Một số điều cần biết về tuyến trùng hại cây trồng và giải pháp quản lý

Thứ năm - 18/11/2021 23:36 8.011 0
Một số điều cần biết về tuyến trùng hại cây trồng và giải pháp quản lý
          Tuyến trùng là động vật không xương sống, thuộc ngành giun tròn chỉ nhìn thấy hình thái dưới kính hiển vi và là mối nguy hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, chủ mưu mở đường cho nấm bệnh xâm nhập gây hại. Đây là đối tượng dịch hại mà người nông dân ít được biết đến do chúng có kích thước nhỏ không nhìn thấy bằng thường, lại sinh sống chủ yếu trong đất, nước và gây hại chủ yếu bộ rễ của cây.
* Dựa vào hình thức ký sinh chia tuyến trùng thành 3 nhóm:
- Nội ký sinh: Là những tuyến trùng chui sống trong rễ và chích hút gây hại tế bào rễ làm cho rễ cây bị u sưng (u bướu), phình to so với những rễ phát triển bình thường. Tuyến trùng gây hại ở nhiều bộ phận trong rễ gây ra những nốt sần trên rễ. Nhóm tuyến trùng gây hại theo kiểu này chủ yếu là giống Meloidogyne sp, nội ký sinh. Bên cạnh gây hại rễ, tuyến trùng thuộc nhóm này còn tạo tổn thương cho các loại nấm đất như: Fusarium sp, Phytopthora sp, Rhizoctonia sp, Pythium sp có cơ hội tấn công gây hại và phá hủy bộ rễ gây hiện tượng vàng lá, thối rễ của cây. 
- Ngoại ký sinh: Là những tuyến trùng sống bên ngoài rễ và sử dụng kim chích hút ngoài rễ, sinh sống di chuyển bên ngoài môi trường đất và nước. Nhóm tuyến trùng gây hại theo kiểu này chủ yếu là giống Pratylenchus, Xiphinema…,Bên cạnh gây hại bộ rễ cây trồng, chúng còn truyền bệnh virus cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt Thanh Long, Cà Phê, Hồ Tiêu….
  - Bán nội ký sinh: Là những tuyến trùng có kiểu sinh sống mà một phần cơ thể (phần đầu) chui vào bên trong rễ nhưng phần còn lại vẫn ở ngoài môi trường đất. Nhóm tuyến trùng này cũng gây ra nốt sần cho rễ cây. Nhóm tuyến trùng gây hại theo kiểu này chủ yếu là giống Tylenchulus spp., Rotylenchulus spp.
2. Một số biểu hiện triệu chứng cây trồng khi bị tuyến trùng gây hại
2.1. Triệu chứng cây trồng cạn bị tuyến trùng gây hại
 Một số cây trồng cạn như: Cà phê, hồ tiêu, chanh leo, cây ăn quả…, thường xuyên bị tuyến trùng gây hại. Các triệu chứng biểu hiện bên ngoài như: Rễ có những khối u sần (u bướu) xuất hiện, cây héo úa, còi cọc, thiếu sức sống. Vì tuyến trùng cản trở sự hút nước và chất dinh dưỡng của cây nên một số trường hợp lá bị xoắn, vàng lá, rụng lá sớm, chết mầm. Điều quan trọng là các biểu hiện này không đồng đều trên toàn vườn vì mật số tuyến trùng không phân bố đều. Tuyến trùng thường không gây chết cây ngay nhưng làm cho cây trồng không thể phát triển bình thường, làm cây thiếu sức sống. Bên cạnh đó, chúng tạo ra các vết thương trên rễ cây, “mở đường” cho các vi sinh vật có hại khác xâm nhập dễ dàng hơn, khả năng cây bệnh cao hơn. Ngoài ra, tuyến trùng còn có thể truyền virus gây bệnh cho cây.
2.2. Triệu chứng cây rau màu, lúa nước bị tuyến trùng gây hại
 - Cây rau màu (cà chua…): Chủ yếu tuyến trùng Meloidogyne spp.
 + Triệu chứng trên mặt đất: Cây sinh trưởng kém, còi cọc, lá chuyển màu vàng, nếu mật số tuyến trùng cao, hại nặng cây dễ bị chết. 
 + Triệu chứng dưới mặt đất: Hệ thống rễ sơ cấp và thứ cấp xuất hiện những nốt sưng phồng, lúc đầu u bướu có màu trắng, sau chuyển thành nâu, cuối cùng u nát ra, rễ bị đen. 
 - Trên cây lúa (u bướu rễ lúa): Do tuyến trùng Meloidogyne graminicola gây hại
Triệu chứng biểu hiện: Trên đồng ruộng, cây lúa khoảng một tháng tuổi thường thấy có triệu chứng bệnh. Bệnh phát triển mạnh trên những chân ruộng khô hạn, trên những vùng đất chua, bón nhiều lân supe từ vụ trước. Đây là loài tuyến trùng nội ký sinh, háo khí, chúng ngừng phát triển trong điều kiện đất ngập nước. Cây bị lùn, lá hơi vàng, tăng trưởng chậm. Nhổ rễ lên, thấy rễ vẫn trắng tốt nhưng bị ngắn lại, bướu xuất hiện ở nhiều đoạn của rể hoặc ở chóp rể. Nơi có ổ tuyến trùng bị phù to tạo bướu 1-2 mm. Khi bị tuyến trùng ký sinh gây hại, cây lúa phát triển kém, còi cọc.
3. Giải pháp quản lý tuyến trùng
3.1. Kỹ thuật quản lý tuyến trùng trên cây trồng cạn
 - Áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp IPM
 - Trước khi trồng mới nên tiến hành cày sâu xới kỹ phơi đất, lợi dụng nhiệt độ và tia tử ngoại của mặt trời tiêu diệt tuyến trùng tồn tại trong đất.
- Tiến hành xử lý hố trồng trước khi trồng cây con bằng cách: Đốt hố, trộn 1kg vôi/hố rồi trộn vào đất, bón thêm phân chuồng để tăng độ hữu cơ cho đất.
- Cần kiểm tra đất cũ kỹ càng, không nên để sót các tàn dư thực vật của các cây bị nấm bệnh, nhặt sạch các rễ cũ còn sót lại trong vườn.
- Tiến hành cải tạo đất và luân canh các loại cây trồng khác từ 2- 3 năm để loại trừ khả năng lây lan của tuyến trùng.
- Rải thuốc trị tuyến trùng như: Mocap 10G (50g/gốc), Marshal 5G (50g/gốc), Oncol 20EC (0,3 %, 2 lít dung dịch/gốc), Map logic 90WP (Clinoptilolite)….,
- Bón phân đầy đủ và hợp lý các loại phân hóa học, tăng cường bón thêm phân hữu cơ, phân chuồng hay các chế phẩm sinh học để cải tạo đất.
- Hạn chế xới xáo và vét bồn trong những vườn cây đã từng bị bệnh.
- Những vườn cây đã bị tuyến trùng gây hại nặng, không nên áp dụng biện pháp tưới tràn bởi nó sẽ lây lan theo nguồn nước đến các vườn cây không bị tuyến trùng.
- Một số sản phẩm sinh học dùng để trừ tuyến trùng như: Chitosan, nấm đối kháng Trichoderma, vi khuẩn Pseudomonas làm giảm sự sinh sản trứng tuyến trùng.
- Hạt cây củ đậu, rễ cây ruốc cá, hạt cây thầu dầu…. , có tác dụng gây ngộ độc diệt và xua đuổi tuyến trùng.
- Cây Neem: Hầu hết các sản phẩm từ cây neem đều có khả năng diệt tuyến trùng, trong đó bánh dầu neem vừa diệt tuyến trùng, kiến, mối trong đất, mà còn là nguồn phân hữu cơ rất tốt có chứa các nguyên tố đa lượng như: N = 5,5-7%, P = 0,7-1,2%, K = 1,2-1,5% …
3.2. Kỹ thuật quản lý tuyến trùng trên cây lúa và rau màu
* Đối với cây rau màu
- Dọn sạch tàn dư cây trồng vụ trước
- Xử lý đất bằng cách cày ải phơi đát, bón vôi, sử dụng nấm Trichderma ử với phân chuồng để bón lót hoặc tưới nấm vào đất.
- Luân canh với cây họ hòa hảo trong 2-3 năm
- Nhổ bỏ tiêu hủy cây bị bệnh
- Tăng cường bón phân hữu cơ, vì phân hữu có rất nhiều vi khuẩn và nấm ký sinh có thể tiêu diệt tuyến trùng. 
- Luôn giữ sạch cỏ dại, tạo tơi xốp cho đất, bón phân cân đối và đầy đủ dưỡng tố.
- Tưới thuốc thấm sâu vào xung quanh vùng rễ, cần tưới 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa (chú ý sử dụng thuốc trừ tuyến trùng nằm trong danh mục được phép sử dụng trên cây rau màu).
- Khi cây bị bệnh nặng cần nhổ bỏ, xử lý đất bằng vôi bột 1 thời gian rồi mới trồng lại.
* Đối với cây lúa nước
- Không được để cạn nước, cần cho nước vào ruộng khoảng 3-5cm và giữ liên tục 5-7 ngày.
- Bón vôi với lượng từ 25 - 30 kg/sào (500 m2) để giảm độ chua cho ruộng.
- Bón phân vô cơ cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục.
- Sử dụng một số chế phẩm cải tạo đất và tăng cường khả năng ra rễ mới cho lúa, kết hợp phun các loại phân bón hữu cơ qua lá để giúp cây lúa ra lá, ra rễ nhanh hơn. 

Tác giả bài viết: Huy Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập314
  • Hôm nay23,722
  • Tháng hiện tại49,519
  • Tổng lượt truy cập16,452,720
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây