Bởi lẽ, trong quá trình chăn nuôi gà người dân chưa nắm vững quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học như công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, công tác phòng bệnh bằng vắc xin theo quy trình kỹ thuật, chưa biết áp dụng các loại chế phẩm sinh học như probiotic cho gà ăn để kích thích tiêu hóa, giúp cho đàn vật nuôi chóng lớn, hạn chế dịch bệnh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay việc xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học đang là xu hướng chung của ngành chăn nuôi ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Xuất phát từ yêu cầu đó, năm 2021 Trung tâm Khuyến Nông Nghệ An đã xây dựng thành công mô hình “Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học sử dụng chế phẩm sinh học Probiotic” được triển khai tại xóm: Cường Kỵ, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, với 02 hộ tham gia, quy mô 1.500 con. Mô hình triển khai 04 tháng từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021.
Trước khi triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Khuyến nông tiến hành khảo sát chọn điểm, tổ chức chọn hộ đủ điều kiện thực hiện mô hình một cách dân chủ, công khai và thông qua các nội dung kế hoạch của mô hình, các nội dung phải thực hiện khi tham gia mô hình cho các hộ, thông qua những phần hộ dân được hỗ trợ và nguồn kinh phí dân phải đối ứng. Các hộ có nhu cầu thực hiện mô hình phải viết đơn và cam kết thực hiện mô hình có xác nhận của trung tâm Khuyến nông và UBND xã Hùng Tiến. Sau đó các hộ ký kết hợp đồng với Trung tâm Khuyến Nông để thực hiện mô hình. Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học có sử dụng chế phẩm sinh học Probiotic để thực hiện thành công mô hình cán bộ chỉ đạo trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn bà con thực hiện mô hình với 2 nội dung cơ bản thứ nhất là chăn nuôi an toàn sinh học đó là bà con phải áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tác động như các khâu chuồng trại, giống, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh đảm bảo. Thứ 2 là sử dụng chế phẩm sinh học Probiotic. Chế phẩm Probiotic này qua sử dụng chứng minh được tác dụng để cải thiện sức khỏe thông qua hệ tiêu hóa, hỗ trợ năng lực của các enzym nội sinh, kích thích tính thèm ăn của con vật giúp vật lớn nhanh và khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao. Trong quá trình thực hiện mô hình có những thuận lợi đó là: được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm giúp đỡ, có cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm, hướng dẫn tận tình cho các hộ. Đồng thời, nguồn gốc con giống được mua ở địa chỉ tin cậy, trước khi đưa con giống về nuôi, các hộ được tập huấn về kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm chuồng đến khâu vệ sinh phòng bệnh: Như yêu cầu chuồng cách xa nhà ở, cuối hướng gió, nằm trong khu quy hoạch của xã/thôn, xóm, máng ăn máng uống luôn sạch sẽ,... Nuôi với phương thức nuôi nhốt hoàn toàn, không nuôi chung với các đối tượng khác. Bên cạnh thuận lợi thì gặp một số khó khăn đó là thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của đàn gà, thời điểm xuất bán gà là lúc đại dịch covid bùng phát nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn và không được giá. xung quanh khu vực nuôi quét dọn sạch sẽ và rắc vôi bột, trong quá trình nuôi định kỳ phun tiêu độc khử trùng 1-2 lần/tuần, thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng, được các hộ chia sẻ thêm: Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học sử dụng chế phẩm sinh học Probiotic đã khẳng định việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có sử dụng chế phẩm Probiotic vào trong chăn nuôi gà nhằm kích thích sinh trưởng phát triển cho con vật, hạn chế ô nhiễm môi trường, không dịch bệnh, nhất là sử dụng trong giai đoạn úm gà đã đem lại hiệu quả cao, giúp cho đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, không nhiễm bệnh cho tỷ lệ nuôi sống cao đạt 95 %, trọng lượng lúc xuất chuồng bình quân đạt 2,0 kg/con, giá bán 100.000đ/kg. Lãi thu được từ mô hình mang lại là 59.660.000 đ. Vậy nên, đây là dạng mô hình hoàn toàn phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ tại các địa phương, giúp các hộ có kiến thức chăn nuôi, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường nhằm nâng cao số lượng đàn, năng suất và chất lượng sản phẩm thịt, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Đồng thời, mô hình sẽ tạo tác động làm thay đổi dần tập quán chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, hạn chế tối đa dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng, nâng cao hiệu quả. Mô hình sẽ góp phần cho chính quyền địa phương trong việc định hướng về tổ chức chăn nuôi nông hộ để bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững. Kết quả đạt được của mô hình sẽ tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân trong và ngoài vùng học tập, áp dụng nhân rộng mô hình.