Đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống

Thứ năm - 17/11/2022 22:36 442 0
01/01/2022 là văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Nhằm từng bước đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn đơn vị quản lý. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Đại tá Hồ Quyết Thắng - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) về vấn đề này.
P.V: Thưa đồng chí, hiện nay Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã và đang triển khai những giải pháp nào để đưa các nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống?
Đại tá Hồ Quyết Thắng: Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, đã thể chế đầy đủ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới Quốc gia. Để đưa Luật Biên phòng Việt Nam đi vào cuộc sống, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết, giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, trong toàn tỉnh đã hoàn thành triển khai Hội nghị tập huấn chuyên sâu về Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết cho cán bộ các cấp từ tỉnh đến huyện (thành, thị), xã (phường) và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai ở thôn (xóm, bản). Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đã được chú trọng đổi mới đa dạng về phương pháp, hình thức theo hướng “dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, cơ quan thông tấn, báo chí triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống; kết hợp tuyên truyền qua các hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống thông tin cơ sở, cổng thông tin điện tử; tuyên truyền trên tờ rơi, tờ gấp và trên các nền tảng mạng xã hội.
Cùng với công tác tuyên truyền, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tập trung củng cố cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao Nhân dân, hợp tác quốc tế về biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
P.V: Khu vực biên giới, ven biển Nghệ An địa bàn rộng, dân số đông, trình độ dân trí không đồng đều. Quá trình triển khai tuyên truyền, thực thi Luật Biên phòng và các văn bản quy định chi tiết liên quan trong thực tế gặp khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đại tá Hồ Quyết Thắng: Nghệ An có đường biên giới trên đất liền dài 468,281 km, gồm 116 cột mốc, 44 cặp cọc dấu biên giới, tiếp giáp với 06 huyện, 03 tỉnh của nước bạn Lào (Sầm Tớ, Mường Quắn/tỉnh Hủa Phăn; Noọng Hét, Mường Mộc/tỉnh Xiêng Khoảng; Viêng Thoong, Xay Chăm Pon/tỉnh Bôlykhămxay), khu vực biên giới đất liền của tỉnh gồm 6 huyện, 27 xã, với 5 thành phần dân tộc chính (Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ) sinh sống với 30.683 hộ/1386.316 nhân khẩu; đường bờ biển dài 82 km, vùng biển được phân công quản lý rộng 4.230 hải lý vuông, khu vực biên giới biển gồm 5 huyện, thị xã, với 34 xã, phường với 76.848 hộ/329.146 nhân khẩu.
Kinh tế - xã hội khu vực biên giới phát triển chậm hơn so với địa bàn nội địa; đời sống của Nhân dân đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của thiên tai, đại dịch Covid-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ; nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân còn hạn chế; hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, mua bán bào thai, xuất nhập cảnh và di cư trái phép qua biên giới…trong đồng bào dân tộc thiểu số xảy ra ở một số địa bàn biên giới, có thời điểm phức tạp.
Trên biển, tàu nước ngoài gia tăng các hoạt động vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, ngăn cản, xua đuổi ngư dân đánh bắt hải sản và hoạt động thăm dò, khai thác trên biển của ta. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); tranh chấp ngư trường, thiên tai, tai nạn trên biển gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân vẫn còn diễn ra.
Địa bàn rộng, khu vực biên giới đất liền có hệ giao thông đi lại rất khó khăn, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, nhiều bản làng ở biệt lập, các phương tiện giao thông không đến được; cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của nhiều đơn vị, địa phương chưa đảm bảo; cán bộ cơ sở và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… Đó là những khó khăn gặp phải trong quá trình tiến hành triển khai tuyên truyền, thực thi Luật Biên phòng và các văn bản quy định chi tiết liên quan đến với người dân.
P.V:Là tỉnh có đường biên giới dài 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay (Lào), có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Vậy Bộ đội Biên phòng Nghệ An có kế hoạch gì trong công tác phối hợp nhằm vận động nhân dân sinh sống hai bên biên giới chấp hành nghiêm quy chế biên giới, thưa đồng chí?
Đại tá Hồ Quyết Thắng: Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng thuộc 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay (Lào); tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương vùng biên giới phối hợp với các địa phương có chung đường biên giới của nước bạn Lào vận động Nhân dân khu vực biên giới tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã thường xuyên chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng tăng cường công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ và nhân dân trong khu vực biên giới chấp hành nghiêm 2 văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới là Hiệp định về Quy chế biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào; Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào.
Ngoài ra, 2 bên tiếp tục thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác trong đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng Việt Nam) với Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát (Bộ An ninh Lào); Kế hoạch phối hợp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư, xuất nhập cảnh trái phép người Việt Nam sang Lào; tiếp nhận, trao trả công dân Việt Nam cư trú trái phép trên lãnh thổ Lào theo quy định pháp luật của mỗi nước và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
Trong năm 2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức Hội đàm ký biên bản ghi nhớ song phương về phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng chống tội phạm với Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an 3 tỉnh phía ngoại biên đối diện. Ký biên bản thỏa thuận tuần tra song phương trên biên giới đất liền giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An/Việt Nam với Bộ Chỉ huy Quân sự 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay/Lào. Qua đó đã thường xuyên làm tốt công tác phối hợp tổ chức tuần tra song phương, trao đổi thông tin, kịp thời thông báo cho nhau những tình hình có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới để tổ chức phối hợp triển khai thực hiện, cùng nhau giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hai bên biên giới góp phần bảo vệ an toàn hệ thống đường biên, mốc giới, cọc dấu biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới hai bên.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 16/4/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tổ chức phong trào ký kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới Việt Nam - Lào, duy trì hoạt động kết nghĩa giữa 21 cặp (bản - bản) hai bên biên giới và 8 đồn biên phòng trong tỉnh với 7 đại đội Biên phòng và 1 đồn Công an cửa khẩu của nước bạn.
Qua các hoạt động kết nghĩa thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, giúp nhau phát triển kinh tế, phối hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hai bên biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Tác giả bài viết: Khánh Ly (Báo Nghệ An - Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây