78 năm xây dựng và phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam

Thứ ba - 28/11/2023 01:54 457 0
Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.
78 năm xây dựng và phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 42,02%. Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.

Ngành Lâm nghiệp đang triển khai một số chương trình, dự án với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia; cùng với đó đã chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030.

Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp: 3 năm gần đây đạt bình quân trên 5,0%/năm (năm 2021 đạt 3,88%; năm 2022 đạt 6,13%; 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt 3,13%; ước cả năm 2023 đạt khoảng 5,0%.

Xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ: là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, tỷ lệ xuất siêu cao. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản, hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay nguồn nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được khoảng trên 70% cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản. Năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,96 tỷ USD, xuất siêu đạt 13,03 tỷ USD; năm 2022 đạt 17,09 tỷ USD, xuất siêu đạt 14,07 tỷ USD; 11 tháng đầu năm năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 12,97  tỷ USD, xuất siêu 10,98 tỷ USD.

Dịch vụ môi trường rừng: là nguồn lực rất quan trọng để góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng. Trong  năm 2022, cả nước đã thu được trên 3.700 tỷ đồng; 11 tháng đầu năm đã thu được gần 3.100 tỷ đồng.

Tín chỉ các-bon: Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký giữa Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Ngân hàng Thế giới đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2024. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỷ đồng.

Ý định thư về mua bán giảm phát thải ký kết giữa Việt Nam (Bộ NN-PTNT) và tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent - cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022-2026.

Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ các bon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới. Ảnh: Tùng Đinh

Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người, với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng hàng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản. Những kết quả này cho thấy ngành Lâm nghiệp không những có đóng góp vào GDP hay GVA mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào cho các ngành kinh tế khác phát triển.

Trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án trọng điểm để xây dựng ngành Lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây