BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ THÀNH CÔNG CỦA MÔ HÌNH NUÔI TÔM THẺ THÂM CANH BẰNG CÔNG NGHỆ BIOFLOC
Thứ ba - 22/09/2020 04:388380
Năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Nghệ an chỉ đạo các Trạm khuyến nông huyện Quỳnh lưu và Diễn châu xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh bằng công nghệ BIOFLOC.
Mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Khánh, xóm 6, Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu
Xác định đây là mô hình mới nên việc chuẩn bị chọn địa điểm, chọn hộ nông dân trình diễn cũng như tiến hành triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra chuyển giao công nghệ đều được quan tâm. Qua kiểm tra điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi, khả năng đầu tư, trình độ kỹ thuật đã thống nhất chọn 02 hộ gồm Ông Hồ Sỹ Tài, xóm 12, Diễn Trung, Diễn Châu với diện tích 2.000 m2 , thả 240.000 con, cỡ giống thả P12. Sau 92 ngày nuôi tỷ lệ sống đạt 80%, cỡ tôm đạt kích cỡ 60 con/kg, cho năng suất 16 tấn/ha/vụ, sản lượng tôm thương phẩm là 3,2 tấn, giá bán 130 ngàn đồng/1kg, thu về 416 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như: (giống, thức ăn, điện sục khí, thuốc phòng bệnh, khấu hao ao, thuê nhân công …khoảng 270 triệu). Lãi ròng 146 triệu đồng. Và hộ thứ 2 là ông Nguyễn Văn Khánh, xóm 6, Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu với diện tích là 1.500 m2. Thả giống 180.000 con, cỡ giống thả P12. Sau gần 4 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 50 con/kg, tỷ lệ số 90%, sản lượng thu được 3.240 kg, năng suất: 21,6 tấn/ha, giá bán bình quân 143.000/kg chủ hộ thu về 463 triệu. Sau khi trừ các khoản chi phí (giống, thức ăn, điện sục khí, thuốc phòng bệnh, khấu hao ao, thuê nhân công …khoảng 313 triệu). Lãi ròng 150 triệu. Từ kết quả trên chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: 1. Hộ dân được chọn để xây dựng mô hình trình diễn phải là người say mê với nghề nuôi, có tinh thần hợp tác, cầu thị. Mặt khác phải có tiềm năng diện tích mặt nước phù hợp và nguồn vốn đối ứng đảm bảo. 2. Địa điểm nuôi Phải nằm trong vùng quy hoạch NTTS, mặt khác nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vào ao nuôi thì địa điểm nuôi tôm theo công nghệ Biofloc bắt buộc phải có hệ thống nước cấp, thoát riêng biệt, ao lắng, ao chứa, ao nuôi không rò rỉ, thẩm lậu, sạt lở (ao lắng tối thiểu chiếm 60-70% tổng diện tích vùng nuôi nhằm xử lý nước và diệt tạp trước khi đưa vào ao nuôi, chủ động nguồn nước cấp cho ao nuôi khi cần thiết); Có ao chứa bùn, nhà vệ sinh, nhà ở của công nhân nhằm mục đích đảm bảo chất các chất thải (rắn, lỏng) từ công đoạn chuẩn bị ao nuôi đến công đoạn xử lý nước thải cuối vụ nuôi, chất thải sinh hoạt của người nuôi thuỷ sản không gây ô nhiễm môi trường của vùng nuôi và môi trường xung quanh, không cho bệnh lây lan và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Địa điểm nuôi được bố trí kho thức ăn, kho hóa chất, kho vật tư được thiết kế riêng biệt theo đúng quy định, bảo quản đúng cách, tránh nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho thủy sản được nuôi; Ngoài ra địa điểm ao nuôi cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như gần nguồn nước có chất lượng và đầy đủ, vùng đất cát, pha cát, pH đất >6, xa nguồn nước thải nông nghiệp và công nghiệp…Có trang bị dụng cụ đo môi trường: pH, oxy, NH3, NO3, độ mặn,.. và các dụng cụ khác phục vụ cho sản xuất của từng ao nuôi riêng biệt. 3. Công tác chuẩn bị ao trước khi thả giống: Chủ hộ đã sử dụng 100 % các chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi, cụ thể: Lấy nước vào đầy ngâm 3 -5 ngày rồi rút nước ra còn 0.3 m. Sau đó đánh vôi bột 300kg /1.000m2, ngâm 3 ngày rồi rút nước ra phơi khô, khoảng 7 - 10 ngày rồi tiến hành cấp nước vào đầy qua túi lọc 2-3 lớp (tốt nhất là qua ao lắng). Sau 2 ngày diệt giáp xác (nếu có). Sau đó tiến hành diệt khuẩn bằng một số sản phẩm có trên thị trường (iodine, MKC plus, lasandien ...) liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất), 2 ngày sau đánh khoáng tạt sau đó tiến hành cấy vi sinh để tạo Floc bằng cách dùng Bio-flocEM + rỉ đường + tỷ lệ nước tương ứng + ủ 2 - 3h sau đó đánh xuống ao (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Có thể thay thế Bio-flocEM bằng các chế phẩm vi sinh khác như phải có dòng vi khuẩn Bacillus SP, tối thiểu trong sản phẩm phải có 2 con trở lên. Sau 3 ngày tiến hành đong mật độ Floc bằng cốc đong chuyên dụng. Cho 1 lít nước (ao nuôi) vào cốc đong Floc để 15 - 20h để lốc lắng xống đáy bình và đọc theo chỉ số trên bình. Nếu Biofloc nằm trong khoảng 1,5-2 là tốt và tiến hành thả giống. Cần quản lý hạt Floc trong suốt quá trình nuôi: Người nuôi Sử dụng rỉ đường tỷ lệ 1/0,2 với thức ăn (Ví dụ: Cho ăn 100kg thức ăn thì sử dụng 20kg rỉ đường). thường xuyên kiểm tra Biofloc bằng cốc đong và duy trì trong khoảng 1,5-2 là tốt. Nếu Biofloc >2 thì giảm rỉ đường xuống với tỉ lệ 0,1/1kg thức ăn (Ví dụ: Cho ăn 100kg thức ăn thì sử dụng 10kg rỉ đường) và mật độ này duy trì từ 13-14 h cần tắt máy sục khí chỉ chạy máy quạt nước, sau 1h để lốc chìm và xi phong ra ngoài sau đó tiến hành cấy lại. Lưu ý: Đối với hình thức nuôi này máy sục khí phải vận hành liên tục 24/24 trừ khi cắt Floc và si phông. Quạt nước ngày chạy 50% công suất, đêm chạy 100% (thường 4 giàn) và chỉ tắt khi cho ăn. 4. Thả tôm giống Chọn mua tôm giống từ các cơ sở có uy tín, có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, hoại tử gan tụy ... Cỡ giống: tôm thẻ chân trắng P12 trở lên. - Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc: Sốc độ mặn: Lấy 40-50 con tôm giống cho vào cốc thủy tinh chứa 300 ml nước lấy từ bao vận chuyển giống. Hạ độ mặn đột ngột xuống còn 15‰ và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu, cũng có thể sốc bằng formol: Thả 40-50 tôm giống vào chén, cốc thủy tinh đựng dung dịch formalin nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu. Mật độ tùy vào điều kiện thực tế của từng hộ cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật nhưng với điều kiện Nghệ an chỉ nên thả nuôi dưới 100-120 con/m2 ao là phù hợp; Giống được thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8-12 giờ để đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao phải lớn hơn 4 mg/l. Cân bằng nhiệt độ nước giữa bao giống và nước ao nuôi bằng cách thả nổi bao giống trên mặt ao 5-10 phút. Sau đó, cho nước từ từ vào đầy bao, cầm phía đáy bao từ từ dốc ngược để tôm giống theo nước ra ao nuôi. 5. Công tác chăm sóc quản lý: Trong nuôi tôm công nghiệp thì thức ăn chiếm từ 60-70% tổng chi phí vì vậy việc quyết định sử dụng loại thức ăn, cách cho ăn là điều then chốt ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế. Các hộ thực hiện mô hình cho biết: Cho tôm ăn theo bảng hướng dẫn. Ngoài ra, tùy vào thực tế (sức khỏe của tôm, chu kỳ lột xác, thời tiết,…) và theo dõi sàng ăn/chài khi tôm từ 20 ngày tuổi trở lên để điều chỉnh, quản lý thức ăn cho phù hợp, tránh tình trạng cho ăn thiếu hoặc thừa. Cho ăn mỗi ngày 4 lần. Sử dụng loại thức ăn được phép lưu hành ở Việt Nam, có nhãn mác rõ ràng, công bố chất lượng, còn hạn sử dụng, có thành phần dinh dưỡng thích hợp. Hàm lượng protein từ 32-38%.Cho ăn đúng, đủ, không cho ăn thừa, kích thước thức ăn phù hợp từng giai đoạn nuôi. Thường xuyên theo dõi tỷ lệ sống, tốc độ sinh trưởng, số lượng tại từng ao nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. 6. Công tác thu hoạch: Tùy thuộc vào tình hình thị trường (nhu cầu, giá cả, cỡ tôm ...) để quết định thu hoạch, nên thu tỉa khi tôm đạt 100 con/kg nhằm san thưa để tôm nhanh lớn. Thời gian thu hoach tốt nhất sau 7-10 ngày sau khi tôm lột xác. Hình thức thu hoạch phụ thuốc điều kiện từng vùng, có thể thu trực tiếp qua cống hay bơm hoặc xả cạn bớt nước và kéo lưới, thời gian thu hoạch càng ngắn càng tốt. Địa điểm thu tôm, dụng cụ chứa, phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh sạch. Nước đá sử dụng lấy tại cơ sở có giấy đảm bảo ATVSTP. Nhiệt độ trong quá trình vận chuyển và bảo quản phải thấp hơn 40C. Sau khi thu hoạch thực hiện quá trình tẩy trùng và tạm ngừng nuôi giữa hai vụ nuôi. Thời gian tạm ngừng giữ hai vụ nuôi ít nhất 30 ngày.
Mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Khánh, xóm 6, Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu