Du lịch Nghệ An trên hành trình hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ sáu - 14/07/2023 05:18 476 0
- Ngành Du lịch Nghệ An đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút du khách. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nỗ lực lan tỏa thương hiệu
Trong kinh doanh du lịch, hoạt động xúc tiến, quảng bá giữ vai trò hết sức quan trọng, được xem là đòn bẩy để phát triển. Xác định được điều này, ngành Du lịch Nghệ An đã tích cực tham gia và tổ chức tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển. Mở đầu cho các hoạt động của mùa du lịch năm 2023 ngành Du lịch Nghệ An tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội để tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch trong tỉnh, mời gọi các công ty lữ hành hợp tác đưa, đón khách.
Đặc biệt, trong khuôn khổ hội chợ, ngành Du lịch Nghệ An đã phối hợp với ngành Du lịch các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến, quảng bá với chủ đề “Một hành trình – Bốn địa phương – Nhiều trải nghiệm”.
Với thông điệp “Nghệ An – Về miền ví, giặm”, ngành Du lịch của tỉnh đã tổ chức cho các đại biểu tham quan không gian trưng bày ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tập gấp, vật phẩm, sản vật giới thiệu về du lịch, thương mại, đầu tư; sản phẩm quà tặng du lịch, đặc sản vùng, miền của địa phương và giới thiệu sản phẩm mới, các sự kiện tiêu biểu và chương trình kích cầu năm 2023 của tỉnh.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, điểm du lịch, tour du lịch khám phá phố đi bộ và ẩm thực đêm tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các dịch vụ tắm biển nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các di tích lịch sử văn hóa.
Tăng cường giới thiệu các sản phẩm du lịch để thu hút khách đến với các huyện miền Tây như: Trải nghiệm chèo thuyền Kayak tại đảo chè (Thanh Chương); chinh phục đỉnh Puxailaileng cao 2.720m, khám phá cung đường Tây Nghệ; trải nghiệm săn mây, hái đào, mận, khám phá chợ phiên vùng biên Việt – Lào (Kỳ Sơn); leo núi (trekking) - đạp xe địa hình leo núi (mountain biking) từ Phà Lài, bản Xiềng đi bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông); trải nghiệm các farmstay gắn với chương trình du lịch nông thôn mới; lưu trú tại các homestay và giao lưu văn hóa cộng đồng tại các bản người Thái, người Mông…
Nhằm mở rộng hợp tác và phát triển du lịch, vào dịp cuối tháng 5, tỉnh Nghệ An tổ chức Đoàn Famtrip khảo sát các tuyến, điểm du lịch và kết hợp làm việc tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Đoàn đã làm việc với Hiệp hội Du lịch, Hội Doanh nghiệp, Sở Ngoại vụ thành phố Gwangju để cùng nhau trao đổi hợp tác xây dựng và bán các sản phẩm du lịch phục vụ khách Hàn Quốc đến Nghệ An và khách Việt Nam đến du lịch thành phố Gwangju.
Đề xuất chính quyền thành phố Gwangju sớm xây dựng phương án mở đường bay charter đến Nghệ An, tạo điều kiện cho khách du lịch và hoạt động giao thương giữa hai bên theo biên bản đã được ký kết.
Có thể kể thêm một số hoạt động nổi bật trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch của Nghệ An như đón và hướng dẫn đoàn Famtrip thành phố Hồ Chí Minh; đoàn các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội khảo sát các điểm đến trên địa bàn. Đây là nội dung quan trọng trong việc thực hiện thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng nhằm kết nối, xây dựng các sản phẩm, chương trình tham quan của du khách trong hành trình về nguồn, trở lại miền Trung.
Tiếp đến là hội thi chế biến món ăn từ sen nhằm quảng bá nét đẹp của văn hóa ẩm thực xứ Nghệ và sức hấp dẫn của những món ăn bắt nguồn từ đồng quê dân dã; phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng và khẩu hiệu du lịch Nghệ An. Bên cạnh đó, ngành Du lịch thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, sử dụng mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch, hình ảnh đất và người Nghệ An.Tổng cộng 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đạt 4.900.000 lượt (bằng 122% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó khách lưu trú đạt 3.160.000 lượt, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế đạt 32.500 lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 11.491 tỷ đồng (bằng 142% so với cùng kỳ năm 2022). Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch.
Định hình rõ đường hướng
Chuẩn bị khởi động mùa du lịch năm nay, ngành Du lịch Nghệ An đã mở nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bởi lẽ, từ năm 2022 thực hiện khôi phục, mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới”, một bộ phận lớn người lao động trong lĩnh vực du lịch chuyển sang ngành nghề khác dẫn đến nguồn nhân lực bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Đến năm 2023, nguồn nhân lực đã được cải thiện nhưng trước băn khoăn về cả số lượng và chất lượng, ngành Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn như: Kỹ năng giao tiếp, quản lý, buồng, bàn, lễ tân, hướng dẫn viên cho các địa phương và cơ sở kinh doanh du lịch. Qua đó, đảm bảo chất lượng phục vụ, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Trong phát triển du lịch, việc xây dựng sản phẩm mới của địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thu hút và “giữ chân” du khách. Năm 2023, ngành Du lịch Nghệ An đã tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Cụ thể, Sở Du lịch tổ chức Đoàn khảo sát xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch tại địa bàn các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương.
Trong đó, tập trung khảo sát một số điểm tại xã Bình Chuẩn, cung đường trekking trong rừng quốc gia Pù Mát (Con Cuông) và khảo sát cung đường trekking rừng săng lẻ xã Tam Đình (Tương Dương). Qua đó, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái trên cơ sở liên kết hình thành các tour du lịch trên địa bàn.
Đặc biệt, kết quả nổi bật của ngành Du lịch Nghệ An trong thời gian gần đây phải kể đến việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Chiến lược này có ý nghĩa như một tấm “bản đồ” chỉ rõ đường hướng, từng bước phát triển cho ngành Du lịch của tỉnh trong lộ trình đến năm 2030 và mở rộng đến năm 2035.
Mục tiêu của chiến lược được xác định đến năm 2030 Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9 - 10%.
Đến năm 2035 Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10 - 12%.
“Sở đang xây dựng Đề án thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực du lịch và tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước về du lịch, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn Nghệ An. Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết phát triển và thực hiện chuyển đổi số; chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên phục vụ tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch...”.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây