Đó là một trong những nội dung của Thông báo Kết luận Hội thảo Khoa học “Luận cứ phát triển kinh tế vùng Tây Nam Nghệ An" do UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành.
Theo đó, ngày 30/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Luận cứ phát triển kinh tế vùng Tây Nam Nghệ An”. Sau khi nghe báo cáo, tham luận và các ý kiến tại Hội thảo, Hội thảo tiếp thu một số nội dung như sau:
Về cơ chế chính sách, quy hoạch và liên kết vùng Tây Nam: (i) Cần xây dựng các kế hoạch để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, gắn kết phát triển các tiểu vùng và liên vùng. Các huyện trong vùng cần có kế hoạch để cùng tập trung nguồn lực từ một số chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực, dự án liên kết vùng; (ii) Các địa phương trong vùng cần có chương trình ký kết hợp tác các lĩnh vực có lợi thế và phát triển vùng nguyên liệu cũng như kêu gọi doanh nghiệp để chế biến sản phẩm; (iii) Có cơ chế chính sách rõ ràng trong việc thu hút vốn đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm của vùng; (iv) Sớm lập quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh; (v) Quy hoạch phát triển rừng lồng ghép với chủ trương quy hoạch phát triển cây dược liệu; (vi) Hình thành Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy sẽ đóng vai trò quan trọng lan tỏa sự phát triển vùng Tây Nam và các khu vực lân cận.
Vùng Tây Nam Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, cây dược liệu. Trong ảnh: Một góc hồ thủy điện Bản Vẽ. Ảnh minh họa: Sách Nguyễn
Về phát triển cơ sở hạ tầng: Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết vấn đề giao thông giữa các vùng, địa phương được thuận lợi hơn. Giao thông và viễn thông là hai lĩnh vực thuộc nhóm ưu tiên trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế Tây Nam. Trong đó, chú trọng phát triển một số lĩnh vực lợi thế của vùng, như phát triển kinh tế rừng, dược liệu; Phát triển du lịch; Phát triển kinh tế cửa khẩu,...
Tác giả bài viết: PVTH
Ý kiến bạn đọc