Quế Phong triển khai dập dịch rầy nâu gây hại hàng trăm hec-ta lúa

Thứ sáu - 15/09/2023 03:09 253 0
Sau khi phát hiện tình trạng rầy nâu hại lúa, các phòng ban chuyên môn của huyện Quế Phong cử cán bộ đến tận các ruộng lúa, làm việc với địa phương kiểm tra, triển khai dập dịch kịp thời.
Quế Phong triển khai dập dịch rầy nâu gây hại hàng trăm hec-ta lúa
Cùng kiểm tra thực địa tại các ruộng lúa ở xã Tri Lễ với cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho thấy, thời điểm ngày 14/9/2023, các diện tích lúa bị rầy nâu gây hại trên địa bàn xã đã được khống chế, không có dấu hiệu lan rộng.
Ông Lữ Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cũng cho biết, các ngày 13-14/9, cán bộ UBND huyện và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cũng đã đến tận nơi để kiểm tra, hướng dẫn ngăn chặn dịch lây lan. Ở các bản có nhiều diện tích trồng lúa như Kẽm Đôn, bản Nóng, bản Cắm, Liên Hợp, Lam Hợp, chính quyền địa phương cũng luôn nhắc người dân thăm đồng, phát hiện kịp thời các diện tích bị sâu bệnh và đã tiến hành phun thuốc phòng trừ nên hạn chế được thiệt hại, lây lan”.
bna_ HT lúa tri lễ.JPG
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong và cán bộ UBND xã Tri Lễ kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa ở bản Nóng, xã Tri Lễ. Ảnh: Hoài Thu
Ông Phan Xuân Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, qua nắm bắt tình hình và trực tiếp đến tại địa phương kiểm tra từ ngày 13-14/9 tại xã Tri Lễ cho thấy, đây là địa bàn có diện tích lúa bị rầy nâu gây hại không nhiều, và cơ bản đã được khống chế. Trung tâm đã hướng dẫn, phối hợp địa phương triển khai cho người dân phun thuốc phòng trừ.
Tại xã Châu Kim, theo lãnh đạo UBND xã cho biết, hiện dịch rầy nâu hại lúa trên diện tích khoảng 47ha khá nặng đã được địa phương hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ, ngăn chặn dịch lây lan. Ngoài ra, còn một số diện tích bị nhiễm rầy nhẹ cũng được phun phòng trừ và tiếp tục theo dõi sát diễn biến.
Theo thống kê của UBND huyện Quế Phong, tính đến ngày 15/9/2023, cây lúa vụ mùa năm 2023 trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn làm đòng, một số ít diện tích đã trổ. Qua phối hợp kiểm tra thực tế của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trên cây lúa vụ mùa hiện nay đã phát sinh một số đối tượng sâu bệnh hại như: Rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6... Mật độ rầy phát sinh trung bình từ 700-800 con/m2, nơi cao 1.500-2.000 con/m2, cá biệt có nơi lên đến trên 3.000 con/m2. Rầy chủ yếu giai đoạn trưởng thành và rầy cám. Có cả rầy lưng trắng và rầy nâu, tuy nhiên số lượng rầy lưng trắng cao hơn rầy nâu.
bna_1.jpg
Hiện nay Quế Phong có hơn 257ha lúa mùa bị nhiễm sâu bệnh mức độ nặng. Ảnh: Xuân Hoàng
Diện tích nhiễm theo số liệu báo cáo của các xã và qua kiểm tra thực tế của cán bộ chuyên môn là hơn 1437 ha. Trong đó, nhiễm nhẹ khoảng 678 ha và nhiễm trung bình khoảng 466 ha, nhiễm nặng khoảng 357ha, một số diện tích đã cháy. Nguyên nhân được xác định ban đầu do chưa được phun trừ, hoặc phun trừ chưa đúng loại thuốc, phun trừ chưa đồng loạt, và thêm vào đó là do diễn biến thời tiết khá phức tạp,...
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cũng dự báo, phổ biến đến người dân diễn biến tình hình gây hại của sâu bệnh và các biện pháp ngăn chặn, phòng trừ, không để dịch lây lan mạnh.
Thực tế tại Quế Phong cho thấy, so với các năm trước thì năm nay rầy và sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện sớm hơn và dự báo trong thời gian tới với điều kiện thời tiết nắng, mưa xen kẽ cùng với nguồn rầy hiện tại sẽ tạo điều kiện cho rầy tiếp tục gia tăng mật độ gây hại và gây ra hiện tượng “cháy rầy” trên diện rộng nếu không được phun trừ kịp thời. Mặt khác, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 có hiện tượng gối nhiều lứa nên dự báo trong thời gian tới sâu cuốn lá lứa 7 có thể sẽ phát sinh vào giai đoạn cây lúa vụ mùa đang giai đoạn trổ. Đây là giai đoạn ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất.
Vì vậy, hiện cán bộ chuyên môn của huyện đang tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành phun trừ một cách đồng loạt các diện tích lúa bị nhiễm rầy có mật độ từ 1.000 con/m2 đối với những diện tích lúa trước trổ, và 2.000 con/m2 trở lên đối với những diện tích từ trỗ và đang giai đoạn chín. Phun trừ sâu cuốn lá nhỏ có mật độ sâu từ 50 con/m2 trở lên đối với những diện tích lúa giai đoạn trước trổ bông và 30 con/m2 trở lên đối với những diện tích sau trổ.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn tiếp tục bám sát kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình rầy gây hại để tham mưu các biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Trong đó, chú ý theo dõi diễn biến phát dục của sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 để đưa ra các khuyến cáo và biện pháp phòng trừ kịp thời.
bna_ HT lúa tri lễ. 3.JPG
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quế Phong cử cán bộ kiểm tra hiện trạng sâu bệnh hại tại các xã. Ảnh: Hoài Thu
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cũng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các công điện, công văn về phòng trừ sâu bệnh hại; báo cáo tiến độ sản xuất cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An. Trung tâm cũng đã tiến hành thu gom mẫu rầy lưng trắng gửi về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An Nghệ An để test Virus lùn sọc đen và cho kết quả âm tính.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây