Thực hiện nhiệm vụ: Tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong hai ngày 20 - 21/11/2020, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An phối hợp với Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Lâm Khang, tổ chức thử nghiệm tour du lịch cộng đồng tại bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.
Tham gia thử nghiệm tour gồm có đại diện các Sở, ban, ngành: Du lịch, Khoa học & Công nghệ, Văn hóa – thể thao, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, Trung tâm KHXH & NV, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Trung tâm môi trường, Đài PTTH, Báo Nghệ An, Trường Đại học Vinh. - Đại diện lãnh đạo UBND huyện, phòng Văn hóa thông tin; UBND xã Hạnh Dịch, BQL bản Long Thắng. - Các doanh nghiệp lữ hành tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; cơ sở homestay bản Long Thắng; Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Tour du lịch cộng đồng thử nghiệm tổ chức 2 ngày 1 đêm với các điểm đến: - Thác bảy Tầng, xã Hạnh Dịch- Giao lưu, tìm hiểu văn hóa, tập tục của người dân bản địa – gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản huyện Quế Phong - Đền Chín gian – Du thuyền trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Bắt đầu cuộc hành trình Đoàn đến với thác bảy tầng nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, thuộc bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch. Thác Bảy tầng với phong cảnh đẹp kỳ vĩ, nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú, không khí trong lành, mát mẻ. Một trong những kỳ thú của Thác Bảy Tầng là sau những tầng thác, có những bãi đá phẳng rộng mênh mông. Từ trên những bãi đá phẳng ấy, nhìn xuống dòng nước chảy xiết tung bọt trắng xóa. Du khách có thể khám phá chèo thuyền, tắm và bơi ở những vùng nước rộng, trong veo; để trải nghiệm cảm giác mạnh có thể trượt thác hoặc đánh cá… Đến với đất Hủa Mương du khách còn có thể khám phá ngôi làng Thái cổ với những nhà sàn cổ nằm san sát được lợp bằng gỗ sa mu nhìn rất đẹp mắt.
Thác bảy tầng
Tiếp đến đoàn Thưởng thức ăn uống với các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái như cá nướng, gà nướng, cơm lam, chẻo, măng đắng, canh ột người Thái… vô cùng hấp dẫn và giá cả phải chăng. Đến đây, đoàn được tận mắt chứng kiến cách chế biến, thưởng thức các món ăn ẩm thực truyền thống của người Thái. Buổi tối đoàn hòa mình với điệu nhảy sạp, khắc luống rộn ràng, ngây ngất trong men rượu cần… Ngày thứ hai, đoàn tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản huyện Quế Phong tại trấn Kim Sơn. Sau đó, tiếp tục hành trình đến với Đền Chín Gian, một trong những ngôi đền linh thiêng của bà con người Thái. Đền Chín Gian (tiếng Thái gọi là Cẩu Hoòng) được xây dựng từ thế kỷ XIV, là nơi thờ cúng Trời (Thẻn Phà), Náng Xì Đà và Tạo Ló Ỳ - người có công lập bản dựng Mường của đồng bào các dân tộc ở miền Tây bắc Nghệ An. Đền được xây dựng tại khu vực núi Pu Quái, thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An). Đền nằm trên khuôn viên khá rộng theo nguyên mẫu nhà sàn của người dân tộc Thái: với thiết kế có 9 gian thờ, đại diện cho 9 mường chính trong khu vực. Từ lâu đền Chín Gian trở thành địa chỉ tâm linh của đồng bào Thái vùng Quế Phong nói riêng và Phủ Qùy - Tây Bắc nói chung. Khu du lịch sinh thái Lòng hồ thủy điện Hủa Na là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình khám phá “Hương đất tình người xứ Quế”. Nằm trong một thung lũng rộng lớn được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi hùng vĩ. Hồ thủy điện Hủa Na không chỉ được biết đến là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp phù hợp với các hoạt động dã ngoại, mà còn là một địa chỉ tìm đến của nhiều du khách. Đến với long hồ thủy điện Hủa Na, du khác có thể tham quan và ngắm cảnh bằng thuyền chạy trên mặt hồ rộng 2.300 km2, câu cá trên lòng hồ, thăm thú những mỏm đảo được hình thành từ quá trình ngập nước. Cùng với du thuyền ngắm cảnh, Đoàn còn được trải nghiệm dịch vụ câu cá, thưởng thức ẩm thực với các sản vật quý của núi rừng ngay giữa lòng hồ.
Giao lưu văn nghệ cùng bà con
Kết thúc hành trình thử nghiệm, các thành viên đánh giá cao các điểm Tour, đáp ứng các tiêu chí đặt ra của mô hình tour du lịch cộng đồng hiện nay. Tuy nhiên, muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Để mô hình du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả, thì doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân phải có chuỗi liên kết chặt chẽ.