Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành: Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, sở Y tế;… UBND các huyện thị; Các đơn vị nghiên cứu KH&CN; Đại diện một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hội doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số và một số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.
Đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN; đồng chí Nguyễn Viết Hùng - PGĐ Sở KH&CN, chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành cho biết: Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam được đặt ra theo cột mốc ghi nhận vào ngày 18/5/1963, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam. Tại sự kiện này, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KHCN ở nước ta. Người khẳng định: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi".
Đến ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Trong những ngày này nhiều hoạt động được Ngành Khoa học tổ chức, là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.
Năm nay (2022) cùng với các hoạt động tuyên truyền về ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là năm chuyển đổi số quốc gia, chính vì vậy Sở KH&CN tổ chức Hội thảo có chủ đề “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xu thế chuyển đổi số”. Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Nghệ An hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi. Công nghệ số đã chuyển đổi sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn hạn chế, việc kết nối chia sẻ chưa được thông suốt. Nhiều nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị chưa có nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh còn thấp... Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành sớm tham mưu ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chọn chủ để là năm chuyển đổi số.
Để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức đưa kinh tế số, xã hội số của Nghệ An phát triển nhanh, đạt mục tiêu đề ra, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích về tình hình thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua, hướng đi trong thời gian tới; đưa ra giải pháp chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo bền vững...
Tại hội thảo, các đại biểu đã được các doanh nghiệp, các đơn vị đã chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp chuyển đổi số; chia sẻ về kết quả chuyển đổi số tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh; chia sẻ về thực trạng và giải pháp trong quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý và điều hành thành phố thông minh.
Trong chương trình hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi về kết quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nghệ An, kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số của UBND tỉnh cũng như những giải pháp hỗ trợ từ những Tập đoàn lớn như VNPT, Viettel... với triển khai phần mềm ứng dụng dịch vụ công quốc gia cho các sở, ban ngành cấp tỉnh, kết nối với người dân và doanh nghiệp.