Thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp

Thứ năm - 11/07/2024 05:42 169 0
Lĩnh vực lâm nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp tác quốc tế và cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao năng lực quản lý, thúc đẩy giá trị kinh tế rừng bảo đảm quản trị lâm nghiệp bền vững…
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp

Trồng rừng ngập mặn ven biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngành lâm nghiệp đang tập trung tái cơ cấu theo hướng phát triển giá trị đa dụng, trong đó khuyến khích phát triển các dự án đầu tư hiệu quả, chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của rừng trồng, đặc biệt tập trung trồng rừng gỗ lớn và tăng cường giá trị phúc lợi của rừng cho người dân, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế.

Ngày 24/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Theo đó, sử dụng ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác cho các chương trình, dự án và hoạt động đầu tư khác để thực hiện bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật; hỗ trợ một phần vốn đầu tư để thực hiện bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật.

Đây là nguồn hỗ trợ, đầu tư quan trọng thông qua nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác giúp tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện tốt hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản xuất khẩu mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế bền vững của ngành lâm nghiệp…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự tham gia và quan tâm của cộng đồng quốc tế, các cơ quan chia sẻ trách nhiệm và đề xuất các kiến nghị nhằm tăng cường triển khai nông nghiệp tuần hoàn.

Từ đó, góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh; phát triển bền vững không đánh đổi vì lợi ích kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế bền vững bảo đảm sức khỏe môi trường sinh thái lành mạnh cho thế hệ mai sau.

Nhằm tăng cường Hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều thỏa thuận hợp tác, ký kết hợp đồng với các đối tác. Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác song phương về lâm nghiệp.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp rất chặt chẽ với Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc triển khai Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng” với mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng ven biển hiện có và trồng mới rừng ngập mặn tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.

Ngành lâm nghiệp và Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, Tổ chức Hợp tác rừng châu Á (AFoCO).

Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực phục hồi và phát triển rừng, chống suy thoái đất thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho chuyên gia và cán bộ lâm nghiệp của Việt Nam. Thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS), Chính phủ Hàn Quốc tài trợ Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng” tại Nam Định và Ninh Bình.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 4,4 triệu USD, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc khoảng 3,8 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Đây là Dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ hai nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của Hàn Quốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến ngày càng phức tạp.

Phía đối tác Hàn Quốc cho rằng, ngoài bản đồ số, sẽ hợp tác với Việt Nam để xây dựng, vận hành các vườn ươm công nghệ cao cho cây rừng, cây dược liệu và các loài thực vật quý hiếm theo tiêu chuẩn Hàn Quốc. Chính phủ Đức, thông qua Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển (BMZ) đã cam kết hỗ trợ thực hiện Dự án “Bảo vệ và Quản lý các khu bảo tồn có hệ sinh thái phức hợp tại Việt Nam”.

Dự án do GIZ và Cục Lâm nghiệp phối hợp thực hiện. Chính phủ Đức cũng cam kết cấp bổ sung một khoản ngân sách cho Dự án “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam”.

Hai bên đã nhất trí bổ sung ngân sách cho dự án này để có đủ các nguồn lực cần thiết kéo dài giai đoạn hiện tại nhằm tăng cường đầy đủ năng lực của các chủ thể lâm nghiệp liên quan trong quá trình chuyển đổi từ trồng rừng chu kỳ ngắn, thuần loài sang rừng sản xuất gỗ lớn, hỗn loài.

Để quản lý rừng bền vững, trong thời gian vừa qua, Nhật Bản đã hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều về lĩnh vực lâm nghiệp. Thông qua các chương trình, dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại, các dự án vay ưu đãi, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường quản lý rừng, nâng cao sinh kế cho cộng đồng dựa vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, và biến đổi khí hậu trong lâm nghiệp.

Hầu hết các chương trình, dự án đã và đang triển khai tại Việt Nam được đánh giá là có hiệu quả, góp phần vào sự thành công của ngành lâm nghiệp trong những năm vừa qua. Đối với lĩnh vực thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, Nhật Bản là một trong năm quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới với khoảng từ 1,5 đến 2 tỷ USD hằng năm…

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang trở thành một “địa chỉ” tin cậy, thu hút các dự án có số vốn lớn, công nghệ và kỹ thuật hiện đại.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), hiện đã có hàng trăm dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến gỗ, nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động rất hiệu quả, góp phần tạo ra doanh thu lớn trong hoạt động xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.

Riêng năm 2023, ngành gỗ đã thu hút 57 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, trong đó, các dự án có vốn sở hữu từ Trung Quốc chiếm 49,1% số lượng các dự án và 35,5% số vốn đầu tư. Các địa phương đón nhận nhiều dự án mới nhất gồm Bình Dương (18 dự án), Bình Phước (15 dự án), Long An và Bắc Giang (cùng nhận được ba dự án).

Năm 2023, số lượng các doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ chiếm 18,8% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu của cả nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhóm này lại đạt tới 6,24 tỷ USD, chiếm 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ…

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam có hơn 14,7 triệu héc-ta rừng với độ che phủ hơn 42%, đang đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững và bảo đảm an ninh môi trường.

Việc tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế đang tạo điều kiện thuận lợi để ngành lâm nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển.

Đáng quan tâm nhất là các dự án có tính chiến lược lâu dài, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích người trồng rừng nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ rừng hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường bền vững.

Đánh một dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển giá trị đa dụng từ rừng là “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024” được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới (WB). Lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua WB với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, năm 2024, ngành lâm nghiệp phải tập trung hoàn thành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia và các văn bản để hướng dẫn địa phương đáp ứng Luật Đất đai (sửa đổi), hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, công ty nông lâm trường, hộ sản xuất lâm nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp.

Theo tính toán của Cục Lâm nghiệp, về tiềm năng của thị trường tín chỉ các-bon, với diện tích rừng hiện nay, nước ta có thể bán được khoảng 40 triệu tín chỉ các-bon. Đây là một nguồn thu nhập lớn, tương đương nguồn đầu tư công hằng năm của ngành.

Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ các-bon rừng sẽ huy động được nguồn tài chính quan trọng, bổ sung để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường bền vững,...
 

"
Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp đã góp phần đưa cơ cấu sản xuất lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất.

Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, tỷ lệ xuất siêu cao. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 3.650 tỷ đồng/năm, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu héc-ta rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp…

(Nguồn: Cục Lâm nghiệp-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

 

Tác giả bài viết: NPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây