Nghệ An tôn vinh 140 sản phẩm đạt sao OCOP

Thứ năm - 21/04/2022 08:49 460 0
Mục tiêu mà Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh Nghệ An đặt trong năm 2022 là phấn đấu có thêm ít nhất 100 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó, tập trung nâng cấp ít nhất 01 sản phẩm 4 sao lên 5 sao và 05 sản phẩm từ 03 sao lên 4 sao.
Chiều 21/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị công bố sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2021 và triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của các sở, ngành liên quan và các chủ thể tham gia chương trình OCOP.
249 sản phẩm được xếp hạng 3 sao
Trong năm 2021, toàn tỉnh có thêm 140 sản phẩm của 88 chủ thể đạt hạng 3 sao OCOP trở lên; trong đó, có 139 sản phẩm đạt 03 sao đến 4 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 sao đã gửi hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét công nhận.
Như vậy, tổng số sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên từ đầu chương trình đến nay là 249 sản phẩm (vượt 24,5% so với mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2030); Chương trình cũng đã huy động được gần 117.958 triệu đồng để hoàn thiện, nâng cao các sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu biểu dương những kết quả mà Chương trình OCOP đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, nhấn mạnh, Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị, thu nhập ngày càng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, phân tích, chỉ rõ các tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP cần được khắc phục. 
Thứ nhất, sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; Thứ hai, các chủ thể sản phẩm OCOP chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, các loại giấy chứng nhận; Thứ ba, một số địa phương chưa xác định được lợi thế, tiềm năng của mình, chưa quan tâm nhiều đến việc phát triển các sản phẩm mới; một số địa phương và chủ thể chưa mặn mà với chương trình.
Thứ tư, nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện; Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đúng mức...
Phấn đấu có trên 100 sản phẩm đạt 3 sao OCOP trong năm 2022 
Tại hội nghị, các chủ thể đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng sản phẩm, đầu tư bao bì, nhãn mác; việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, các chủ thể cũng đã trình bày các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.  
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 100 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên (bình quân 4,76 sản phẩm/huyện, thành phố, thị xã); Phấn đấu có ít nhất 15-20 tổ chức kinh tế mới tham gia Chương trình OCOP năm 2022 dưới dạng tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; xây dựng ít nhất 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị; tổ chức kết nối thị trường, tổ chức hội chợ cấp tỉnh và tham gia các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh trên địa bàn toàn quốc; Tổ chức cho các chủ thể OCOP tham gia ít nhất 3 hội chợ trong năm 2022...
Để đạt được kết quả trên, các ngành, các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Chương trình OCOP, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là khâu đột phá trong xây dựng NTM, nhất là nông thôn mới nâng cao. Rà soát, đánh giá lại công tác triển khai Chương trình OCOP của địa phương thời gian qua, khắc phục các tồn tại để chương trình đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức gây tốn kém về thời gian và kinh phí thực hiện. 
Đồng thời, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp huyện và các chủ thể về Chương trình OCOP; Quan tâm đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị làm cơ sở để phát triển các sản phẩm. Đặc biệt, cần kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng của chủ thể kinh tế sau khi đã có sản phẩm đạt sao; Tăng cường xúc tiến thương mại cho Chương trình.
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao cúp biểu tượng OCOP, giấy chứng nhận OCOP đạt 4 sao, 3 sao cấp tỉnh năm 2021 cho các chủ thể. 

Tác giả bài viết: Thanh Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây