Đã có 17/19 địa phương trong vùng bố trí ngân sách địa phương để thực hiện 3 Chương trình MTQG
Giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao vốn đầu tư phát triển trên 39.000 tỷ đồng cho các địa phương vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình của cả nước. Đến nay, các địa phương trong vùng đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương. Đã có 17/19 địa phương trong vùng bố trí ngân sách địa phương để thực hiện 3 Chương trình MTQG với trên 6,2 tỷ đồng.
Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên bình quân đạt 3,81% (đạt so với mục tiêu trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung giảm từ 12,02% xuống còn 10,04%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Tây Nguyên giảm từ 17,52% xuống còn 15,39%.
Riêng trong năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện 3 Chương trình MTQG cho Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên hơn 17.820 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho cả nước. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 9.482 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 8.338 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân bố hơn 7.935 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 83,68%.
Về tình hình giải ngân, đến hết ngày 30/6/2023, vốn giải ngân 3 chương trình của các địa phương trong vùng hơn 2.055 tỷ đồng, đạt 21,67% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 6,53% so với trung bình cả nước (khoảng 28,2%).
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và thảo luận đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; đồng thời cho ý kiến về các nội dung bổ sung vào dự thảo Luật đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm 3,63%
Tại Nghệ An, nhìn chung quá trình triển khai các chương trình MTQG đã được tổ chức chỉ đạo thực hiện kịp thời. UBND tỉnh đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, từ đó tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản triển khai thực hiện các chương trình theo quy định của Trung ương nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đối với từng chương trình.
Trong đó, về chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giảm 3,63%. Nguồn lực được tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đến việc bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tiếp cận văn minh để hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội; góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc.
Về chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra, giám sát của các cơ quan Trung ương, địa phương, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của Uỷ ban MTTQ và HĐND các cấp. Phong trào “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” được các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5% năm, đạt kế hoạch Trung ương giao.
Về chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp về chủ trương, chính sách của Chương trình giai đoạn 2021-2025 thực hiện sâu, rộng; xây dựng nông thôn mới tiếp tục là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh, trở thành nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư. Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 309 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%), có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất kinh doanh được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị trong thời gian tới, các địa phương phải có trách nhiệm, tích cực, chủ động và quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Trong quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc báo cáo Trung ương, các Bộ, ngành, đồng thời học hỏi thêm các địa phương đang thực hiện tốt các nhiệm vụ này. Cùng với đó, các Bộ, ngành cần kết nối tốt hơn với các địa phương trong thực hiện các nội dung của Chương trình. Các địa phương cũng cần phân cấp, phân quyền cho các huyện, có hướng dẫn cụ thể để thực hiện; lồng ghép các chương trình trong điều kiện cho phép để thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG.