Quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số Nghệ An trong bối cảnh hiện nay

Thứ hai - 12/08/2024 22:51 236 0
Quản lý văn hóa là vấn đề cơ bản, là công tác quan trọng của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Quản lý văn hóa thể hiện trên phương diện xây dựng và thực hiện chính sách văn hóa, và cả trên phương diện tổ chức thực hành văn hóa một cách phù hợp. Quản lý văn hóa vừa là công việc của các cơ quan trong ngành văn hóa cùng các cơ quan liên quan, cũng là công việc của các cộng đồng, của các nhóm hội và toàn thể người dân. Trong bối cảnh hiện nay, quản lý văn hóa cần phải được quan tâm chặt chẽ hơn, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số.
Quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số Nghệ An trong bối cảnh hiện nay
1. Đặc điểm của văn hóa vùng dân tộc thiểu số Nghệ An
Vùng dân tộc thiểu số Nghệ An là một vùng văn hóa đa dạng và phong phú. Người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng miền núi phía Tây. Xét theo cấp xã và huyện thì các dân tộc thiểu số ở Nghệ An sống xen kẽ với nhau theo thế cài răng lược. Xét theo cấp độ bản thì những bản chỉ có một tộc người sinh sống là chủ yếu, cũng có một số bản có nhiều tộc người sinh sống. Hơn nửa thế kỷ qua, người Kinh di cư lên miền núi nhiều, nhưng chủ yếu sống ở vùng trung tâm huyện thị. Gần đây, có nhiều người Kinh vào các làng bản sinh sống xen kẽ với đồng bào nhưng số lượng này không nhiều.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ văn nghệ dân gian dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp (Ảnh sưu tầm)
Trong các dân tộc thiểu số ở Nghệ An thì mỗi dân tộc lại có nhiều nhóm khác nhau. Khác với người Thái ở Tây Bắc phân chia thành hai nhóm chính là Thái Đen và Thái Trắng, thì Thái ở Nghệ An phân chia theo các nhóm địa phương như Tày Thanh (Man Thanh),  Tày Mười, Hàng Tổng. Mỗi nhóm lại có những đặc trưng riêng mang sắc thái địa phương. Ngay cả trong cùng một nhóm nhưng ở các địa phương khác nhau cũng có những nét khác nhau trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa với các nhóm khác. Trường hợp dân tộc Thổ lại còn phức tạp hơn. Đây là một tộc người được tạo thành từ nhiều nhóm địa phương khác nhau có một số nét đặc trưng văn hóa giống nhau. Trong Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam thì dân tộc Thổ gồm các nhóm Tày Poọng, Đan Lai, Cuội, Kẹo, Mọn… Nhưng trong các nhóm này cũng có nhiều sự khác biệt nhau rất lớn. Các nhóm Kẹo, Cuội, Mọn ở vùng Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa chủ yếu có nguồn gốc di cư từ miền xuôi lên. Còn trường hợp người Tày Poọng là một cộng đồng đặc thù, có tên gọi riêng và ngôn ngữ riêng. Dù có những đặc trưng khá tương đồng nhưng người Tày Poọng vẫn coi họ là một tộc người, và họ còn khoảng 15 ngàn người đồng tộc đang sinh sống bên Lào. Người Đan Lai cũng vậy, họ có một số nét gần gũi với Tày Poọng nhưng không giống với các nhóm còn lại trong dân tộc Thổ. Như vậy, chỉ một dân tộc Thổ thôi đã đủ sự đa dạng từ các nhóm địa phương khác nhau. Bên cạnh đó, các dân tộc khác như Khơ Mú, Mông, Ơ Đu cũng có những sắc thái địa phương khác nhau, tạo nên một bức tranh dân tộc vô cùng đa dạng.
Trong quan hệ dân tộc, ở miền núi Nghệ An cũng rất đa dạng. Miền Tây Nghệ An là một địa bàn trung chuyển của nhiều hệ sinh thái khác nhau và cũng là điểm gặp gỡ của nhiều nền văn hóa khác nhau. Các tộc người ở miền Tây Nghệ An cũng là khu vực vùng đệm của nhiều dòng chảy dân cư khác nhau hội tụ về đây. Những người Thái, Mông từ phía Bắc di cư vào Nam và dừng lại sinh sống ở đây trong vài ba thế kỷ qua mà trong tên gọi vẫn còn gợi nhớ lại (nhóm Tày Thanh chủ yếu là người từ Mường Thanh di cư vào, nhóm Tày Mười chủ yếu từ Mường Muổi di cư vào…) hay các tộc người Khơ Mú, Mông di cư từ Lào sang phía Đông cũng dừng lại đây sinh sống. Rồi các nhóm người Thổ di cư từ vùng đồng bằng lên phía Tây cũng sinh sống và dần nhập vào trong các nhóm khác như Cuội, Kẹo, Mọn, Tày Poọng, Đan Lai… Trong lịch sử lâu dài đó, các cộng đồng này còn giữ những mối liên hệ với các nhóm đồng tộc ở quê cũ mà tổ tiên họ đã rời đi. Các nhóm Thái, Mông ở phía Bắc vào vẫn giữ quan hệ với đồng tộc ngoài Bắc; nhóm Khơ Mú, Mông hay Ơ Đu vẫn giữ liên hệ với đồng tộc ở  bên Lào, và cả những người Thổ vẫn có quan hệ chặt chẽ với người trong họ ở miền xuôi mà họ xác định được.
2. Quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số từ hệ thống chính trị
Trước hết phải nói đến công tác xây dựng chính sách liên quan đến quản lý, bảo tồn, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Công tác phối hợp thực hiện: Quyết định số 2165/QĐ-UBND, ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Quyết định số 84/2006/QĐ.UBND ngày 24/8/2006 của UBND tỉnh Nghệ An về việc “Ban hành quy định về một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiếu số tỉnh Nghệ An”. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao đã tham mưu ban hành và triển khai được nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác dân tộc như: Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy Nghệ An về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết 05/NQ.TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; Kế hoạch 467/KH-UBND ngày 28/7/2017 của UBND tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện Nghị quyết 05/NQ.TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; Kế hoạch hành động số 307/KH-UBND, ngày 06/6/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình 10- CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 4638/QĐ- UBND ngày 09/10/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025… Những chính sách này khi đi vào cuộc sống đã góp phần quản lý, bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số.
Dựa trên các chính sách Nhà nước đã ban hành, ngành văn hóa cùng các cơ quan liên quan đã thực hiện nhiều công tác quan trọng liên quan đến việc quản lý, bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung vào các công việc chính như:
Hàng năm đã chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai các dự án thành phần, thông qua đó đã tiến hành bảo tồn được số lượng lớn các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước duy trì, phát huy và phát triển phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Nghệ An, đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện nay có 01 di sản được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia năm 2017 (Lễ Xăng khan dân tộc Thái Nghệ An), 01 di sản đang tiếp tục chỉ đạo làm hồ sơ (Chữ viết dân tộc Thái). Từ năm 2011-2015, Sở Văn hoá Thể thao đã phối hợp và tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 21 huyện, thành, thị, trong đó có 11 huyện miền núi. Qua phân tích, tổng hợp kết quả kiểm kê, toàn tỉnh có 960 di sản với 5.482 phiếu, gồm: Lễ hội truyền thống: 92 di sản 123 phiếu; Tiếng nói chữ viết: 28 di sản 936 phiếu; Nghề thủ công truyền thống: 93 di sản 846 phiếu; Nghệ thuật trình diễn dân gian: 111 di sản 909 phiếu; Tri thức dân gian: 279 di sản 1.152 phiếu; Ngữ văn dân gian: 122 di sản 302 phiếu; Tập quán xã hội: 235 di sản 1.254 phiếu gồm đầy đủ các loại hình di sản (Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian), sau khi kiểm kê Sở Văn hoá Thể thao đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tiến hành bảo tồn và từng bước phát huy giá trị. Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số rất phong phú, đặc sắc với các làn điệu dân ca, dân vũ: nhuôn, xuối, lăm, khắp; nhảy sạp, khắc luống; nghề thủ công truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát... Di sản văn hóa phi vật thể đồng bào Thổ tiêu biểu có điệu hát đu đu điềng điềng, tập tình tập tang, dân tộc Mông có cự xia, lù tố, vàng hủa, Khơ-mú có hát Tơm khá phổ biến... Các di sản này đã thể hiện được đặc thù văn hóa của từng tộc người, đồng thời góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng miền Tây Nghệ An. Hiện nay, nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của 11 huyện miền núi đã được kiểm kê, bảo vệ. Công tác xếp hạng di tích đối với các huyện miền núi cũng được các cấp chính quyền quan tâm.
Bên cạnh đó, còn tổ chức xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ các đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh. Thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như lễ hội Cầu mùa, lễ hội Xăng khan, lễ hội Lồng tồng, lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), lễ hội Đền Choọng (Quỳ Hợp) của dân tộc Thái; lễ hội Xuống giống, lễ hội Cầu mưa, lễ hội Mừng cơm mới, lễ hội mừng nhà mới của dân tộc Khơ-mú; Lễ hội Xuân của dân tộc Mông; Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu; hay Tết Đoan Ngọ, Trung Nguyên, Tết cơm mới, Lễ xuống đồng của người Thổ. Các lễ hội trên của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An chính là các lễ hội văn hóa truyền thống được cộng đồng các dân tộc duy trì, phát huy cho đến ngày nay. Đây là loại hình văn hóa mang giá trị tâm linh, phản ánh đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Trong từng hoạt động của lễ hội đều gắn liền với các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian riêng biệt. Tiếng khèn, điệu pí hay các làn điệu dân ca luôn vang lên (chủ yếu ở phần hội) làm say đắm lòng người, là sợi dây vô hình kết nối con người hòa chung vào không gian đó. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã phục dựng được một số lễ hội truyền thống như Lễ hội Đền Vạn Cửa Rào, Pu Nhạ Thầu, Đền Chín gian, Đền Choọng... Sau khi phục dựng lại các lễ hội trên, công tác tổ chức lễ hội đã đi vào hoạt động một cách hiệu quả, thiết thực.
Lễ Xăng Khan - ngày hội tưng bừng của đồng bào dân tộc Thái (Ảnh sưu tầm)
3. Quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số dựa vào các thiết chế truyền thống
Thiết chế xã hội truyền thống một mặt vừa là nhân tố nằm trong văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, mặt khác, nó cũng là công cụ để quản lý văn hóa và góp phần vào việc bảo tồn, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Thiết chế truyền thống quan trọng của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An gồm có dòng họ, gia đình, làng bản. Cùng với đó là vai trò của một số cá nhân như già làng, trưởng bản, trưởng họ, thầy mo, thầy lang…
Dòng họ là một thiết chế quan trọng trong hầu hết các tộc người, là mối quan hệ chặt chẽ dựa vào huyết thống. Trước đây, các dòng họ phân chia vai vế khác nhau nhưng hiện nay thì đều bình đẳng như nhau. Dù thời điểm nào, các dòng họ cũng có vai trò quan trọng trong các việc liên quan đến hôn nhân, tang ma, nghi lễ thực hành đời sống tâm linh và cả việc cai quản ở làng bản đối với các dòng họ lớn. Với người dân tộc thiểu số, cùng một họ là cùng một ma nên dễ thông cảm và chia sẻ cho nhau. Dòng họ cũng có những giá trị nhất định trong việc tạo lập mạng lưới xã hội rộng rãi để phát triển. Dòng họ không chỉ tạo mối liên kết chặt chẽ các gia đình ở gần nhau mà còn tạo ra mạng lưới xã hội ở nhiều địa phương khác nhau để tăng cường cơ hội phát triển. Hiện tại, cần phát huy vai trò của dòng họ trong các vấn đề liên quan đến bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tâm linh và trao truyền các tri thức liên quan đến lịch sử, các kinh nghiệm sản xuất và các trải nghiệm văn hóa của các thế hệ. Như một già làng người Thái ở huyện Con Cuông nhấn mạnh: “Cần xem dòng họ là một thiết chế mà qua đó có thể truyền tải các chính sách phát triển vào cho người dân, nhưng tránh việc chia rẽ bè phái theo các dòng họ, ưu đãi người trong họ và làm sai đường lối chính sách nhà nước. Dòng họ cũng có nhiều sinh hoạt văn hóa tốt đẹp, từ thờ cúng tổ tiên, lễ tết hàng năm, cùng với đó là những hoạt động văn hóa khác mà nếu khôi phục lại có thể thu hút được khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm”. Phát huy vai trò các thiết chế truyền thống trong quản lý, bảo tồn và phát triển văn hóa cần nhấn mạnh đến thiết chế gia đình. Đây là môi trường giáo dục và truyền thụ cơ bản về tri thức văn hóa, thực hành văn hóa và hoạt động nghề truyền thống. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống bị mai một do một thời quá đề cao tập thể mà coi nhẹ vai trò của gia đình trong các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa. Trong xã hội truyền thống, các nghề thủ công như dệt may, thêu, đan lát, các bài hát dân ca, các phong tục tập quán... trước đây đều được truyền thụ trong gia đình. Một người mẹ dạy cho con biết dệt, may, thêu, biết múa hát từ lúc còn bé..., một người cha cũng dạy con đan lát, làm nương, đánh cá..., các phong tục tập quán cũng được cha mẹ truyền dạy trong quá trình trưởng thành của một người. Với một người phụ nữ, lúc còn bé đã phải học rất nhiều thứ. Con gái được mẹ dạy cho dệt, may, thêu, nấu ăn, hát, múa..., không được học trên trường lớp nên học ở nhà là quan trọng nhất. Nhưng ai không làm tốt những việc đó sẽ không được bạn bè yêu mến, khi lớn lên cũng không được nhiều người con trai yêu thích. Còn những người mẹ mà không dạy được con khéo léo trong chuyện may thêu, nấu nướng và múa hát thì cũng bị coi là kém cỏi. Cứ như vậy, qua các thế hệ truyền nối nhau mà các nét văn hóa này được lưu giữ và bổ sung thêm.

Nói đến các thiết chế truyền thống tộc người không thể không bàn đến vai trò của một số cá nhân có vị trí quan trọng trong các thiết chế đó. Đó chính là những người già làng, trưởng bản, trưởng họ, thầy mo... Ngày nay, người ta sử dụng thuật ngữ “người có uy tín” để chỉ một số người được chính quyền, cộng đồng tôn trọng và được kết nối lại thành một hệ thống làm nhiệm vụ giúp đỡ chính quyền địa phương. Hầu hết các bản vùng dân tộc thiểu số đều có những “người có uy tín” được xã công nhận và nhận chế độ đãi ngộ là hàng tháng được biếu 1 tờ báo Nghệ An và mỗi năm được nhận 400-500 ngàn đồng vào dịp tết. Trách nhiệm của những người này là giúp đỡ chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách hay trấn an người dân khi có các sự cố xảy ra, tư vấn cho chính quyền các việc liên quan đến cộng đồng. Và trong nhiều trường hợp, những người này cũng thể hiện được tiếng nói của mình. Đối với nhiều cộng đồng, người dân có tâm lý ngại đến cơ quan chính quyền cũng như ngại giao lưu trao đổi người ngoài. Các chính sách của xã đều khó đến với họ một cách trực tiếp mà phải qua một người đứng ra diễn giải, tuyên truyền. Vậy nên những người uy tín, già làng, trưởng bản… là những người được cộng đồng tin tưởng, tôn trọng nên đã giúp đỡ được chính quyền rất nhiều. Khi họ nói thì gần như mọi người ở đó đều nghe theo. Khi họ làm trước thì họ cũng làm theo. Về danh nghĩa, những “người có uy tín” được “dân bầu xã cử” vào vị trí này nhưng rõ ràng vai trò xã hội của họ còn nhiều hạn chế, chưa thiết thực. Những già làng, trưởng bản, trưởng họ, thầy mo trong xã hội truyền thống là những người không chỉ có vị thế chính trị trong làng bản mà còn có vai trò văn hóa vô cùng quan trọng. Họ đứng ra tổ chức các hoạt động từ văn hóa sản xuất, văn hóa sinh hoạt đến văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của cộng đồng. Từ đó gìn giữ và truyền đạt các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ.
Tóm lại, các thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của các tộc người là bộ xương khung tạo nên nền văn hóa truyền thống của họ. Và hiện nay, khi các thiết chế văn hóa xã hội truyền thống bị phá vỡ thì kéo theo đó là sự mai một của các truyền thống văn hóa tộc người. Muốn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển thì cần phải xem xét và phát huy được vai trò của các thiết chế truyền thống trên cơ sở tích hợp được những giá trị tích cực của các thiết chế mà trên đây là một vài gợi mở để tham khảo.
4. Những vấn đề cấp thiết để đẩy mạnh công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số
Già làng, trưởng bản trong xã hội truyền thống có vai trò văn hóa vô cùng quan trọng
Ảnh: Ông Vi Thái Bình - già làng uy tín tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn)  (Ảnh sưu tầm)
Văn hóa vùng dân tộc thiểu số đang biến đổi mạnh mẽ và phức tạp. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một nhanh chóng, trong khi các giá trị văn hóa mới xuất hiện nhưng chưa được sàng lọc chặt chẽ nên nhiều khi còn tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. Để đẩy mạnh công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số hiện nay, cần quan tâm đến một số vấn đề cấp thiết.
Trước hết là kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao năng lực phối hợp, kết nối giữa các cơ quan, ban ngành và các hội nhóm liên quan để tăng cường sức mạnh trong quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Các chính sách được xây dựng nên là cơ sở nền tảng để thực hiện công tác quản lý văn hóa. Nhưng để thực hiện một cách hiệu quả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, các nhóm liên quan mà hạt nhân là các cơ quan thuộc ngành văn hóa cùng với toàn thể đồng bào chung sức. Công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số chỉ có hiệu quả khi các cơ quan ban ngành trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ với nhau và gắn kết với các tập thể, các cộng đồng, các hội nhóm cùng toàn thể bà con nhân dân cùng chung tay thực hiện.
Thứ hai, cần phải phát huy được các giá trị quan trọng và vai trò của các thể chế xã hội truyền thống vào công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Các thiết chế xã hội truyền thống là những yếu tố văn hóa đã được định hình qua nhiều thế hệ, chắt lọc được những kinh nghiệm và tinh hoa của việc quản lý cộng đồng về văn hóa. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nếu vận dụng nguyên mẫu, cứng nhắc thì không ổn, mà cần phải biết tìm kiếm, chọn lọc các giá trị tích cực, phù hợp với bối cảnh hiện tại để vận dụng vào công tác quản lý văn hóa thì mới đạt hiệu quả cao được.
Thứ ba, quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay cần phải kết hợp giữa các thiết chế văn hóa hiện đại từ hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước với các thiết chế văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Chắt lọc các thế mạnh, hạn chế và bổ sung vào các điểm yếu của các hệ thống này để nâng cao năng lực và hiệu quả trong quản lý văn hóa là điều cần thiết. Do vậy cần phải nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa hai hệ thống quan trọng này.
Thứ tư, cần phải đặt cộng đồng chủ thể văn hóa vào trung tâm của công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Và xem mối quan hệ giữa hệ thống chính trị mà đại diện quan trọng nhất là ngành văn hóa và cộng đồng chủ thể văn hóa là mối quan hệ cơ bản trong việc thực hiện công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các yếu tố tích cực cho mối quan hệ này là nhiệm vụ thường xuyên để tăng cường hiệu quả cho công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số.
Và cuối cùng, một vấn đề cần phải quan tâm chính là số hóa di sản văn hóa và thúc đẩy mạnh mẽ việc quản lý văn hóa cùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là vận dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào công tác quản lý văn hóa. Khoa học và công nghệ có thể rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp cho công tác quản lý văn hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng để vận dụng nhân tố khoa học và công nghệ một cách hiệu quả thì cần có sự đầu tư lớn, có chính sách phát triển rõ ràng để vừa nâng cao năng lực cán bộ, vừa nâng cao trình độ tiếp nhận của người dân. Dù rất khó khăn nhưng việc vận dụng khoa học và công nghệ 4.0 vào quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số hiện nay là rất cần thiết.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây