Là người từng sinh sống và sản xuất nông nghiệp tại vùng đồi núi hàng chục năm qua; Ông Trần Quốc Bình, tại thôn Thủy Phong, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An luôn nhạy bén và biết cách tổ chức sản xuất sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn nơi đây. Bằng kinh nghiệm tích lũy được, ông đã thành công khi quyết định chọn một hướng đi mới làm kinh tế cho gia đình bằng mô hình Nông lâm kết hợp.
Là người thích học hỏi và tìm hiểu cái mới để đưa vào thử nghiệm trong quá trình sản xuất, sau khi tìm hiểu thực tế tại các trang trại ông nhận thấy mô hình trồng chè, trồng keo và cây ăn quả khá phù hợp với vùng đất nơi ông đang sinh sống. Năm 2014, ông đã tiến hành bắt tay vào cải tạo, quy hoạch lại mảnh vườn rộng 2 ha; và đưa vào trồng thử 1ha chè, 1ha cây ăn quả bao gồm cam, bưởi, mít và ổi. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn chè của gia đình ông luôn xanh tốt, mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Bên cạnh đó là vườn cây ăn cũng quả phát triển tốt và cho quả sai, mã đẹp. Sản phẩm sau khi thu hoạch được khách hàng rất ưa chuộng và thu mua hết ngay tại vườn, trung bình mỗi năm ông thu được khoảng 45 triệu đồng. Ông Bình cho biết: Đây là vùng đồi núi nhưng đất đai khá màu mỡ và thích hợp với nhiều loại cây trồng nên ông cũng như người dân trong vùng chủ yếu tập trung vào làm kinh tế vườn, chăn nuôi và trồng rừng là chính. Ông đã từng tham gia các chương trình tập huấn, tham quan mô hình của Khuyến nông thực hiện trên địa bàn nên đã nắm bắt được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mới và mạnh dạn áp dụng vào trong thực tiễn sản xuất để nâng cao hiệu quả. Ngoài việc trồng chè, cây ăn quả, gia đình ông còn trồng 11 ha cây keo lai, đến nay đã cho thu hoạch 2 lứa và mang về cho gia đình nguồn thu khoảng 600 triệu đồng. Bên cạnh đó để gia tăng thu nhập và phát huy hết lợi thế của mô hình ông còn chăn nuôi thêm 200 con gà ta thả vườn/lứa; 90 con lợn thịt/năm, trung bình mỗi năm cho doanh thu khoảng 380 triệu đồng. Tất cả chất thải của chăn nuôi ông đưa vào ủ phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học và đem bón cho vườn chè, vườn cây ăn quả vừa không gây ô nhiễm môi trường mà cây trồng lại phát triển tốt, ít dịch bệnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức sản xuất của mình ông Trần Quốc Bình cho biết thêm: Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt cũng như chăn nuôi luôn có nhiều rủi ro về dịch bệnh, người nông dân cần phải biết về kỹ thuật phòng trị bệnh cho vật nuôi, nên tìm hiểu, nắm bắt những cái mới và vận dụng vào thực tiễn sản xuất cho phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Giống phải có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng. Trong chăn nuôi phải định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo để phòng bệnh thì mới đảm bảo được an toàn và hiệu quả.
Nói về mô hình làm kinh tế của ông Trần Quốc Bình, Ông Nguyễn Văn Cường, phó chủ tịch Hội nông dân xã Thanh Thủy cho biết: Bác Bình là người có đam mê trong sản xuất nông nghiệp; thường hay đi học tập và tìm hiểu những cách làm mới để về áp dụng vào sản xuất. Gia đình ông luôn tích cực tham gia các phong trào sản xuất, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con và là địa chỉ để nhiều người đến tham quan học tập. Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông là một hướng đi khá hiệu quả và có tính bền vững; đã khai thác được tiềm năng lợi thế và phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng đất nơi đây.
Qua cách tổ chức sản xuất và làm ăn của bác Trần Quốc Bình cho thấy, trong phát triển kinh tế nông hộ nếu người nông dân mạnh dạn áp tiến bộ kỹ thuật, tìm cho mình một hướng đi riêng phù hợp với điều kiện đầu tư và tình hình thực tế. Đồng thời nắm bắt được xu hướng thị trường đầu ra của sản phẩm thì sẽ nâng cao được thu nhập và phát triển nghề một cách ổn định.
Chia tay gia đình bác Bình, chúng tôi nhân thấy ở con người ông một sự đam mê và hăng say lao
động, một người nông dân ham học hỏi và luôn cố gắng vươn lên để thay đổi cuộc sống cho gia đình ngày một tốt hơn. Mong rằng, mô hình làm kinh tế của ông sẽ tiếp tục phát triển bền vững, nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương; góp phần tích cực trong phát triển kinh tế và xây dựng Nông thôn mới hiện nay.