GS. VS Trần Đại Nghĩa - người mang trong mình tình yêu vô bờ bến với khoa học và Tổ quốc

Thứ sáu - 17/03/2023 05:50 343 0
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là người mang trong mình tình yêu vô bờ với khoa học và Tổ quốc, người đã biến tình yêu thành sức mạnh, sức chiến đấu mãnh liệt, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng giải phóng đất nước và cống hiến cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
Chiều nay (27/2), tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Hội thảo "Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp". Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023) và 110 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Trần Đại Nghĩa.
Tham dự hội thảo có sự góp mặt Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Phạm Hoài Nam; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Trần Tuấn Anh, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học khắp mọi miền Tổ quốc trong hệ thống LHHVN, đặc biệt là sự có mặt của đại tá Trần Dũng Trí - con trai cố GS. VS Trần Đại Nghĩa.
Nhà khoa học kiệt xuất, “cha đẻ” của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: “Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là một người mang trong mình tình yêu vô bờ với khoa học và Tổ quốc, người đã biến tình yêu thành sức mạnh, sức chiến đấu mãnh liệt, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng giải phóng đất nước và cống hiến cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà”.
GS.VS Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997) là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi của ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Những đóng góp của GS.VS Trần Đại Nghĩa đối với công cuộc cách mạng Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng cuộc đời ông lại hết sức bình dị, khiêm nhường.
GS.VS. Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha ông là Phạm Văn Mùi, một nhà nho uyên thâm, một nhà giáo giàu lòng nhân ái, thương yêu học sinh, tận tụy với công việc.
Năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ hạng ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho, được nhận học bổng trong 4 năm học (1926-1930). Năm 1930, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh) và được học bổng 3 năm liền. Năm 20 tuổi (1933), Phạm Quang Lễ đã trở thành thủ khoa cả tú tài bản xứ và tú tài Tây. Tháng 9/1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học khi tròn 22 tuổi.
Bằng trí thông minh và ý chí của mình, sau 9 tháng học dự bị, Phạm Quang Lễ thi đậu xuất sắc vào Trường Đại học Cầu đường Paris và được học bổng toàn phần của Chính phủ Pháp. Cùng thời gian đó, ông còn học thêm ở Trường cao đẳng Kỹ thuật Paris và Trường Đại học Sorbonne.
Năm 1940, sinh viên Phạm Quang Lễ đã nhận gần như cùng một lúc ba bằng: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân Toán. Sau đó, ông còn học tiếp và nhận thêm ba bằng kỹ sư khác: Hàng không, Mỏ - Địa chất và Chế tạo máy.
Ông đã làm việc tại Hãng điện khí Thomson, Viện Nghiên cứu chế tạo máy bay và vũ khí của Pháp năm 1939, làm kĩ sư trưởng Nhà máy nghiên cứu chế tạo máy bay hãng Nord Aviation (Pháp, 1944). Ông bắt đầu tham gia Hội Việt Nam ái hữu.
Suốt 11 năm bền bỉ, âm thầm nghiên cứu, thông qua các mối quan hệ trong quá trình làm việc ở các nơi như Viện Nghiên cứu vũ khí, xưởng chế tạo vũ khí, máy bay..., ở Pháp và Đức, ông tìm kiếm các bí mật quân sự, các bản thiết kế vũ khí. Kết quả của sự lao động miệt mài đó là hơn 30.000 trang tài liệu ghi chép về chế tạo vũ khí, hầu hết là “tuyệt mật”.
Càng gian khó, tài năng càng tỏa sáng
Tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp. Được Hội Việt kiều giới thiệu và tiến cử, Phạm Quang Lễ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã đề đạt nguyện vọng theo Người về nước để thực hiện ước mơ ấp ủ, biến những kiến thức mà ông đã tích lũy được trong 11 năm thành hiện thực để phục vụ sự nghiệp cứu nước.
Ông là người đầu tiên được Bác Hồ lựa chọn về nước cùng Người vào mùa thu năm 1946. Tháng 12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách: Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện Khoa học và công nghệ Quân sự).
Cũng từ đây, cái tên Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh. Người nói: “Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi, Bác giao chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam. Bác tin chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ”.
Với những cải tiến, sáng chế được tạo bởi Trần Đại Nghĩa, vũ khí của Việt Nam đã có sức công phá lớn, trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù. Các loại súng lớn, súng phóng bom, các loại mìn nổ chậm… với thương hiệu “made in Vietnam”, “made by Tran Dai Nghĩa” đã gây cho kẻ thù biết bao sửng sốt, bất ngờ, khiếp vía, kinh hoàng, giới vũ trang, quân sự quốc tế vô cùng ngạc nhiên, thán phục.
Càng trong gian khó, tài năng về chế tạo vũ khí của Trần Đại Nghĩa càng tỏa sáng. Với những đóng góp to lớn của ông cho ngành quân giới nước nhà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ông danh hiệu “Ông Phật làm súng”.
Ngày 20/11/1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên, khi ấy ông 35 tuổi. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, ông là đại biểu trí thức được phong danh hiệu Anh hùng Lao động đợt đầu tiên của Việt Nam. Đó cũng chính là năm ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô - danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học.
Năm 1996, GS.VS. Trần Đại Nghĩa đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo (Bazoca, súng không giật SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Ông còn được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất...
Ngày 30/4/1975, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, trong nhật kí của mình, GS.VS. Trần Đại Nghĩa viết: “Nhiệm vụ của Bác giao cho tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành. Từ nay đến hàng nghìn năm sau chúng tôi xin bàn giao lại nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ ngày nay và thế hệ mai sau”.
Đặc biệt, với tài năng và đức độ hiếm thấy, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục giao cho GS.VS Trần Đại Nghĩa nhiệm vụ quan trọng, đó là tạo dựng và phát triển ngôi nhà chung tập hợp đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam.
Đại hội lần thứ nhất của LHHVN vào ngày 26/3/1983 đã bầu GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước. Từ những ngày đầu gian khó, LHHVN chỉ có 15 thành viên, không quản ngại khó khăn, vất vả, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực từng bước xây dựng và phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển chính trị, xã hội, khoa học và kinh tế của Việt Nam.
GS.VS Trần Đại Nghĩa đã được các nhà khoa học, các hội thành viên suy tôn làm Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III và danh hiệu đó cũng đã theo ông đến cuối cuộc đời (1988-1997).
Một người tận tụy, đức độ, tài năng
Thượng tướng Phạm Hòai Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: Trên cương vị công tác, GS.VS Trần Đại Nghĩa luôn tận tụy, đức độ, cống hiến tài năng, trí tuệ để góp phần xây dựng ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã đi xa, nhưng những cống hiến, đóng góp của ông với Ngành Kỹ thuật quân sự, Công nghiệp quốc phòng vẫn luôn có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn.
Các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên và người lao động ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng hôm nay tiếp tục phát huy phương pháp tính toán thiết kế vũ khí, các nguyên lý cơ bản của thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ… để nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí tích hợp hệ thống, các loại đạn dược thông minh, các loại khí tài công nghệ cao.
Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên môn kỹ thuật tâm huyết, gắn bó, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vì khoa học góp phần xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Giáo dục thế hệ trẻ rèn luyện theo tấm gương đạo đức của thế hệ đi trước
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, một trong những chủ trương quan trọng của nguyên Viện trưởng Trần Đại Nghĩa là thực hiện dân chủ tập trung trong nghiên cứu khoa học. Xây dựng chiến lược nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam với 3 nguyên tắc mà Viện trưởng Trần Đại Nghĩa đề ra.
Đó là: Ưu tiên những vấn đề cấp bách rất cần cho đất nước nhưng phải lượng sức, không đề ra viển vông; Ưu tiên những đề tài phát huy thế mạnh của Việt Nam, những vấn đề sở trường ta có tiềm năng, có thực lực; Giành một lực lượng đi vào hiện đại, đón đầu xu thế phát triển của thế giới trong tương lai.
Dưới sự lãnh đạo của GS.VS Trần Đại Nghĩa, cán bộ nhân viên của Viện đã vượt khó, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ vừa xây dựng cơ sở ban đầu, vừa tiến hành nghiên cứu khoa học kịp thời phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế đất nước.
Để vinh danh và ghi nhận những đóng góp quý báu của GS.VS Trần Đại Nghĩa, nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, năm 2016, lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ban hành quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa và tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với chu kỳ 3 năm/lần. Qua 2 lần tổ chức, đã xét tặng được 6 giải thưởng, tôn vinh 14 công trình xuất sắc về khoa học và công nghệ, trực tiếp triển khai ứng dụng các kết quả đó vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đây là dịp để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của thế hệ đi trước. Từ đó, nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch danh dự LHHVN Đặng Vũ Minh đánh giá: Với 10 bài tham luận tại hội thảo, đã tập trung làm rõ một số nội dung: Tìm hiểu sâu, lan tỏa những giá trị từ thân thế, cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của GS.VS Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học kiệt xuất của Việt Nam, một trong những trí thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc ta, cụ thể là với ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam, với sự nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam; tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của GS.VS Trần Đại Nghĩa tận trung với nước, tận hiếu với dân bằng sự lao động sáng tạo và quên mình, sẵn sàng hy sinh tất cả cho lợi ích của dân tộc, vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho đất nước...
Cuối năm 1968 sau khi tốt nghiệp đại học về nước, tôi có may mắn được nhận công tác ở Ủy ban Khoa học Kĩ thuật nhà nước mà chủ nhiệm lúc bây giờ chính là GS.VS Trần đại Nghĩa. Và ít lâu sau tôi lại công tác ở viện Khoa học Việt Nam và Viện trưởng lúc bấy giờ cũng chính là GS.VS Trần đại Nghĩa. Cho đến ngày hôm nay mỗi khi nhắc đến GS.Trần đại Nghĩa tôi lại nhớ đến một nhà khoa học yêu nước, một cán bộ lãnh đạo nhân hậu một con người rất giản dị. Tại hội thảo ngày hôm nay mọi người đã nhắc lại những kỉ niệm sâu sắc về GS.VS Trần đại Nghĩa. Đã rút ra những bài học quý báu từ cuộc đời và sự nghiệp của Ông. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn cả là hội thảo hôm nay đã làm cho chúng ta phải tự suy nghĩ chúng ta phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh cao cả cũng như sự đóng góp vô cùng to lớn của các thế hệ đi trước! - Chủ tịch danh dự LHHVN Đặng Vũ Minh nói.
 
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, GS. Trần Đại Nghĩa luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng. Trong quân đội, ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Khi chuyển sang lĩnh vực dân sự, ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Tác giả bài viết: LH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây