Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trường cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,79% (quý I tăng 7,60%; quý II tăng 4,31%), cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm của cả nước (đạt 3,72%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,31% (riêng công nghiệp tăng 3,31%); khu vực dịch vụ tăng 7,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,24%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng ước tăng 1,79%. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 55.408 tỷ đồng, tăng 11,98% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch ước đạt 4,9 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 4.434 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 80,6% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 16.862 tỷ đồng, đạt 50,8% dự toán.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu Quốc gia được chỉ đạo, triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giải ngân 2.923,699 tỷ đồng, đạt 32,37% kế hoạch.
Tính đến ngày 30/6/2023 đã có 66 dự án cấp mới (tăng 13,79% so với cùng kỳ) và điều chỉnh 84 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.309,7 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 19.838 tỷ đồng, tăng 1,34 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD; trong 6 tháng đầu năm thu hút được 08 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD.
UBND tỉnh cũng tổ chức tốt các phong trào, hoạt động văn hóa ở cơ sở, hướng dẫn tạo điều kiện cho người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa và tự tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Ngành giáo dục đạt nhiều thành tích về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Thời gian qua, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án số 06/CP, kết quả thu nhận định danh điện tử của tỉnh xếp thứ 3 toàn quốc (sau thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), là một trong 22 địa phương sớm hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip đối với 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
Tình hình quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm được tăng cường; tội phạm giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan báo chí đã nêu ra một số vấn đề thực tiễn, kiến nghị các cấp, các ngành sớm có giải pháp khắc phục.
Trong đó, có một số vấn đề nổi bật như: vướng mắc trong dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; tình trạng thiếu nhân lực của ngành du lịch; dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng… Bên cạnh đó, một số thực trạng như thiếu trường cấp 2 tại phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh; người dân tại một số địa bàn thiếu nước sạch… cũng được nêu ra tại cuộc họp báo. Đại diện các sở, ban, ngành liên quan đã giải đáp một số ý kiến của phóng viên đặt ra.
Kết luận buổi họp báo, đồng chí Bùi Đình Long ghi nhận sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong thành công chung của tỉnh nhà. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đặt ra yêu cầu rất cao trong bối cảnh dự báo tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.