Nông dân ở đâu trong chuỗi giá trị lúa gạo?

Thứ bảy - 25/11/2023 00:25 599 0
Nông dân là thực thể quan trọng nhất, chi phối kết quả của toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng lại là thành phần dễ tổn thương nhất trong chuỗi.
Nông dân ở đâu trong chuỗi giá trị lúa gạo?

Việt Nam nhiều năm nay luôn nằm trong tốp 3 xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm 2022, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 7,17 triệu tấn, trị giá 3,49 tỉ USD, tăng 6,2% so với năm 2021.

Cán bộ Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) - thành viên Tập đoàn PAN hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác trong Chương trình 'Cánh đồng hội nhập'.

Cán bộ Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) - thành viên Tập đoàn PAN hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác trong Chương trình "Cánh đồng hội nhập".

Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm hơn 50% tổng sản lượng lúa gạo của Việt Nam và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của quốc gia, đồng thời tạo ra việc làm và thu nhập cho hơn 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Tại đây, Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với sản lượng lúa gạo đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. 

Mặc dù giữ vị thế lớn trên trường quốc tế, song thực tế việc sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL tiềm ẩn những nguy cơ thiếu bền vững. Theo báo cáo của các địa phương, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.

Nông dân là thành phần dễ tổn thương nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo

Chuỗi giá trị lúa gạo bắt đầu từ khâu cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho đến trồng trọt, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Các thành phần tham gia vào chuỗi bao gồm nông dân, thương lái, nhà máy xay xát, các công ty cung ứng, công ty xuất khẩu, mạng lưới bán sỉ, bán lẻ. Các ngành có liên quan, các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và cơ quan quản lý, hỗ trợ cũng là thành phần quan trọng trong chuỗi.

Chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL được các chuyên gia đánh giá còn tồn tại những vấn đề thiếu bền vững như hiệu suất sản xuất và thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp; chất lượng lúa gạo, an toàn thực phẩm và sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo chưa cao; sự chuyển đổi từ việc trồng lúa sang sử dụng đất cho mục đích khác với hiệu suất kinh tế cao vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả.

Nông dân tham quan đánh giá giống lúa ĐS1 của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam trên cánh đồng liên kết bao tiêu sản phẩm 50ha tại Tam Nông (Đồng Tháp).

Nông dân tham quan đánh giá giống lúa ĐS1 của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam trên cánh đồng liên kết bao tiêu sản phẩm 50ha tại Tam Nông (Đồng Tháp).

Đáng chú ý, việc sử dụng vật tư đầu vào, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học không hiệu quả dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng sản phẩm và gây tăng phát thải khí nhà kính.

Cho đến nay, hệ thống sản xuất lúa tại ĐBSCL vẫn chủ yếu nằm ở các hộ gia đình với quy mô nhỏ và phân tán, gây rào cản cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất cũng như việc kết nối sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Thực trạng này đồng thời cản trở quá trình xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, khiến diện tích liên kết tiêu thụ thấp, do đó tình trạng "bẻ kèo" giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn phổ biến.

Trong chuỗi giá trị lúa gạo chưa bền vững như vậy, nông dân là thực thể quan trọng nhất, chi phối kết quả của toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng lại là thành phần dễ tổn thương nhất.

Hàng triệu hộ nông dân trong hàng chục năm qua chỉ sản xuất trên cánh đồng của gia đình với phương pháp truyền thống, kinh nghiệm tự tìm tòi. Họ bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chịu thiệt hại lớn nhất khi nguyên vật liệu đầu vào tăng giá cũng như khi sản phẩm đầu ra rớt giá. Nhưng khi thị trường lúa gạo sôi động, tăng giá, họ vẫn là người hưởng lợi ít nhất.

Đơn cử, do phụ thuộc nhiều vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng (phân bón tăng 64 - 150%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 4 - 60% so với cùng kỳ) cộng với sự gia tăng chi phí vận chuyển, chi phí thu hoạch,... tổng chi phí sản xuất lúa năm 2022 đã tăng 23%, ở mức 23,6 triệu đồng/ha và lợi nhuận của nông hộ đã giảm 21%, ở mức 14,5 triệu đồng/ha (so với năm 2018).

Trên thực tế, nông dân là nhóm có thu nhập thấp nhất trong xã hội với tỷ lệ chưa bằng 1/3 thu nhập bình quân của nhóm lao động công nghiệp, dịch vụ. Tỷ lệ đói nghèo chủ yếu thuộc dân cư nông thôn. Hiện có trên 90% hộ nghèo của cả nước đang sống ở nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Để thay đổi căn bản tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát tồn tại trong ngành nông nghiệp, nhất thiết phải xây dựng chuỗi giá trị bền vững, trong đó có cơ chế hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi giữa tất cả thành phần trong chuỗi và nông dân phải là chủ thể quan trọng nhất.

Xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, trong đó nông dân là chủ thể hưởng lợi

Có nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho nông dân như tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, doanh nghiệp nâng giá thu mua,… Tuy nhiên, ĐBSCL cần giải pháp đồng bộ và bền vững mà tất cả thành phần trong chuỗi cùng hưởng lợi chứ không chỉ dừng lại ở việc liên kết thu mua lúa gạo.

Một số doanh nghiệp đã triển khai các dự án phục vụ cho mục đích này. Từ năm 2012, Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) - thành viên Tập đoàn PAN đã thực hiện chương trình dài hạn mang tên "Cánh đồng hội nhập". Khởi đầu từ Dự án "Tiếp sức cùng nông dân", đến nay, với sự hợp tác cùng Viện Lúa ĐBSCL, Chương trình đã có hơn 10 năm đồng hành với nhà nông, thực hiện hơn 1.000 cuộc tập huấn chuyển giao kỹ thuật theo mùa vụ, tạo cơ hội cho hơn 100.000 nông dân tham gia thông qua các chiến dịch theo từng giai đoạn sinh trưởng.

Nhờ quy trình sản xuất mới trên "Cánh đồng hội nhập", lợi nhuận tăng thêm 25%, tương đương khoảng 14 triệu đồng/ha, trong khi tổng chi phí giảm 10% và năng suất tăng thêm 8%, khoảng 1,5 tấn/ha.

Tận dụng lợi thế của các thành viên trong cùng hệ sinh thái của Tập đoàn PAN, VFC cũng kết hợp với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) để xây dựng mô hình liên kết chuỗi cung cấp giải pháp nông nghiệp tối ưu, đảm bảo đầu ra ổn định và xây dựng thương hiệu hạt gạo. Đó là tiền đề để một đề án lớn hơn ra đời.

Ngày 19/11, UBND tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn PAN đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm xây dựng và thực hiện đề án "Nâng cao thu nhập người trồng lúa". Mục tiêu của Đề án là tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp thông qua các giải pháp nông nghiệp bền vững, từ đó giúp hình thành, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập người trồng lúa.

Tập đoàn PAN ký kết Thỏa thuận hợp tác với tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án nâng cao thu nhập người trồng lúa.

Tập đoàn PAN ký kết Thỏa thuận hợp tác với tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án nâng cao thu nhập người trồng lúa.

Cụ thể, về giống lúa, PAN sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Tháp để xây dựng cơ cấu thời vụ và cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng sinh thái.

Về kỹ thuật, PAN chuyển giao công nghệ tiên tiến và tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức cho nông dân trong quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng bền vững; cung cấp vật tư, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra đúng quy trình tiêu chuẩn đặt ra.

Về thuốc bảo vệ thực vật, PAN và thành viên sẽ cung cấp các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng từ các nhà cung cấp uy tín trên thế giới với mức giá ưu đãi; đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật phun và cách sử dụng thuốc hợp lý để tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

PAN cũng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật canh tác và đạt tiêu chuẩn chất lượng tại các khu vực Tập đoàn PAN triển khai.

Ngoài ra, tập đoàn sẽ chủ động mời các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực phân bón, nông nghiệp công nghệ cao,… tham gia hợp tác cùng trong phạm vi đề án.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa tại tỉnh Đồng Tháp trên 30% tổng doanh thu, biên độ gia tăng lợi nhuận 30% so với năm 2022, tương đương 3.600 tỷ đồng.

Về diện tích gieo trồng lúa, mục tiêu của Đề án là đảm bảo tăng lợi nhuận 240.000/470.940ha (chiếm 50% diện tích gieo trồng/năm); Tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ bằng cách sử dụng máy sạ cụm, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo sạ bằng máy đạt 50% diện tích, tối thiểu 70% diện tích áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên so với năm 2020; đồng thời rơm rạ được thu gom, tái sử dụng, chế biến đạt trên 80% diện tích thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết: “Đây là mô hình chuỗi giá trị khép kín, trong đó bà con được cung cấp các giải pháp nông nghiệp bền vững từ đầu vào với nguồn giống chất lượng, quy trình canh tác tiêu chuẩn, các giải pháp phòng trừ sâu bệnh và kiểm soát dịch hại, thậm chí cả việc sử dụng phân bón, sau đó là gắn liền với việc bao tiêu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản cuối cùng. Các giải pháp hướng đến việc tiết giảm chi phí đầu vào trong khi tăng năng suất và chất lượng tối đa”.

Với sự tham gia mạnh mẽ của Tập đoàn PAN, đề án gắn với việc chuyển đổi tư duy và thực hành sản xuất của nông dân về nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng. Kỳ vọng đề án sẽ giúp chuyển từ sản xuất lúa truyền thống lên trình độ cao hơn mà ở đó giá trị lúa gạo được gia tăng trong chuỗi liên kết bền vững, vừa đảm bảo nâng cao thu nhập cho người sản xuất, vừa cải thiện chất lượng môi trường.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây