Gạo hỗ trợ chưa đến được với bà con vùng cao vì tiêu chí quá ngặt nghèo. Ảnh: Việt Khánh
Người nghèo khó với tới chính sách
“Trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số” là nội dung then chốt của Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Đặt trong bối cảnh đời sống đồng bào miền núi chưa đảm bảo, lắm mối lo toan hiện hữu thì chính sách mới nhận được nhiều kỳ vọng lớn lao, qua đó góp phần giảm thiểu áp lực mưu sinh thường nhật. Tuy nhiên chỉ sau 2 năm phần đa đã “vỡ mộng”, tỉnh Nghệ An và các huyện trọng diện thụ hưởng chưa thể giải xong bài toán “hộ nghèo không tự túc được lương thực”.
Dù chịu áp lực lớn về tiến độ giải ngân nhưng nhận thấy hướng dẫn thực thi chưa thông suốt, chưa sát thực tiễn nên các huyện tỏ rõ sự đắn đo, mỗi bước đi đều nhìn trước ngó sau. Tất thảy đều lo ngại viễn cảnh sai một li đi một dặm, cái giá phải trả khó có thể cứu vãn nổi. Đó cũng là nguyên nhân mà hàng loạt văn bản kiến nghị, đề xuất, phúc đáp bay đi bay về như con thoi, cũng bởi tính chất cực kỳ quan trọng và cấp bách mà UBND tỉnh Nghệ An ban hành liền 2 công văn hướng dẫn chỉ trong ngày 29/3/2023.
Miền núi Nghệ An vẫn vẫn loay hoay tìm lời giải "hộ nghèo chưa tự túc được lương thực". Ảnh: Việt Khánh
Trên cơ sở Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT, UBND tỉnh Nghệ An quy định đối tượng được trợ cấp gạo là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ người kinh nghèo đang sinh sống, cư trú ổn định tại các xã khu vực II, III có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, khoán trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Hộ nghèo chưa tực túc được lương thực trên địa bàn Nghệ An áp dụng là “hộ thiếu đói”, được quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT. Chi tiết hơn, hộ thiếu đói là hộ có nguồn dự trữ lương thực và dự trữ bằng tiền, hàng hóa, tài sản có thể bán để mua được lương thực tính bình quân đầu người đạt dưới 13kg thóc, hay 9 kg gạo/tháng. Nói cách khác, là những hộ không có đủ lương thực để ăn 2 bữa trong ngày. Ngoài ra, nhân khẩu thiếu đói bắt buộc là những người đang sống, ăn, ở trong hộ thiếu đói tại thời điểm khảo sát.
Nếu đáp ứng được quy định “ngặt nghèo” như trên mới nhận được mức trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng, hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị. Nhiều huyện khẳng định tiêu chí đặt ra quá khó nhằn, tựu chung như thể đánh đố, tính pháp lý không rõ ràng nên việc thực hiện là bất khả thi.
Nhiều hộ nghèo sẽ không được thụ hưởng chính sách vì tiêu chí quá khắt khe. Ảnh: Việt Khánh
Quan điểm nêu trên đáng suy ngẫm, bởi lẽ thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…) đời sống của người dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến nhất định. Đành rằng áp lực cơm áo gạo tiền chưa dứt nhưng chẳng đến mức túng quẫn như xưa, cảnh tượng đói rét triền miên, chạy vạy từng bữa cơ bản đã lùi xa vào dĩ vãng xa xăm.
Những căn cứ nêu trên phần nào cho thấy áp dụng tiêu chí "hộ nghèo không tự túc được lương thực” là đi ngược lại với guồng quay phát triển chung. Nếu khắt khe thái quá số hộ nghèo được thụ hưởng sẽ rơi rớt đi nhiều, đồng nghĩa chính sách lớn khó lan tỏa trên diện rộng.
Việc áp dụng Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT để làm cơ sở bình xét cũng khá phiến diện, bởi lẽ Thông tư này ban hành gần 13 năm rồi, đương nhiên nhiều nội dung không còn theo kịp thực tiễn.
Nhân đây xin được nhắc đến chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho công tác bảo vệ rừng theo Quyết định số 1823/QĐ-TTg ngày 17/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho 4 huyện trên địa bàn là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong. Qua quá trình xác minh, Đoàn Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước phát hiện các bên liên quan chưa xác định đủ tiêu chí về đối tượng được nhận gạo, ngoài ra thời gian cấp gạo chưa đúng theo Phương án được phê duyệt.Bài học nhãn tiền còn đó, khi văn bản pháp quy và hướng dẫn thực thi còn “chấp chới” giữa dòng, nguy cơ lao vào vết xe đổ hoàn toàn có thể xảy ra.
Nỗi lòng từ cơ sở
10 năm rồi mới đặt chân về đất Tam Hợp, xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương bản thân tôi không khỏi ngỡ ngàng. Kể từ khi Chỉ thị số 13 về đóng cửa rừng tự nhiên có hiệu lực, vấn nạn buôn bán lâm sản và vận chuyển gỗ trái phép từ Lào về bị cấm triệt để. Cung đường khổ ải một thời oằn mình gánh gồng xe trọng tải lớn nay được rải thảm phẳng lì, nối liền trung tâm xã với Quốc lộ 7A giúp quá trình buôn bán, giao thương thuận lợi hơn nhiều. Nỗi lo thiếu đói từng bước được xóa nhòa, đồng bào chuyên tâm với nhiệm vụ giữ rừng và đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nhịp sống vùng biên cứ thế đổi khác từng ngày, có chăng tình người Tam Hợp thì vẫn vậy, vẫn nồng ấm, xởi lởi như xưa.
Phó Chủ tịch Lộc Văn Lợi khắc họa bức tranh toàn cảnh, rằng Tam Hợp có nhiều yếu tố đặc thù với trên 93% là đồng bào dân tộc thiểu số, 5 dân tộc anh em (Kinh, Thái, Khơ Mú, Tày Poọng và Mông) vẫn sống quây quần và tiếp nối qua bao đời nay. Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia cả tấn áp lực đã được rũ bỏ, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt không còn căng thẳng như trước.
Dù vậy do đối diện với nhiều lực cản đã nảy sinh không ít khó khăn, thể hiện rõ qua Tiểu dự án 1 - Dự án 3, cụ thể là nội dung “cấp gạo” dành cho “hộ nghèo không tự túc được lương thực”.
Gia đình cháu Lô Thị Bảo Trinh thực sự khó khăn. Ảnh: Việt Khánh
Tôi mạnh dạn mở lời: Có thể tiếp cận những hộ khó khăn, thiếu thốn bậc nhất được không? Chỉ sợ người lớn không có nhà, sáng nay xã vừa cấp giống trồng rừng, bà con tranh thủ lên rẫy cả rồi! Thấy tôi ngập ngừng, ông Lợi cười xòa: Để mình đưa đi, biết đâu lại gặp!
Chừng 10 phút sau chúng tôi đặt chân đến nhà chị Lô Thị Nhị, người đàn bà “góa bụa”. Đập vào mắt là ngôi nhà nhỏ nhắn nằm vắt vẻo trên dốc cao, kề ngay sát đường liên xã. Quả nhiên chị Nhị lên rẫy từ sáng sớm, ở nhà chỉ có cháu Lô Thị Bảo Trinh đang cặm cụi bóc, tách măng rừng. Trinh năm nay 13 tuổi, sau còn có 2 em nhỏ, thương mẹ vất vả, tảo tần sớm hôm Trinh vẫn thường lên rẫy đỡ đần, phụ giúp.
Trẻ nhỏ miền núi kiệm lời, thấy người lạ càng thu mình hơn. Biết ý chúng tôi sớm rồi đi, di chuyển đến nhà cụ Lương Thị Thơm, 68 tuổi, một người trải qua quá nhiều nghịch cảnh trong đời. Ông nhà đã mất 20 năm, con cái đứa chết vì bạo bệnh, đứa lập gia đình, đứa làm ăn xa, cụ Thơm cứ thế sống thui thủi suốt nhiều năm trong túp lều rách nát. Cám cảnh tuổi già đơn côi, từ nguồn xã hội hóa, năm trước chính quyền xã Tam Hợp mới dựng cho cụ một căn nhà nhỏ để tránh mưa, tránh nắng.
Trường hợp như cụ Lương Thị Thơm không nhiều. Ảnh: Việt Khánh
“Con cái tận 7 đứa nhưng 3 đứa đã về với tiên tổ, thằng đầu Viêng Văn Nhâm làm giáo viên, đi dạy được 2, 3 năm thì phát hiện sơ gan cổ trướng, sau đó không lâu thì mất. Con gái Viêng Thị Minh cũng mất rồi, con trai Viêng Văn Thìn đi lấy mật ong rừng, chẳng may đứt giây bảo hộ, từ trên đỉnh rớt xuống cũng mất luôn, thằng Thìn là chồng của con Nhị đấy.
Những đứa còn lại dựng vợ gả chồng rồi nhưng đều vất vả mưu sinh, chẳng trông mong chúng đỡ đần được gì đâu. Giờ tuổi đã cao, xương khớp thoái hóa nên làm gì cũng khó, họa hoằn lắm mới vào rừng lấy măng, hay ra suối kiếm con ốc, con tôm cải thiện bữa ăn. May thay hàng tháng nhận được thêm 600.000 đồng hỗ trợ từ nhà nước, tằn tiện, chắt bóp cũng sống được qua ngày”!!!
Đánh giá tổng quan, ông Lộc Văn Lợi không giấu diếm: “Đành rằng tỷ lệ hộ nghèo ở Tam Hợp vẫn chiếm gần phân nửa nhưng cơ bản đã tự túc được lương thực, dẫu khó vẫn có cơm ăn ngày 3 bữa, để phân loại, sàng lọc hộ thiếu đói thật chẳng dễ dàng gì. Gia cảnh như cụ Thơm là trường hợp hiếm gặp”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An nhận thấy không có tiêu chí nào để xác định được các hộ chưa tự túc được lương thực, trên tinh thần đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, điều chỉnh bổ sung hướng dẫn theo hướng tất cả các hộ nghèo (có sổ công nhận là hộ nghèo của cấp có thẩm quyền) đều được hưởng trợ cấp gạo.
Tác giả bài viết: PVTH
Ý kiến bạn đọc