HỘI THẢO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC BẢO TỒN, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN GEN CỦA TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2014-2020 VÀ XÂY DỰNG ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
Thứ hai - 27/07/2020 22:114850
Sáng ngày 29/6, UNND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Đánh giá kết quả công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014-2020 và xây dựng định hướng giai đoạn 2021-2025".
Tham dự hội thảo có ông ông Thân Ngọc Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ địa phương, PGS.TS Phạm Công Hoạt – Trưởng phòng, Vụ KHCN các ngành kinh tế-kỹ thuật , Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế. Về phía về phía Bộ KH&CN. Bên cạnh đó còn có nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu như: Viện Dược liệu, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Bắc Trung Bộ, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1… Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở KH&CN chủ trì Hội thảo. Theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN (Sở KH&CN) - đơn vị thực hiện đề án đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen từ năm 2014- 2020, Nghệ An đã thu thập 40 nguồn gen quý, hiếm, là những nguồn tài nguyên cây trồng, vật nuôi và dược liệu quý báu không những có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học mà còn có giá trị rất lớn về phát triển KT- XH tại địa phương nơi có nguồn gen. Trong 6 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung 17 nguồn gen loài cây dược liệu và cây lương thực quý, hiếm vào danh mục, góp phần bảo tồn và phát triển một số nguồn gen đang có nguy cơ bị mất; khôi phục và bảo vệ một số nguồn gen được xác định ưu tiên, các nguồn gen đang bị giảm về số lượng trong sản xuất, đặc biệt một số nguồn gen quý hiếm của một số giống cây trồng bản địa và giống dược liệu quý hiếm Sâm Puxailaileng, đẳng sâm, chè hoa vàng… Đặc biệt, từ kết quả bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi và dược liệu, một số loài dược liệu quý, đặc hữu của Nghệ An đã chuyển sang khai thác, phát triển và tạo sản phẩm thương mại, như cây trà hoa vàng Quế Phong, dây thìa canh, giảo cổ lam…, từ các sản phẩm chế biến đã góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho nguồn gen dược liệu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề xuất "Cần tiếp tục điều tra, bổ sung nguồn gen đặc sản quý, hiếm trên nhiều địa bàn." Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nhấn mạnh: Cần nhìn ra các vấn đề tồn tại của giai đoạn 2014- 2020 để từ đó có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là số lượng nguồn gen quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Nghệ An cần được bảo tồn cũng như đối tượng nguồn gen dược liệu bản địa quý, hiếm đã được phát hiện để đưa vào danh mục. Đặc biệt, hiện nay công tác bảo tồn nguồn gen mới chỉ tập trung vào thu thập, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen mà chưa làm được nhiều các nội dung nghiên cứu, đánh giá nguồn gen. Trong khi cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ công tác này còn hạn chế, thì kinh phí còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước. Ngành KHCN và các địa phương liên quan cần có giải pháp huy động sự tham gia, chung tay của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là tạo nguồn kinh phí từ chính các hoạt động bảo tồn và khai thác nguồn gen dược liệu.
Bên cạnh đó, từng địa phương phải xây dựng chi tiết quy hoạch để xác định được ưu tiên phát triển loài dược liệu mà địa phương có lợi thế. Đẩy mạnh kết hợp công tác bảo tồn với khai thác, phát triển và sản xuất thử nghiệm thành sản phẩm thương mại. Tại Hội thảo, có nhiều ý tham luận của các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu như: Tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện đề án khung quỹ gen cấp Bộ, cấp tỉnh (2013-2019) và chia sẻ nguồn gen của PGS.TS Phạm Công Hoạt (Bộ KH&CN); tham luận kết quả và giải pháp nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu của Th.S Lê Hùng Tiến (Trung tâm NC dược liệu Bắc Trung Bộ - Viện Dược liệu); tham luận kết quả bảo tồn và khai thác nguồn gen cây trồng giai đoạn 2015-2020 và định hướng nghiên cứu gia đoạn 2021-2025 của TS. Vũ Linh Chi (Trung tâm Tài nguyên thực vật - Viện KHNN VN); tham luận Kết quả duy trì, đánh giá và phát triển nguồn gen cây lương thực, cây ăn quả của TS Phạm Văn Linh (Viện KHKT NN BTB)… Bên cạnh đó còn có nhiều ý kiến đóng góp và đề xuất của các nhà khoa học đối với vấn đề bảo tồn và phát triển quỹ gen của tỉnh Nghệ An như ý kiến của PGS.TS Phạm Hồng Ban, TS Nguyễn Tài Toàn , TS Nguyễn Văn Diện (Đại học Vinh)…" Phát biểu kết luận Hội thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nhấn mạnh: "Cần tiếp tục điều tra, bổ sung nguồn gen đặc sản quý, hiếm trên nhiều địa bàn. Tiếp tục bảo tồn, duy trì, khai thác và phát triển được nguồn gen đã được đưa vào danh mục, đảm bảo cung cấp vật liệu khởi đầu cho công tác nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống. Ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn gen trong tự nhiên cũng như trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng quy hoạch, chiến lược về công tác bảo tồn nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật. Các địa phương, đặc biệt là các huyện Miền Tây phải sớm có kế hoạch tổng thể và hành động cụ thể trong quản lý, bảo tồn và khai thác nguồn gen thời gian tới"./.