Ra mắt mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy cộng đồng
Chủ nhật - 21/08/2022 23:353720
Để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ tại khu dân cư, sáng 18/8, 2 phường Hồng Sơn, Trung Đô và Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và mô hình “điểm chữa cháy cộng đồng” tại cụm dân cư. “Từng nhà an toàn - từng khu, phố an toàn - từng xã, phường an toàn”, đó là phương châm mà buổi lễ ra mắt hướng tới.
Tham dự chương trình lễ ra mắt có đại tá Cao Minh Huyền - Phó Giám đốc Công an tỉnh, ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh. Theo thống kê, Nghệ An trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 119 vụ cháy, làm 09 người chết, thiệt hại về tài sản gần 9 tỷ đồng. Đặc biệt, có 47 vụ cháy nhà ở hộ gia đình và nhà ở để kết hợp kinh doanh làm 08 người chết, thiệt hại 1,3 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, nhất là các hộ gia đình kết hợp kinh doanh, vui chơi giải trí tập trung đông người… gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Từ những đặc thù trên, việc ra mắt các mô hình là yêu cầu cần thiết, phù hợp, nhằm thúc đẩy và phát huy tối đa hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an. Các mô hình ra mắt nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân chấp hành Luật phòng cháy chữa cháy; tuyên truyền, vận động nhân dân tự trang bị phương tiện, thiết bị về phòng cháy chữa cháy tại gia đình, đồng thời hướng dẫn một số kỹ năng xử lý khi có tình huống xảy ra.
Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” được thành lập thí điểm thông qua 2 tổ dân cư thuộc đường Cao Thắng (khối 23, phường Hồng Sơn) gồm 20 hộ gia đình liền kề trong khu dân cư. Bên cạnh đó, UBND phường Trung Đô cũng đã đưa ra mô hình “điểm chữa cháy công cộng” với 10 điểm chữa cháy công cộng tại 8 ngõ, 2 ngách thuộc địa bàn phường. Tại các điểm đều được trang bị đầy đủ hộp, bình chữa cháy, các dụng cụ phòng cháy chữa cháy.
Tại lễ ra mắt, người dân “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” còn được hướng dẫndiễn tập phương án chữa cháy ngay tại cụm dân cư của gia đình. Công tác diễn tập nhằm giúp các thành viên của tổ, người dân thuộc các mô hình nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại chỗ; kỹ năng ứng phó khi xảy ra cháy; cách thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy; kỹ năng dập tắt đám cháy khi có hỏa hoạn xảy ra và công tác cứu hộ, cứu nạn. Phát biểu tại lễ ra mắt, đại tá Cao Minh Huyền - Phó Giám đốc Công an khen ngợi và ghi nhận sự quan tâm, trách nhiệm của nhân dân địa phương cũng như lãnh đạo các ban, ngành trong trong công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Trong thời gian tới, đồng chí mong muốn Ban chỉ đạo cần chủ động bám sát, thường xuyên đổi mới nội dung để kịp thời điều chỉnh mô hình phù hợp tình hình thực tiễn của địa bàn. Mỗi cá nhân tham gia mô hình cần phải nâng cao tình thần trách nhiệm, lan tỏa tinh thần mô hình tới các cụm dân cư sinh sống. Đồng chí cũng đề nghị UBND thành phố cũng như UBND các xã, phường cần quan tâm, tạo điều kiện để Công an TP Vinh cũng như các cụm dân cư thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy; góp phần hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Bên cạnh đó, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu công an các huyện, thành thị nhân rộng các mô hình, trước ngày 15/10/2022 có ít nhất 1 mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và 1 mô hình điểm chữa cháy cộng đồng trên địa bàn. Đồng chí Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh tiếp thu ý kiến và giao nhiệm vụ cho UBND 25 phường, xã cần phát huy tốt vai trò của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan đơn vị trong việc quyết liệt triển khai, thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy theo phương châm “Từng nhà an toàn - từng khu, phố an toàn - từng xã, phường an toàn”. Cần tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở do UBND phường quản lý, xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về điều kiện phòng cháy chữa cháy. Triển khai cài đặt ứng dụng “báo cháy 114” đến toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, duy trì phong trào tháo dỡ “chuồng cọp” tạo lối thoát nạn thứ 2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh từ phường, xã. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng dân phòng, nhân viên làm việc, chủ cơ sở cho UBND thành phố quản lý.