Triển khai mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa tại Yên Thành: Hướng đi mới trong sản xuất Nông nghiệp bền vững
Thứ năm - 12/09/2024 06:31430
Thực hiện Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022-2030, vụ Xuân năm 2024, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND huyện Yên Thành để triển khai mô hình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM trên cây lúa” với quy mô 10 ha tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành. IPHM là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể về: đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Nền tảng của IPHM là IPM, nhưng điểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận. Trong khi IPM tập trung vào kiểm soát dịch hại, IPHM hướng vào việc nâng cao sức khỏe cây trồng, chủ yếu bảo vệ và nâng cao sức khỏe đất. Cách tiếp cận IPHM được đánh giá là phù hợp với sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế. Mục tiêu của mô hình là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM trên cây lúa cho cán bộ và nông dân nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa một cách bền vững. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nông dân, giảm thiểu thiệt hại do dịch hại, giảm tác hại của thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình cũng nhằm tuyên truyền và nhân rộng diện tích ứng dụng IPHM vào sản xuất. Huyện Yên Thành được xem là vựa lúa của tỉnh Nghệ An. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của địa phương này đã đạt được nhiều thành tựu nhờ chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Đây là những điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình IPHM trên cây lúa. Mô hình được triển khai tại cánh đồng Bàn (xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành) với 77 hộ dân tham gia sản xuất, sử dụng các giống lúa chủ lực TX 111 và VT 868. Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn 7 đợt xuyên suốt từ đầu đến cuối vụ, rải đều theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Dưới sự hướng dẫn chi tiết của cán bộ và chuyên gia, nông dân đã được mở mang kiến thức và tiếp cận với các quy trình kỹ thuật trong sản xuất từ làm đất, điều tiết nước, gieo cấy, bón phân, chăm sóc, và phòng trừ sinh vật gây hại. Các hộ nông dân tham gia mô hình đã cấy thưa hơn, giảm số dảnh/khóm, do đó giảm được lượng giống và phân đạm Ure. Cây lúa trỗ tập trung trong thời gian ngắn, số bông/khóm và tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn so với ruộng đối chứng. Một số sinh vật gây hại như bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy nâu xuất hiện nhưng mức độ gây hại nhẹ, không ảnh hưởng đến năng suất. Tỷ lệ bệnh trên ruộng mô hình đều thấp hơn ruộng đối chứng. Việc áp dụng các kỹ thuật IPHM đã giúp giảm đáng kể sự gây hại của sinh vật gây hại, đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu, tạo tiền đề cho năng suất cao và giảm chi phí đầu tư. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết cũng giảm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thiết lập cân bằng hệ sinh thái và xây dựng nền nông nghiệp an toàn bền vững, nâng cao chất lượng nông sản.
Qua đánh giá các yếu tố cấu thành năng suất, mô hình IPHM có số hạt cao hơn so với ruộng làm theo tập quán của nông dân là 6,3 hạt/bông. Tỷ lệ hạt lép thấp hơn 3,9% và năng suất thực thu cao hơn 1,81 tạ/ha. Về hiệu quả kinh tế, mô hình IPHM giảm chi phí sản xuất về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Lãi thuần của ruộng mô hình IPHM cao hơn ruộng làm theo tập quán của nông dân hơn 2 triệu đồng/ha. Thông qua mô hình, nông dân đã nắm được nguyên tắc và biện pháp kỹ thuật của IPHM, sinh lý cây lúa từng giai đoạn, và các biện pháp tác động để cây lúa phát triển khỏe mạnh, chống chịu tốt với sinh vật gây hại. Nông dân cũng nhận biết được các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu, biện pháp quản lý dịch hại, và các yếu tố trong hệ sinh thái đồng ruộng để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM trên cây lúa đã được ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nhân dân đánh giá rất cao. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai nhân rộng mô hình IPHM trên toàn tỉnh, góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu./.