Có 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế đưa nông sản Việt sang thị trường tỷ dân

Thứ ba - 05/12/2023 23:25 223 0
Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc ký kết 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế thúc đẩy xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao.
Có 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế đưa nông sản Việt sang thị trường tỷ dân
Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Thành.

Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ra thị trường thế giới đạt trên 53,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. 

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam để phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc là rất lớn và liên tục gia tăng mạnh. Năm 2022, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đạt 236 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân gần 9,3%/năm. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn giữ vững là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2023, thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 nước ước đạt 14,1 tỷ USD. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu chính sang Trung Quốc bao gồm rau quả, cao su, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, lúa gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, điều, cà phê, chè… 

Tuy nhiên, hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn chưa xâm nhập sâu được vào trong thị trường nội địa Trung Quốc, chưa kết nối với các tập đoàn lớn, các kênh phân phối hiện đại, mạng lưới bán hàng điện tử, trực tuyến, siêu thị lớn của Trung Quốc để có thể trực tiếp đến tay người tiêu dùng, giảm bớt các khâu trung gian.

Để có thể tận dụng các lợi thế về năng lực sản xuất, cung ứng hàng nông, lâm, thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp UBND TP Móng Cái và Chính quyền TP Đông Hưng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc tại TP Móng Cái".

Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc tại TP Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Thành.

Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc tại TP Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thông qua diễn đàn, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, thương nhân, các hiệp hội ngành hàng cả hai nước có cơ hội được cung cấp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện được các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Đồng thời, đề xuất các giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy quảng bá, tăng cường tiêu thụ hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Ông Hoàng Gia Sinh, Tuần sát viên cấp 2, Ty thương vụ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, chia sẻ, nông sản và các sản phẩm phụ, thủy sản, trái cây là những sản phẩm đặc trưng và có lợi thế của cả hai bên, thương mại hai chiều có ý nghĩa rất lớn trong việc mở rộng thương mại song phương và nâng cao trình độ hợp tác kinh tế. Theo thống kê, khối lượng giao dịch đến tháng 10/2023 đã đạt trên 750.000 tấn.

Để thúc đẩy tốt hơn các giao dịch xuất nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản hai bên, Quảng Tây đã đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng cửa khẩu, logistics qua biên giới.

Hiện tại, các chuyến tàu Trung Quốc - Việt Nam đang hoạt động thường xuyên, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Ga Đông Hưng đang được đẩy nhanh, dự kiến ​​hoàn thành vào cuối năm nay và có thể đến thẳng biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Cảng Khâm Châu vừa khai trương Tuyến đường biển vận chuyển trái cây Việt Nam, xây dựng “đường cao tốc tuyến hàng hải” tạo điều kiện thuận lợi nhất để trái cây Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: Nguyễn Thành

Các thành phố trung chuyển chính của Quảng Tây đối với việc nhập khẩu hoa quả và thủy sản từ thị trường ASEAN, trong đó gồm có: Nam Ninh, Sùng Tả, Bách Sắc, Khâm Châu và Phòng Thành Cảng, có trên 30 trung tâm hậu cần chuỗi lạnh quy mô lớn, có thể đáp ứng nhu cầu lưu trữ và trung chuyển trái cây, thủy sản Việt Nam tại Quảng Tây.

Ông Hoàng Gia Sinh đề nghị hai bên nâng cao mức độ thuận lợi hóa thủ tục thông quan tại cửa khẩu; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu; hợp tác phòng, chống dịch bệnh đối với động vật, thực vật qua biên giới.

Bên cạnh đó, kịp thời cập nhật tình hình thông quan hàng nông, lâm, thủy sản hai bên trong thời gian cao điểm. Hoàn thiện cơ chế điều động phương tiện vận tải, nâng cao hiệu quả thông quan cửa khẩu và mức độ dịch vụ được đảm bảo, đồng thời tạo điều kiện thông quan được thuận lợi nhất đối với việc xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản.

Để tăng quy mô thương mại nông, lâm, thủy sản, hai bên cần hoàn thiện chính sách mở cửa ven biên giới, xây dựng nền tảng hợp tác rộng rãi hơn, giúp các công ty thương mại hai bên mở rộng kênh hợp tác và kết nối chính xác hơn; hỗ trợ các công ty tham gia hoạt động thương mại qua biên giới đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản; mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao trình độ tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực logistics nông, lâm, thủy sản. 

Ông Hoàng Gia Sinh bày tỏ, diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc (Móng Cái - Đông Hưng) năm 2023 là cơ hội tốt để hai bên nắm bắt cơ hội, gặp gỡ với những đối tác mới, mở rộng kênh hàng hoá, giành được đơn hàng mới và đạt được mục tiêu “cùng thắng, cùng có lợi và cùng phát triển”.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc kết nối trực tiếp với nhau để giảm các khâu trung gian, để có giá thành hợp lý nhất cho người tiêu dùng của hai nước và tạo mối giao thương giữa doanh nghiệp của hai nước. Đây là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra".

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế về thúc đẩy xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là tiền đề góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây