Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng trên địa bàn tỉnh

Thứ bảy - 27/05/2023 02:04 235 0
Để chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong mùa nắng nóng, UBND tỉnh ban hành Công điện số 348/CĐ-UBND  ngày 25.5.2023 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoản thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH). Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo quyết liệt triển khai, thực hiện công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị và trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Trường hợp đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan nếu không triển khai đầy đủ các nội dung, biện pháp PCCC, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về PCCC. 
Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ
UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, triển khai lực lượng khảo sát địa bàn, khu vực cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao; tuyến đường, nguồn nước, bến lấy nước chữa cháy để phối hợp các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng triển khai các phương án đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, ưu tiên các địa bàn, cơ sở trọng điểm về nguy hiểm cháy, nổ như chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư kinh doanh tập trung có nhiều hàng hóa dễ cháy, các điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng... Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, PCCC cơ sở, chuyên ngành và lực lượng PCCC rừng. 
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá đối với các khu rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn để kịp thời phát hiện, đôn đốc, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, vi phạm; đồng thời, tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo triển khai các giải pháp căn cơ, phù hợp tình hình thực tế nhằm hạn chế tối đa cháy rừng xảy ra. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh để tổ chức làm việc, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn, bảo đảm tuyệt đối an toàn về PCCC và CNCH khi đưa vào hoạt động. 
Đồng thời, tăng cường công tác rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên địa bàn; trong đó, tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư kinh doanh tập trung có nhiều hàng hóa dễ cháy, các điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng.. trên địa bàn. Quá trình triển khai, kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định. 
Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ; bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời, hiệu quả các tình huống cháy, nổ xảy ra. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án chữa cháy và CNCH, đặc biệt tại những địa điểm, khu vực nếu xảy ra cháy, nổ có khả năng gây thiệt hại lớn về người, tài sản hoặc ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội; đồng thời, lựa chọn một số phương án phù hợp để tổ chức diễn tập chữa cháy, CNCH có sự phối hợp của nhiều lực lượng… 
Chủ động xây dựng phương án PCCC
Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và chính quyền địa phương trong việc rà soát, xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể để tiến hành tổ chức kiểm tra đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy trên địa bàn bảo đảm chất lượng, có hiệu quả. Chú trọng thực hiện phương án bảo vệ các khu rừng gắn với các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xác định và cảnh báo sớm các khu rừng có nguy cơ cháy cao để chủ động phòng ngừa. Chủ động xây dựng phương án và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. 
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm nguồn nước chữa cháy trong công tác quy hoạch, thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng thuộc thẩm quyền; đồng thời, phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống cấp nước PCCC trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xâm phạm bến, bãi lấy nước cho xe chữa cháy. 
Sở Công Thương thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, bán lẻ, tàng trữ, sử dụng các loại chất, hàng có đặc tính nguy hiểm cháy, nổ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không bảo đảm điều kiện kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp. Đông thời phối hợp với Công an tỉnh trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tô chức, người dân sử dụng an toàn điện và các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong phạm vi quản lý. 
Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Ban Quản lý các khu di tích trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các nội quy, quy định về sử dụng các phương tiện, công cụ dễ gây cháy tại các khu di tích và phối hợp triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại các khu di tích, nhất là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Khu tích Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Đền Chung Sơn, Đền thờ Vua Quang Trung, Đền ông Hoàng Mười. . . 
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy; cảnh báo các nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, cháy các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng và kỹ năng thoát hiểm... trên các phương tiện thông tin đại chúng. 
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo triển khai các phương án, biện pháp PCCC và CNCH tại các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp chữa cháy và CNCH khi có yêu cầu. 
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chủ trì, phối hợp Công an tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo nguồn nước chữa cháy trong công tác thẩm duyệt quy hoạch, thiết kế, cấp phép xây dựng cho các dự án, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng trong quản lý cấp phép, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về PCCC. 
Công ty Điện lực Nghệ An, Truyền tải điện Nghệ An chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn về PCCC từ hệ thống, thiết bị điện. Phối hợp với Công an tỉnh thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cách sử dụng điện an toàn, hiệu quả; nhất là việc sử dụng điện sau công tơ; đồng thời cảnh báo, khắc phục các nguy cơ gây ra cháy, nổ, chập điện, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm về nắng nóng, khi nhu cầu sử dụng điện trong nhân dân tăng cao. 
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An tăng thời lượng tuyên truyền kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH cho Nhân dân; phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả vào các thời gian cao điểm trong ngày góp phần làm giảm nguy cơ xảy ra cháy, nổ do các sự cố chạm chập, quá tải điện gây ra; phát tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng các cấp để người dân biết, sớm chủ động các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. 
UBND tỉnh đề nghị Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ phối hợp các đơn vị liên quan, thông tin kịp thời về tình hình thời tiết đến các đơn vị, địa phương, đặc biệt là tình hình thời tiết nắng nóng để từ đó kịp thời đề ra các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ xảy ra. 
Phê bình, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với đơn vị thực hiện không nghiêm túc công tác PCCC
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Trung tâm văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền pháp luật, kỹ năng về PCCC đối với người dân, tuyên truyền việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong các thời gian cao điểm; khuyến cáo các hộ gia đình không tích trữ xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng để phục vụ sinh hoạt; đặc biệt, tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân tại các địa bàn có rừng không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, xử lý thực bì tại các khu rừng và xung quanh khu vực rừng trong thời gian cao điểm về nắng nóng... 
Tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mô hình đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn quản lý. Củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong hoạt động PCCC; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi xảy ra cố cháy, nổ. 
Chỉ đạo UBND cấp xã, các lực lượng Công an, Kiểm lâm, chủ rừng tiến hành rà soát, kiểm tra đối với toàn bộ các khu rừng trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, vi phạm về an toàn PCCC; đồng thời, tham mưu đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để, hiệu quả đối với từng khu rừng. 
UBND các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, UBND thành phố Vinh chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác PCCC tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Khu di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đền thờ Vua Quang Trung, Đền Chung Sơn... tuyệt đối không để xảy ra cháy, nổ. 
Tiếp tục rà soát, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp xã thực hiện bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ được giao đối với các chỉ tiêu công tác được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 01/02/2023 về thực hiện Chỉ thị số 01/CT- TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; có hình thức biểu dương, khen thưởng đối với đơn vị thực hiện tốt, đồng thời lưu ý, phê bình, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với đơn vị thực hiện không nghiêm túc, thiếu hiệu quả, không bảo đảm tiến độ, chỉ tiêu được giao.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mặc dù không xảy ra các vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại về người và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Tuy nhiên, số vụ cháy còn xảy ra nhiều, theo thống kê, trong 05 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 79 vụ cháy vừa và nhỏ, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 1,8 tỷ đồng; các vụ cháy nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do bất cẩn trong việc sử dụng điện, nguồn nhiệt; nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH...

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây