Phát triển du lịch nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba - 01/03/2022 09:59 703 0
Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phát triển du lịch nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới  bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ngày 22/2/2022, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số: 263/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trong đó Phát triển du lịch nông thôn là một trong những nội dung quan trọng. Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển du lịch nông thôn là định hướng đúng đắn, đây là tiềm năng để phát triển du lịch, hoàn thành mục tiêu kép trong xây dựng NTM.
1. Vai trò ý nghĩa Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Việt Nam là nước có nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, nông thôn ở nước ta là khu vực rộng lớn và đông dân nhất, đa dạng về thành phần tộc người, về văn hóa, là nơi bảo tồn, lưu giữ các phong tục, tập quán của cộng đồng, là nơi sản xuất quan trọng làm ra các sản phẩm cần thiết cho cuộc sống con người.
Trong thời gian qua nhiều chương trình phát triển nông thôn được triển khai có hiệu quả góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn với các giá trị văn hóa, cảnh quan của địa phương. Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân từ hoạt động du lịch mang lại.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngành Nông nghiệp đang triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) rất thiết thực, ý nghĩa với người nông dân và phát triển du lịch. Sản phẩm OCOP cũng chính là một phần của sản phẩm du lịch. Du lịch cần OCOP để làm phong phú, hấp dẫn sản phẩm của mình, OCOP cần du lịch để nâng cao giá trị, biến các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống thành những sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn du khách là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là cơ sở để phát triển theo định hướng gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch, nhất là với những địa phương có tiềm năng, thế mạnh. Xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn là hướng phát triển bền vững, góp phần hoàn thành tiêu chí NTM và đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng, tiến tới mũi nhọn.
Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng NTM bền vững.
Về mặt xã hội, du lịch nông thôn góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội; du lịch nông thôn còn góp phần phục hồi, bảo tồn văn hóa; góp phần “không để ai lại phía sau”, tạo vai trò tích cực của du lịch nông thôn trong việc làm và giới.
Về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ, làm đa dạng về ổn định kinh tế, tăng đầu tư…  
Về môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái; làm mới các làng xã, xanh sạch; nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp.
Du lịch nông thôn đang là xu thế, tiềm năng phát triển DLNT là rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân nông thôn, đặc biệt là tại Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long... Các mô hình không chỉ đem lại kinh tế mà bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, an sinh xã hội ở các địa phương.Điều cần làm là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương. Các mô hình du lịch nông thôn rất đa dạng, đảm bảo được giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái của từng địa phương.
Việc phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, với mục đích phát triển du lịch nông thôn bền vững, bao trùm, đa giá trị nhằm khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và tự nhiên đặc sắc gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo…”.  Nông thôn nói chung có cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng kho tàng văn hóa bản địa, tập tục và lối sống, ẩm thực phong phú. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển mạnh loại hình du lịch nông thôn, cộng đồng.
2. Thực trạng Phát triển du lịch nông thôn thời gian qua
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, du lịch nông thôn hiện nay với các loại hình là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch nông thôn hiện đang khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao,… Trong thời gian qua, đã có 1.300 điểm du lịch trong cả nước, trong đó, có 70% điểm du lịch ở vùng nông thôn, hiện cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch.
Du lịch nông thôn (DLNT) hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, phát triển tự phát. Hiện có nhiều hình thức tổ chức khai thác du lịch nông thôn như: Hộ gia đình tự đầu tư, khai thác và kinh doanh dịch vụ du lịch, phổ biến theo homestay với việc thu hút du khách lưu trú tại gia đình, thường trải nghiệm nếp sống, văn hoá và ẩm thực cùng hộ gia đình. Hiện nay, nhiều hãng lữ hành tổ chức các tour du lịch nông nghiệp, đưa khách tới những khu vực sản xuất nông nghiệp có không gian, cảnh quan, môi trường văn hóa mang đặc trưng của vùng nông thôn. Các dịch vụ bổ trợ trong hoạt động DLNT ngày càng đa dạng và sáng tạo, như dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược địa phương, tham gia lễ hội truyền thống, thưởng thức ẩm thực, chụp ảnh theo các mùa hoa, trái... Các hoạt động DLNT đã đem lại những đóng góp tích cực cho cả ngành du lịch và khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển.
DLNT góp phần tạo ra bản sắc, tính độc đáo của điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam tạo ra tour tuyến mới, mở rộng không gian du lịch, đồng thời đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương như góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững. Việc phát triển DLNT đã góp phần xây dựng NTM bền vững, nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn, đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và chất lượng. Bộ NN&PTNT xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững. Nông thôn phát triển cũng là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững lĩnh vực du lịch.
Trong những năm qua, du lịch nông thôn đã góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP và phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền. Đảng và nhà nước các cấp đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra đời, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Cùng với những thay đổi căn bản về diện mạo ở các vùng nông thôn, ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng, có thể khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Công tác quy hoạch phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, phát triển các sản phẩm OCOP đa dạng, đặc trưng, đạt tiêu chuẩn; đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển du lịch; hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư vào khu vực nông nghiệp gắn với dịch vụ, bảo vệ môi trường nông thôn được quan tâm, các cơ chế, chính sách và các nguồn lực xã hội trong đó có nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Việc đưa sản phẩm du lịch vào Chương trình OCOP gắn với xây dựng NTM là hướng đi đúng đắn, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng nông thôn, phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch và nâng cao giá trị những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề trở thành một sản phẩm của du lịch. Những làng chài ven biển, những làng chuyên canh rau, chuyên canh hoa, làng nghề truyền thống, làng văn hóa các đồng bào dân tộc… đều có thể trở thành điểm đến thu hút khách du lịch nếu được đầu tư xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch.
Du lịch nông thôn hiện nay diễn ra dưới các hình thức cộng đồng đầu tư, quản lý, khai thác du lịch; bao gồm: Mô hình Hợp tác xã, Mô hình Ban quản lý du lịch cộng đồng; Mô hình Tổ hợp tác, quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh phù hợp với năng lực hạn chế của cộng đồng; Mô hình du lịch cộng đồng, có sự phối hợp cùng chính quyền địa phương và các doanh nghiệp; Mô hình câu lạc bộ du lịch, bao gồm cả doanh nghiệp, cộng đồng cùng làm du lịch... Hình thức doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông thôn, là loại hình khá phổ biến, với sự tham gia của các doanh nghiệp ở quy mô và tính chất chuyên nghiệp khác nhau, đã góp phần cải thiện cảnh quan nông thôn, tạo việc làm cho lao động địa phương, tuy nhiên so với các hình thức khác ý nghĩa lan toả trong nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn không cao bằng.
Một hình thức khai thác du lịch nông thôn khác đó là đầu tư trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch. Cùng với đó là hình thức liên kết với giữa tổ chức, cá nhân và cộng đồng địa phương cung ứng dịch vụ du lịch, đây là hình thức phát triển kết hợp giữa nhiều hình thức trên, nên nếu được phát triển đúng hướng, có sự giám sát phù hợp sẽ phát huy được tối đa lợi thế của từng hình thức.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển DLNT còn rất hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm DLNT của nhiều địa phương hiện chưa đặc sắc, khách du lịch hạn chế, chủ yếu vẫn là khách trong nước và khách tại chỗ. Số lao động tham gia vào lĩnh vực DLNT chưa nhiều. Mô hình tổ chức DLNT chủ yếu mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp.
Du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, phát triển mang tính chất tự phát. Theo chủ thể khai thác, cung ứng dịch vụ du lịch, có nhiều hình thức tổ chức khai thác du lịch nông thôn như: Hộ gia đình tự đầu tư, khai thác và kinh doanh dịch vụ du lịch, phổ biến theo các homestay với việc thu hút du khách lưu trú tại gia đình, thường trải nghiệm nếp sống, văn hoá và ẩm thực cùng hộ gia đình, quy mô nhỏ. Hiện nay, mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát và chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển chủ yếu hiện nay lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương.
Có thể nói, đến thời điểm này, cơ chế, chính sách về DLNT hầu như chưa được thống nhất và ban hành ở cấp Trung ương; mà chỉ có ở phạm vi các địa phương do nhu cầu về phát triển DLNT…
3. Mục tiêu, Nội dung phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025
Với mục tiêu của chương trình là phát triển, chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông thôn ít nhất 1 điểm đến du lịch nông thôn/tỉnh (thành phố) được công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn. Đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với OCOP, có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP3 sao trở lên được số hóa và kết nối, quảng bá bằng công nghệ số; 100% điểm đến du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá 50% điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử; 70% lực lượng lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; Xây dựng hệ thống dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 gồm 4 nhiệm vụ trọng tâm:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới;
- Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền triển du lịch nông thôn: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị...
- Nâng cấp, đầu tư các điểm đến du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Nâng cấp, đầu tư các điểm đến du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Điều tra, khảo sát thực trạng phát triển du lịch nông thôn trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống mạng lưới điểm đến du lịch nông thôn, đề xuất hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bộ một số điểm đến, sản phẩm du lịch tiêu biểu tại khu vực nông thôn; điều tra chi tiêu của khách du lịch.
- Hỗ trợ đầu tư và xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu tại một số địa phương như du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao, du lịch làng nghề; xây dựng làng du lịch thông minh... 
4. Giải pháp phát triển du lịch nông thôn trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025
Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn 2012-2025 gắn với xây dựng NTM theo hướng bền vững, cần ưu tiên tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn: cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho du lịch nông thôn, (đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý DLNT, hỗ trợ DLNT, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn...).
Xây dựng và ban hành chính sách quản lý, hỗ trợ, ưu đãi cho từng loại hình du lịch nông thôn…; xây dựng bản đồ du lịch nông thôn, trong đó, chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, miền, địa phương trên cơ sở liên kết hình thành tuyến. Sản phẩm du lịch được xây dựng cần đảm bảo 3 yếu tố: đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị
Thứ hai, huy động nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn: quan tâm đầu tư của nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế làm nền tảng để huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy được các nguồn lực tại địa phương vào việc phát triển DLNT, xây dựng nông thôn mới.
 Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình khảo sát kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn với các doanh nghiệp lữ hành quy mô cấp vùng, cấp quốc gia, hướng dẫn, khai thác, đánh giá sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; Hỗ trợ kết nối các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch.
Xây dựng, chuẩn hóa các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về  phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Tổ chức bồ i dưỡng, tập huấn, đào tạo nghề du lịch cho người dân nông thôn.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch nông thôn. Các địa phương cần có những kiến nghị để có thể phát triển ngành du lịch nông thôn bản địa. Các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư chuyển đổi số, nâng cao tăng cường năng lực, kết nối cho người nông dân phát triển du lịch nông thôn. Việc ứng dụng công nghệ số là công cụ, giải pháp kết nối nhanh nhất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn với khách du lịch.
Hỗ trợ nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch và tuyên truyền quảng bá du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Xây dựng chương trình đánh giá chất lượng điểm đến, chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn; bộ tiêu chí về công nhận điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; hướng dẫn địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ triển khai thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn; dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Thứ năm, xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn và thứ sáu, tăng cường hợp tác về du lịch nông thôn.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn quy mô cấp vùng, cấp quốc gia; Triển khai các hoạt động phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP.
Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn tới theo hướng bền vững, cần có các định hướng giải pháp phát triển du lịch nông thôn phải đảm bảo các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm. Các mô hình phát triển du lịch nông thôn phải phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương./. 

Tác giả bài viết: Quang Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây