Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản Nghệ An

Thứ tư - 16/10/2024 22:19 67 0
Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản là nội dung được Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tập trung triển khai trong những năm qua, góp phần không nhỏ nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản Nghệ An
Tạo sản phẩm chế biến, lan tỏa thương hiệu
Được thành lập năm 2021, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Bản Vẽ (Tương Dương) xác định đi theo con đường phát triển chăn nuôi, hướng vào các sản phẩm được nuôi tự nhiên của địa phương như lợn, cá. Sau một thời gian, nhận thấy phát triển chăn nuôi lợn không phù hợp vì cần nguồn vốn lớn, kỹ thuật và quy trình chăn nuôi chặt chẽ, nên các hộ thành viên gần như chuyển hẳn sang nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.
Được sự hỗ trợ của huyện với mức 15 triệu đồng/lồng nuôi cá, nguồn thức ăn tự nhiên trên lòng hồ thủy điện, bà con trồng thêm chuối, cỏ voi, phát triển nguồn cá nuôi theo hướng hữu cơ và rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, theo anh Lượng Văn Đông - Giám đốc hợp tác xã: Chỉ bán cá tươi, không qua chế biến nên việc bảo quản, tiêu thụ đều hạn chế, giá trị sản phẩm không được nâng lên như kỳ vọng.
Người dân nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An
Năm 2024, Hợp tác xã được Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tư vấn, hỗ trợ phát triển thêm sản phẩm chế biến.
“Chúng tôi được hỗ trợ thiết kế mẫu mã, hình ảnh sản phẩm đẹp, hỗ trợ bao bì, tem, nhãn sản phẩm gắn với mã vạch, mã QR code, hướng dẫn đầu tư mua các loại máy cần thiết như máy xay xương, máy bắn viên, máy hút chân không, chế biến thêm sản phẩm cá bống làm sạch, hút chân không và cấp đông để vận chuyển đi xa, làm chả cá”, anh Lượng Văn Đông cho biết.
Hiện tại, hợp tác xã vẫn đang được chi cục tập trung hỗ trợ vào quảng bá thương hiệu, bán sản phẩm chế biến với giá dùng thử, mỗi năm tiêu thụ từ 1- 2 tấn/chả cá, 1 tấn cá giàng, cá bống, cá cắt khúc.
Là sản phẩm truyền thống, đặc sản, tương Nam Đàn từ lâu đã được khách xa gần biết đến và ưa chuộng. Năm 2019, sản phẩm tương thương hiệu “Sa Nam Hương Dương” của Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến tương Sa Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đồng thời, được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
 
Làng nghề sản xuất tương
Tuy nhiên, do mẫu mã, chai lọ còn đơn giản và chưa được đầu tư xây dựng thương hiệu, tem, nhãn mác, nên sản phẩm vẫn chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ.
Chị Hồ Thị Xuân Hương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến tương Sa Nam Hương Dương chia sẻ: Trước đây sản phẩm chưa có tem mác, nhãn hiệu, nên cứ làm rồi bán thế thôi, sản phẩm bị lẫn lộn với các sản phẩm khác, không có thương hiệu, hầu như chỉ có khách quen nhận biết, tin tưởng đến mua.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Với diện tích rộng, địa hình và khí hậu đa dạng, Nghệ An có nguồn nông sản dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, trong chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Sản xuất chủ yếu manh mún, thủ công, nhỏ lẻ; số cơ sở quan tâm đến mẫu mã, thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, chưa năng động phát triển thị trường tiêu thụ.
Để xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thời gian qua, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã tập trung nhiều hoạt động. Tại các cuộc tập huấn về an toàn thực phẩm được chi cục tổ chức từ 40- 50 lớp/năm, các doanh nghiệp, cơ sở được tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức cũng như nhận thức về tầm quan trọng, tính cần thiết và lợi ích của việc đầu tư xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm.
Đồng thời, lựa chọn các cơ sở có nhu cầu, sản xuất tốt nhưng sản phẩm chưa tới được thị trường để tư vấn, hỗ trợ tạọ nhận diện thương hiệu sản phẩm bắt mắt, trang bị chai lọ, túi bóng, thiết kế và in ấn tem, nhãn, cấp mã QR Code, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm… để người tiêu dùng biết đến và có sự lựa chọn tốt hơn; đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất trang thiết bị đáp ứng yêu cầu như đường nước, công trình vệ sinh…
Từ đó, các doanh nghiệp được trang bị kiến thức cũng như ý thức về tầm quan trọng của đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều đơn vị cơ sở vật chất lộn xộn đã được trang bị đầy đủ, quy củ hơn; một số cơ sở chưa làm tem, nhãn mác hoặc đã làm nhưng sơ sài, sai quy định đã được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mã QR Code, nhãn mác đẹp, đầy đủ thông tin cần tra cứu.
Một số sản phẩm truyền thống sau khi được hỗ trợ đã mở rộng được thị trường, tiêu thụ tại các siêu thị, làm quà tặng nhờ có mẫu mã đẹp. Triển khai từ năm 2021, đến nay, chi cục đã hỗ trợ 12 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng thương hiệu sản phẩm.
“Chúng tôi tập trung khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất để tiến hành xây dựng các chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong chế biến nông, lâm, thủy sản và tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ chuyển giao quy trình chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm mô hình chế biến nông, lâm, thủy sản cho các cơ sở. Hỗ trợ thiết kế các mẫu mã bao bì, tem nhãn, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở”, ông Nguyễn Thái Tuấn - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết.
Thời gian qua, chi cục đã hỗ trợ xây dựng 162 mã QR Code, in và phân phát 262.000 tem chứa mã QR Code, 29.000 nhãn và 824 kg bao bì, khay chứa đựng sản phẩm cho cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tính riêng từ đầu năm đến nay, hỗ trợ in 122.500 nhãn chứa mã QR Code, nhận diện sản phẩm an toàn cho các đơn vị; cấp hỗ trợ 10 mã Qr Code, nâng tổng số mã đã cấp lên 162 mã cho 129 cơ sở.

Cùng với hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, chi cục tập trung hỗ trợ các đơn vị tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, thông qua các kênh tiêu thụ, phối hợp với các tỉnh, thành để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, như tham gia các hội chợ, đưa sản phẩm đi giới thiệu, quảng bá, làm việc để đưa vào hệ thống các siêu thị.
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn đã tham gia các hội chợ như: Hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Lâm Đồng; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2024; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2024. Dự kiến năm 2024, chi cục sẽ hỗ trợ tham gia 20 hội chợ với gần 100 gian hàng cho gần 200 nhóm sản phẩm tham gia.
Có thể khẳng định, mặc dù chưa triển khai thực hiện được trên nhiều mô hình, nhưng từ những kết quả ban đầu đã cho thấy sự thay đổi nhất định, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến phát triển, góp phần xây dựng thành công các sản phẩm OCOP.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây