ít ai biết rằng, khởi nguồn những đóng góp giá trị cho phong trào văn hóa địa phương của ông Thắng xuất phát từ một tình yêu máu thịt với giá trị văn hóa cổ truyền mà ông được nuôi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ. Quay ngược thời gian về năm 1953, Trần Duy Thắng được sinh ra tại làng Phú Lĩnh (nay là xóm 5) của xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn.
Phải chăng bởi Lĩnh Sơn là mảnh đất sơn thủy hữu tình, có dòng Lam thơ mộng uốn quanh, có núi đồi nhấp nhô trùng điệp mà tâm hồn người dân nơi đây thiết tha yêu mến các làn điệu Dân ca ví, giặm. Mảnh đất này cũng được xem là một trong những "cái nôi" của Dân ca ví, giặm xứ Nghệ trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Lớn lên trong bối cảnh đó, Trần Duy Thắng sớm bộc lộ năng khiếu dân ca trong những buổi văn nghệ thiếu nhi. Cậu bé lọt vào “mắt xanh” của các cán bộ văn hóa xã và được dìu dắt để trưởng thành trên con đường nghệ thuật. Từ năm 10 tuổi, Thắng đã được tham gia các đội văn nghệ xung kích, để lại dấu ấn trong lòng bà con.
Năm 1970, Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh tổ chức tuyển dụng, Trần Duy Thắng khi đó mới 17 tuổi đã mạnh dạn tham gia. (Thời điểm đó, tỉnh Nghệ Tĩnh có 5 đoàn nghệ thuật sân khấu, gồm: Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ Tĩnh, Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh, Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh, Đoàn Cải lương Nghệ Tĩnh, Đoàn Kịch nói Nghệ Tĩnh). Qua các vòng kiểm tra khắt khe về hát, tiết tấu và thể hình, ông đã được chọn.
Tấm ảnh ông Trần Duy Thắng (giữa) hóa thân thành một vị quan thời Lý trong một vở diễn tại Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh. Ảnh: NVCC
Chỉ sau một năm gắn bó với đoàn, ông đã được đạo diễn giao thể nghiệm vai diễn đầu tiên là nhân vật chiến sĩ tên Sơn trong vở chèo "Cô gái sông Lam." Sau đó, ông tiếp tục đảm nhận vai Bọ Già Xuân - thầy giáo dạy Hoàng Tử trong vở chèo "Tấm Cám". Những vai diễn này đều khó, khi phải thể hiện nhiều diễn biến tâm lý phức tạp, nhưng ông đã vượt qua một cách trọn vẹn.
Sau thành công của hai vở chèo này, Trần Duy Thắng nhanh chóng được tin tưởng giao đảm nhận nhiều dạng vai khác nhau, từ phản diện đến chính diện, từ hài hước đến trầm tư, từ vai quan lại đến vai thường dân. Khả năng biến hóa đa dạng trong diễn xuất đã giúp ông trở thành một trong những nghệ sĩ chèo nổi bật của Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh, góp phần không nhỏ vào việc "giữ lửa" nghệ thuật sân khấu truyền thống của quê hương.
Sau 17 năm gắn bó với đoàn chèo, vì gia đình có 2 liệt sĩ, ông được Nhà nước tạo điều kiện sang Liên bang Nga để làm việc. Trong quá trình ở nước ngoài, cho dù công việc chính là lao động tại xưởng sản xuất, nhưng ông vẫn cùng cộng đồng người Việt tổ chức các chương trình văn nghệ truyền thống dân tộc.
Cho đến năm 1991, ông về Việt Nam, vì đã quá tuổi để gắn bó với nghệ thuật chuyên nghiệp, ông hòa mình với phong trào nghệ thuật quần chúng cùng bà con làng xóm. Nhiều người đã được ông dẫn dắt, trao truyền kiến thức để lan tỏa tình yêu với các môn nghệ thuật truyền thống.
Trong số đó, phải kể đến cô Hoàng Thị Hoa Đào (SN 1974) - Hiệu phó Trường Mầm non Tường Sơn được ông dẫn dắt từ khi còn là giáo viên trẻ tuổi. Nhờ vậy, cô đoạt được nhiều giải cao tại cuộc thi hát ru của huyện và giải Nhì cuộc thi diễn kịch về tìm hiểu quy chế dân chủ cơ sở cấp tỉnh năm 2020. Những thành công ấy giúp cô tiếp tục duy trì tình yêu với sân khấu và đạt được nhiều thành tích cao tại địa phương.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây