Hiệu quả từ dự án xây dựng mô hình mẫu, sản xuất chè hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An

Thứ tư - 11/12/2024 20:57 58 0
Tỉnh Nghệ An, một vùng đất nổi tiếng với khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng, là nơi sản xuất chè chất lượng cao như chè xanh, chè đen và chè ô long. Chè nơi đây đặc biệt với hương vị đậm đà và màu sắc tươi sáng, chủ yếu được chế biến theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm chè không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Hiệu quả từ dự án xây dựng mô hình mẫu, sản xuất chè hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An
Tại huyện Anh Sơn cây chè là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên mấy năm nay, giá chè bấp bênh khiến việc đầu tư cho cây chè cũng bị hạn chế thêm. Mặt khác, do trước đây, thâm canh cây chè không đúng kỹ thuật, chạy đua với năng suất, sản lượng nên việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật là không tránh khỏi, dẫn đến sản phẩm chè mất an toàn vệ sinh thực phẩm; khiến đất trồng chè bị chai cứng, mất đi độ tơi xốp, mùn nên cây chè giảm dần năng suất; bên cạnh đó, chất lượng chè cũng bị ảnh hưởng nên giá chè búp không cao.
Bắt đầu từ năm 2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu, sản xuất chè hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2024”, trong đó có mô hình chuyển đổi thâm canh chè hữu cơ thời kỳ kinh doanh với quy mô 10 ha, triển khai tại thôn Tân Hợp, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn với 09 hộ tham gia. Mô hình đã chuyển hướng thâm canh cây chè theo mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông kiểm tra mô hình chè hữu cơ tại Thôn Tân Hợp, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn
Chị Bùi Thị Tâm hộ tham gia mô hình cho biết: “Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn quy trình kỹ thuật, được hỗ trợ 70% vật tư, phân bón, được hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận hữu cơ, hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm. Sau gần 3 năm thực hiện, cái được lớn nhất mà tôi nhận thấy là hình thành được vùng sản xuất sạch, an toàn, chất lượng”.
 
                                                  Người dân chăm sóc chè hữu cơ
Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ từ các khâu chăm sóc; bón phân cân đối về dinh dưỡng, bón đúng cách, đúng thời điểm... Đặc biệt, mô hình hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh kết hợp kiểm soát tốt sâu bệnh bằng thuốc sinh học, thảo mộc,… nên toàn bộ diện tích chè của mô hình sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại, đất tơi xốp, búp ra đều, năng suất bình quân đạt 2,0-2,5 tấn/ha/lứa, năng suất bình quân cả năm đạt từ 13-15 tấn/ha.
Là hộ được lựa chọn tham gia mô hình, anh Nguyễn Hồng Kỳ cho biết: “ Chúng tôi rất phấn khởi, thứ nhất là môi trường được trong sạch, người dân không bị mệt mỏi sau khi phun thuốc BVTV hoá học như trước đây. Thứ 2 là Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn rất tỷ mỹ, bài bản nên đến nay năm thứ 3 chè phát triển rất tốt không thua kém bao nhiêu so với sản xuất thông thường và người dân đã có thể tự sản xuất một số chế phẩm sinh học, thảo mộc, ủ đạm cá, ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học nên đã giảm được chi phí trong sản xuất”                                            
Để có liên kết tiêu thụ ổn định lâu dài, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã sản xuất chè hữu cơ Bình Sơn, thanh viên chủ yếu là các hộ tham gia mô hình và Trung tâm Khuyến nông chủ động kết nối ký kết Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài giữa Hợp tác xã với Công ty Cổ phần Phát triển chè Nghệ An với giá cam kết Công ty đưa ra là nếu sản phẩm chè được hái thủ công bằng tay sẽ thu mua với giá 14.000 đ/kg chè búp tươi, còn nếu thu hoạch bằng máy sẽ thu mua giá cao hơn thị trường 15%. Hiệu quả kinh tế mang lại tăng trên 29% so với sản xuất thông thường. Với giá chè búp tươi thông thường tại Nghệ An giao động từ 4.000-6000đ/kg hái máy thì khi người dân mạnh dạn chuyển đổi hoàn toàn sang hái tay để cho ra sản phẩm chè cao cấp hơn thì lợi nhuận thu về sẽ tăng trên từ 70-100% so với sản xuất thông thường.
                                     Hội nghị kết nối, ký kết tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ
Ông Hoàng Đức Thuận, PCT UBND xã Bình Sơn cho hay “Từ khi bắt đầu triển khai dự án, chính quyền địa phương cả hệ thống chính trị vào cuộc, theo dõi chỉ đạo. Đến nay mô hình chè đã được đánh giá, test mẫu và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẫn hữu cơ, đây là một chương trình bổ ích, mang lại hiệu quả và tính bền vững cho sản xuất chè tại địa phương. Từ kết quả của mô hình, hiện nay UBND xã Bình Sơn cũng đã định hướng quy hoạch và nhận rộng diên tích sản xuất chè hữu cơ, an toàn ra nhiều hộ khác trong xã để hình thành vùng nguyên liệu chè sạch đáp ứng nhu cầu cung cấp đủ nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến”.
Sản xuất hữu cơ là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp, trong đó có cây chè. Do đó, bên cạnh mở rộng diện tích chè hữu cơ thì các cấp, các ngành cũng cần quan tâm hơn nữa công tác thu hút đầu tư các nhà chế biến chè cao cấp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm cho cây chè hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh cho cây chè Nghệ An.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây