Thời gian qua, quả sim là mặt hàng bán chạy trên thị trường, diện tích khoanh nuôi, chăm sóc, trồng sim ở các địa phương được giữ vững và mở rộng hơn. Thời điểm này, những đồi sim ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành... đang rộ mùa chín quả. Trong ảnh: Đồi sim ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
Những ngày này, người dân các xã có nhiều sim ở Thanh Chương, như Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Hà, Thanh Đức... đang bước vào mùa thu hoạch quả sim. Hàng ngày từ 5 -6h sáng, người dân đã rủ nhau lên núi hái sim. Những hộ có diện tích cây sim nhiều, hái không xuể thì phải thuê nhân công trong vùng đi hái. Ảnh: Huy Thư
Người dân Thanh Chương đi hái sim thường mang theo túi, bì, nước... Trong quá trình hái sim, bà con thường treo 1 cái túi trước bụng hay bên hông, hái được chừng nào thì bỏ quả sim vào đó, khi chiếc túi này đầy thì đổ sim vào bì tải. Ảnh: Huy Thư
Bà con đi hái sim thường không mang bao tay bởi mang bao tay sẽ khó thao tác, quả sim nhỏ, dễ rụng, hái tay trần sẽ nhanh hơn. Yêu cầu người đi hái sim chỉ hái quả chín, hái cây nào thì sạch cây đó, hái vùng nào gọn vùng đó. Khi lên núi, người dân hái sim theo kiểu dàn hàng ngang hoặc tản ra, mỗi người hái một vùng. Ảnh: Huy Thư
Một phụ nữ xã Thanh Xuân đang hái sim trên rừng cho biết: Sim năm nay khá sai quả, nhưng không được giá như những năm trước. Để hái được nhiều sim, người hái cần nhanh tay, nhanh mắt, chăm chỉ "siêng nhặt chặt bị". Ảnh: Huy Thư
Những người đi hái sim thuê, thường được chủ đồi sim trả tiền theo sản phẩm. Hiện bà con hái được 1kg quả sim thì được trả 10 nghìn đồng. Giữa mùa sim, mỗi buổi lên núi lao động tích cực, một người có thể hái được trên dưới 15 kg quả. Càng cuối mùa, sim ít dần, số lượng sim hái được càng giảm. Ảnh: Huy Thư
Bà Nguyễn Thị Thảo ở xóm Kim Sơn, xã Thanh Xuân cho biết, gia đình bà có khoảng 2 ha sim. Mùa sim chín, vợ chồng bà thường xuyên vào núi hái sim. Những hôm quả sim chín nhiều, bà phải thuê thêm người trong vùng đi hái. Tùy vào từng gia đình, có nhà 1 ngày hái 1 lần, có nhà 2 ngày hái 1 lần. Trung bình, mỗi năm, bán sim quả, gia đình bà cũng kiếm được trên dưới 20 triệu đồng. Ảnh: Huy Thư
Những cây sim giữa đồi trọc khô cằn sẽ cho quả nhỏ. Ngược lại những đồi sim được khoanh nuôi, chăm sóc cẩn thận sẽ cho quả to, chín mọng. Trời nắng, sim cho vị ngọt hơn. Quả sim chín muồi rất dễ rụng, chỉ một cơn gió nhẹ, trận mưa hay người hái đụng tay vào cây, quả chín đã rụng xuống gốc. Ảnh: Huy Thư
Dịp này, nhiều em học sinh cũng lên rừng đi hái sim để kiếm thêm thu nhập. Em Nguyễn Văn Thiết (17 tuổi) ở xã Thanh Xuân chia sẻ: "Những ngày qua, em và mẹ cùng đi hái sim cho các hộ trong làng. Hôm nào nắng to, xác định đi hái sim thì phải đi sớm để về sớm. Trung bình, mỗi buổi lên rừng hai mẹ con sẽ hái được khoảng 25 -27 kg". Ảnh: Huy Thư
Với những em học sinh, ngày hè theo người thân lên núi hái sim sẽ là những kỷ niệm khó quên. Ảnh: Huy Thư
Tầm 10h - 11h, khi nắng nóng bắt đầu gay gắt, những người đi hái sim sẽ dừng công việc của mình, mang những bì sim xuống núi. Sim quả đang được các cơ sở trên địa bàn thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg, hái được bao nhiêu, họ mua hết bấy nhiêu. Mùa sim chín đang đem lại thu nhập cho cả chủ đồi sim lẫn những người đi hái sim thuê. Mỗi buổi lên núi hái sim, một người cũng kiếm được 80 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng. Ảnh: Huy Thư
"
Sim là một cây thuốc mà trong các sách Đông y có tên gọi là sơn nẫm, cương nẫm, nẫm tử, dương lê, đào kim nương, hồng sim,...
Tên khoa học là Rhodomyrtus tomentosa Wight, họ Sim (Myrtaceae) hay họ đào kim nương tức họ Sim (theo tên gọi của chi Rhodomyrtus). Sim có nguồn gốc bản địa ở khu vực Nam và Đông Nam Á, từ Ấn Độ về phía Đông tới miền Nam Trung Quốc, Đài Loan và Philippines, và về phía Nam tới Malaysia và Sulawesi...
Đông y cho rằng, quả sim có vị ngọt chát; tính bình. Có tác dụng dưỡng huyết, chỉ huyết (cầm máu), sáp trường, cố tinh. Dùng chữa các chứng huyết hư, thổ huyết, mũi chảy máu, tiểu tiện ra máu, lị, thoát giang, tai ù, di tinh, băng huyết, đới hạ ...
Khi quả sim chín, có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần; liều dùng từ 12 - 15g khô (30 - 60g tươi) sắc với nước hoặc ngâm rượu uống; dùng ngoài đốt tồn tính, nghiền mịn, bôi vào chỗ bị bệnh.
Tác giả bài viết: NPV
Ý kiến bạn đọc