Thực trạng phát triển sản phẩm làng nghề ở huyện Tân Kỳ: Kiến nghị và đề xuất

Chủ nhật - 12/12/2021 22:46 1.004 0
Tân Kỳ là một huyện một huyện miến Núi của tỉnh Nghệ An, được thành lập ngày 19/4/1963 theo Quyết định số 52- CP của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ngày đầu thành lập, huyện có 13 xã, gồm: Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Phúc, Giai Xuân,Tân Hợp, Tiên Đồng (Là các xã của huyện Nghĩa Đàn), Hương Sơn, Phú Sơn, Kỳ Sơn (thuộc các xã của huyện Anh Sơn). Trong quá trình xây dựng và phát triển, đã chia tách một số xã và thành lập một số xã mới từ các Nông trường quốc doanh: Sông Con, An Nghãi, Vực Rồng. Đến nay huyện có 22 đơn vị hành chính, trong đó có 21 xã và 1 thị trấn.
Dân số: 148.457 người (Số liệu 31/12/2019), có 3 dân tộc chủ yếu, đó là dân tộc Kinh, dân tộc Thái và dân tộc Thổ, trong đó dân tộc kinh chiếm 78,4%, Thái, Thổ chiếm 21,6%.
Là huyện có vị trí địa lý nằm ở tọa độ từ 18058’ đến 19032’ vĩ độ Bắc và từ 105002’ đến 105014’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa và huyện Quỳ Hợp; phía Nam và Đông Nam giáp huyện Đô Lương và huyện Yên Thành; phía Tây và Tây Nam giáp với huyện Anh Sơn.
Diện tích tự nhiện của huyện trên 72.890 ha, trong đó diện tích đồi núi chiếm 80% và có nhiều khe suối, sông ngòi chia cắt địa hình thành nhiều tiểu vùng, với sự xuất hiện của nhiều thung lũng và các cánh đồng nhỏ hẹp, chạy dọc theo thung lũng hoặc dọc theo hai bờ của con sông Con. Với diện tích đồi núi thấp và các bãi phù sa ven sông tạo ra vùng sản xuất cây nguyên liệu phụ vụ, bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống.
Khí hậu, thời tiết nằm vào vùng nhiệt đới gió mùa nên nắng lắm, mưa nhiều. Thông thường từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau thời tiết khô hanh, gây nên tình trạng khô hạn kéo dài. Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm do chịu ảnh hưởng của gió Phơn Tây nam (còn gọi là gió Lào) thời tiết nắng như đổ lửa, hạn hán kéo dài, nhiệt độ trung bình từ 37,5 đến 390C, thậm chí lên tới trên 400C.
Theo số liệu của Cục khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, hàng năm Nghệ An thường phải chịu ảnh hưởng của 30 đợt gió mùa Đông Bắc, trong đó có đợt kéo dài trên một tuần, đợt ngắn cũng kéo dài từ 2-3 ngày. Huyện Tân Kỳ cũng nằm trong tình trạng chúng đó. Những ngày có gió mùa Đông bắc, trời rét, nhiệt độ xuống thấp, bầu trời u ám, độ ẩm thấp, gây tác hại không nhỏ đối với cây trồng, vật nuôi và cả với sức khỏ con người.
Với những đặc điểm trên đã có tác động thuận – nghịch lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân nơi đây. Nhờ mang đậm nét văn hóa đa miền mà cung cách làm ăn, sinh sống, xây nên những cách làm giàu từ ý chí và nghị lực; từ kinh nghiệm và phát huy truyền thống của mọi miền quê để phát triển, trong đó có sự duy trì, bảo tồn nghề truyền thống, xây dựng làng nghề truyền thống vốn có và phát triển nghề mới trong xu thế thích ứng với một nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN như Đảng ta đã xác định.
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng về phát triển sản phẩm làng nghề với xây dựng làng nghề, một hình thức phát triển, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; là hình thức phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương trong huyện theo chuổi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (Doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể (Các loại hình HTX) thuận lợi, Cấp ủy và chính quyền huyện đã có chủ trương khôi phục, phát triển các nghề truyền thống, xây dựng các làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân và thực hiện hiệu quả những tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu vực thôn bản, làng xã góp phần thực hiện CNH, HĐH Nông nghiệp, Nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, hạn chế dân di cư ra thành phố (theo quan điểm ly nông, bất ly hương), đồng thời cũng là để bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của Nông thôn Việt Nam.
I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở HUYỆN TÂN KỲ
Một số làng có nghề và làng nghề truyền thống trên đất Tân Kỳ đã có từ xa xưa. Sự ra đời và quá trình phát triển của làng có nghề và làng nghề đã mạng lại rất nhiều giá trị to lớn, từ sinh hoạt đời sống cho đến kinh tế, lao động mà hơn hết còn lưu giữ được những nét tinh hoa văn hóa dân tộc đọng lại trên từng sản phẩm của làng nghề, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng trăm lao động Nông thôn. Tuy vậy, do thời gian và điều kiện kinh tế, xã hội không ngừng phát triển, đã có một số nghề và làng nghề đến nay đã mai một, do nhiều yếu tố như: Điều kiện sản xuất, kinh doanh không đáp ứng; thiếu vốn, lao động, chủ nghề không còn nữa; vật tư, nguyên liệu cạn kiệt, thiếu thốn; sản phẩm làm ra không bán được, không cạnh tranh nỗi với các sản phẩm mới được sản xuất từ công nghệ tiên tiến và hiện đại. Một số nghề, làng nghề còn tồn tại và có xu thế phát triển nhờ các cơ sở sản xuất đã nắm bắt được cơ chế mới, nhạy bén, thích ứng sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế theo đường lối của Đảng.
Xét về lịch sử làng nghề và làng có nghề ở huyện Tân Kỳ ta thấy mang tính  truyền thống, là trung tâm sản xuất hàng thủ công, quy tụ các nghệ nhân, thợ nghề nhiều kinh nghiệm và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề lâu đời, theo kiểu cha truyền con nối, có sự liên kết, hỗ trợ trong sản xuất, bán sản phẩm theo kiểu phường hội, hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm thủ công truyền thống vừa mang tính ứng dụng cao, vừa là những sản phẩm độc đáo, ấn tượng, tinh xảo, mang bản sắc văn hóa vùng miền. Nhờ có nghề và phát triển nghề mà các hộ có đời sống khá giả và giàu có.
Trải qua quá trình phát triển của kinh tế xã hội, làng nghề dần trở thành đơn vị kinh tế tiểu thủ công nghiệp, có vai trò, tác dụng tích cực rất lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Các làng có nghề và làng nghề ở Tân Kỳ hinh thành, tồn tại, trải qua bao thăng trầm và phát triển cho đến tận hôm nay, đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ của nó, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của ông cha, của thế hệ đi trước để lại và tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
- Qua điều tra sản phẩm làng nghề ở Tân Kỳ hiện nay cho ta thấy có những đặc điểm sau đây:
1. Sản phẩm Mật mía
Đây là sản phẩm được sản xuất từ cây mía, bằng thủ công, cây mía được ép lấy nước, nấu cô thành mật. Hiện tại có hai làng có nghề đang sản xuất với sản lượng lớn trong huyện, có trên 30 hộ làm nghề nấu mật mía ở xã Phú Sơn và Xã Tân Hương. Sản lượng sản xuất mật mía bình quân khoảng từ 147.000 - 159.000 lít mật/năm. Ngoài ra còn thu thêm một sản phẩm sau mật là mật rĩ đường (Rĩ mật), bình quân khoảng từ 4.500 – 5.100 kg rỉ mật/năm.
Việc sản xuất trước đấy ép mía bằng trâu, chỉ đạt 30 lít nước mía/ngày, nhưng lượng nước trong mía không thu hồi hết, rất lãng phí. Nay các hộ sản xuất, ép mía bằng máy đạt 600 lít nước mía/ngày, thu hồi hết lượng nước trong bã mía, nên rất có lợi về giảm chi phí giá thành. Từ khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, năm 2020 sản phẩm Mật mía của các hộ được cấp giấy chứng nhận sản phẩm vệ sinh, an toàn thực phẩm phẩm chuẩn OCOP, 3 sao, mật mía Tân Kỳ đã được chuẩn hóa về mọi mặt.
Ngoài Mật, các hộ sản xuất còn thu thêm một sản phẩm phụ nhưng rất có giá trị  kinh tế, đó là Mật rĩ đường (Rĩ mật).
2. Sản phẩm tơ tằm
Trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa là một nghề truyền thống lâu đời trên đất Tân kỳ. Ngày trước các hộ nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa để phục vụ gia đình có cái ăn, cái mặc là chủ yếu. Đến thời kỳ xuất hiện vãi, sợi công nghiệp thì nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa bị mai một. Ngày nay nhận thức được giá trị vãi lụa tơ tằm trên thị trường trong, ngoài nước thì nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa lại được khôi phục và phát triển ở nước ta nói chung, trong đó có một số làng nghề truyền thống ở Tân Kỳ nói riêng. Cụ thể ở xã Nghĩa Đồng hiện tại có khoảng 30 hộ vẫn duy trì nghề trồng dâu, nuôi tằm ở làng Sen, làng Sẻ. Sản phẩm chủ yếu kén tơ. Sản lượng hộ sản xuất ít cũng 40kg kén/năm, hộ sản xuất nhiều đạt 60 kg/năm. Năm 2019 – 2020 bình quân mỗi năm sản phẩm kén tơ bán ra thị trường trong, ngoài huyện từ 1.200 – 1.800 kg/năm. Năm 2021 do tình hình dịch bện COVID-19 đã giảm số hộ sản xuất và giảm số lượng sản phẩm.
Vấn đề sản xuất tơ tằm không phải khó khăn đầu ra mà bài toán nâng hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh hiện nay đòi hỏi các hộ trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ cần được các nhà khoa học và các cấp chính quyền quan tâm.
3. Sản phẩm đồ mộc
Nghề mộc truyền thống ở Tân Kỳ hầu như xã nào cũng có ít nhất từ 2-5 hộ, trong đó có làng nghề ở xã Nghĩa Hành và làng nghề mộc, cơ khí ở Khối 2, Thị trấn Tân kỳ là tương đối lớn và có nhiều chủng loại sản phẩm hơn.
Sản phẩm đồ mộc trên địa bàn huyện chủ yếu sản xuất mộc dân dụng phục vụ nhân dân trong vùng như giường, tủ, bàn nghế, xa lông và một số sản phẩm mộc cao cấp dành cho khách hàng có đơn đặt trước. Phần lớn nghề mộc hiện nay đã đầu tư máy móc và các loại phụ gia, phụ phẩm được chế biến trong, ngoaig nước, cho nên sản phẩm mộc có độ nét, mẫu mã đẹp hơn, có giá cao hơn.
Mẫu mã, giá cả sản phẩm đồ mộc đã thích ứng được với thị trường trong huyện và ngoài huyện nhờ có sẵn nguyên liệu sản xuất, giá nhân công rẽ hơn vùng đô thị.
4. Sản phẩn hàng thổ cẩm
Mặc dù hiện nay ở huyện Tân kỳ vẫn còn một số hộ đồng bào dân tộc Thái, Thổ ở xóm Minh thái, Bản giang, Bản cầy của xã Nghĩa Thái; xóm Hòa sơn, Môn sơn, Thái sơn của xã Phú sơn… vẫn sản xuất hàng thổ cẩm nhưng không nhiều bằng ở xã Tiên Kỳ, đặc biệt ở xóm Thái Minh.
Làng nghề dệt thổ cẩm ở xóm Thái Minh, xã Tiên kỳ đã có từ lâu đời và là làng duy nhất hiện nay ở Tân Kỳ được công nhận làng nghê thành truyền thống dệt thổ cẩm nhất vùng. Làng nghề này có 65 hộ/124 hộ trong xóm dệt thổ cẩm với 86 lao động chiếm 28,86% lao động trong xóm.
Sản phẩm hàng thổ cẩm của làng Thái Minh, xã Tiên Kỳ mỗi năm sản xuất ra từ 15.000 – 20.000,0 sản phẩm thổ cẩm các loại, doanh thu từ hàng thổ cẩm đem lại trên 2,6 tỷ đồng. Các nhóm sản xuất của làng nghề tích cực kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các huyện Con Cuông, huyện Anh Sơn và một số thị trường ngoài tỉnh Nghệ An. Sản phẩm thổ cẩm làng Thaí Minh, xã Tiên Kỳ đã tham gia hội chợ sản phẩm thương hiệu nông thôn năm 2012 do huyện và Hội chợ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2013 của tinh Nghệ An tổ chức.
Đánh giá tổng quát
Nghề truyền thống trên địa bàn huyện Tân Kỳ có thể được coi là gương mặt khác của làng xã Nông nghiệp, đây là một bộ phận không thể tách rời, thậm chí phát triển song hành cùng làng bao đời nay. Sự ra đời, phát triển và tồn tại của làng nghề  và sản phẩm từ các nghề ở các làng có nghề đã mạng lại rất nhiêu giá trị, từ sinh hoạt đời sống cho đến phát triển kinh tế, xã hội mà hơn thế nữa là còn lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa dân tộc hàng thế kỷ nay.
Làng nghề được tồn tại, phát triển là nhờ “sản phẩm nghề truyền thống sinh sôi, nảy nở thành hàng hóa”, đó là yếu tốt quyết định. Trước đây, làng nghề thủ công  và sản phẩm nghề phản ảnh đầy đủ thuộc tính tự cung, tự cấp và khép kín cố hữu của làng xã nông nghiệp. Ngày nay, nghề truyền thống ở Tân Kỳ đã biểu hiện tính năng động, sáng tạo của người nông dân trong quá trình thích ứng với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội nhất định, đồng thời thể hiện rất rõ yếu tố mở, của xã hội tiểu nông. Nghề truyền thống ở Tân Kỳ đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân nông thôn trong thời kinh tế thị trường và hội nhập.
Tuy vậy, sản phẩm truyền thống của các làng nghề ở Tân Kỳ còn bộc lộ những mặt hạn chế sau.
5. Những hạn chế của sản phẩm truyền thống làng nghề
Khó khăn lớn nhất của các làng nghề và sản phẩm làng nghề hiện nay là tìm thị trường tiêu thụ. Bởi lẽ, sản phẩm của làng nghề truyền thống do lao động thủ công là chính, có giá thành cao. Mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, ít cải tiến, sáng tạo; sản xuất vẫn theo mẫu cũ, chưa theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Chẳng hạn như nghề mộc đang dừng lại sản xuất hàng mộc dân dụng, chưa có hàng chạm trổ, điêu khắc; hay nghề tơ tằm cũng mới dừng lại sản phẩm tơ thô... Vấn đề quảng bá (Quảng cáo), Makettinh, còn rất hạn chế, việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.  Vì vậy, sản phẩm chưa được biết đến nhiều với người tiêu dùng và các thị trường trong, ngoài huyện, ngoài tỉnh. Đây là một thực tế khiến cho sản phẩm truyền thống làng nghề ở Tân kỳ chưa vươn xa trên nhiều thị trường. Mặt khác các làng nghề ở Tân kỳ hiện nay đang trong tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẽ, thiếu liên kết, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại vẫn là một khoảng cách lớn.
Công tác dạy nghề, truyền nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề. Mô hình đào tạo, tuyền nghề chưa thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia, nhất là lớp trẻ. Chất lượng đào tạo còn hạn chế và thiếu tính bền vững, điều này đã làm hạn chế việc giữ gìn, phát triển nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề trên địa bàn, nếu không được khắc phục thì làng nghề và sảm phẩm làng nghề ở Tân kỳ không những không phát triền mà có nguy cơ xóa sổ như một số nghề, làng nghề đã trình bày ở phần trên.
Cơ sở sản xuất của làng nghề truyền thống phần lớn chưa được đầu tư hợp lý, quy mô nhỏ, phương tiện sản xuất còn lạc hậu, lãng phí về nguyên vật liệu, giá thành sản phẩm cao, năng suất lao động thấp là những yếu tố làm cho sức cạnh tranh sản phẩm làng nghề trên thị trường thấp so với những sản phẩm cùng loại được sản xuất nhờ công nghệ hiện đại, đồng thời cũng tác động lớn đến sự duy trì, bảo tồn nghề, làng nghề trong tương lai.
Bên cạnh đó, một số làng nghề trong quá trình sản xuất vẫn gây ra tiếng ồn, khói, bụi, rác. Như nghề mộc, nghề nấu mật mía nhưng các hộ sản xuất hầu như không quan tâm. Đây cũng là vấn đề cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Với người quan sát và nghiên cứu “Thực trạng phát triển sản phẩm làng nghề ở huyện Tân Kỳ” xin đưa ra một số kiến nghị và đề xuất sau đây:

1. Vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề
Hiện tại người làm nghề vẫn phải lăn lộn tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm và chật vật giữ lấy nghề. Vì vậy, xin kiến nghị các cấp, các ngành chức năng, các nhà quản lý, nhất là cấp ủy, chính quyền huyện cần có chủ trương hiện đại hóa công nghệ trong các làng nghề sao cho sản phẩm làng nghề vừa bảo đảm tính nguyên tắc, nhưng  không mất đi tính truyền thống, tính độc đáo, độ tinh xảo và mang tính đặc thù, đặc trưng hiếm có của địa phương, hay gọi là “Đặc sản”.
Để sản phẩm làng nghề được vươn xa cần hỗ trợ việc quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề qua nhiều kênh khác nhau, nhất là việc tìm kiếm thị trường, trong đó tổ chức các cuộc triễn lãm, hội chợ thu hút khách hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư biết đến sản phẩm và đầu tư cho làng nghề phát triển.
2. Chú trọng công tác đào tạo nghề
Sản phẩn làng nghề ra đời đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của khách hàng và thị trường là kết tinh sức lao động của người lao động trong làng nghề. Sự kết tinh đó là óc sáng tạo, là sức lao động chuyên nghiệp được đào tạo của người thợ. Vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm đào tạo nghề cho lao động trong các làng nghề nói chung, trong đó có nghề truyền thống nói riêng bằng những chính sách cụ thể.
Thực tế, sản phẩm nghề truyền thống của các Làng nghề muốn hấp dẫn khách hàng thì phải có giá trị văn hóa nghệ thuật. Điều đó không thể thiếu vai trò của nghệ nhân, nghệ sỹ. Vì thế, muốn đột phá về mẫu mã, chất lượng sản phẩm truyền thống hiện đại phải có một chính sách đặc biệt với các nghệ nhân, nghệ sỹ còn lưu giữ nét tinh hoa văn hóa dân tộc bao đời nay trên đất Tân Kỳ.
Chú trong đào tạo nghề chính là vừa thực hiện chương trình phát huy, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của huyện, mang đậm tính nhân văn phục vụ cho việc phát triển du lịch và chương trình xóa đói giảm nghèo. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp hơn bao giờ hết chú trọng công tác dạy nghề để sản phẩm làng nghề của huyện ngày càng vươn xa hơn.
3. Ban hành chính sách về xây dựng làng nghề
Để làng nghề tiếp tục phát triển đúng hướng, khai thác tốt lợi thế, khắc phục tồn tại, hạn chế cần có một cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp, là điều hết sức cần thiết. Bởi vậy, đề nghị huyện, tỉnh có chính sách đầu tư mọi mặt cho làng nghề, đặc biệt là đầu tư công nghệ và chính sách hỗ trợ vốn, vay vốn cho các làm nghề.
Sớm có quy hoạch phát triển làng nghề tại các địa phương trên địa bàn huyện để các làng nghề liên kết, hợp tác sản xuất sảm phẩm và cùng phát triển. Mặt khác cũng cần du nhập thêm một số nghề mới, như nghề trồng hoa; nghề sinh vật cảnh, nghề sản xuất sản phẩm đặc sản; bảo tồn, phát triển rừng nguyên liệu, trồng gỗ quý cho chiến lược lâu dài.
Để làng nghề và làng có nghề tồn tại, phát triển bền vững, lâu dài cần quan tâm về công tác bảo vệ môi trường trong từng chương trình, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương ./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Tuấn – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật huyện Tân Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây