Nghệ An ứng dụng công nghệ số để giữ rừng

Thứ năm - 13/06/2024 04:23 192 0
Nghệ An ứng dụng công nghệ số để giữ rừng
Nghệ An có diện tích rừng và đất rừng tương đối lớn, địa hình đồi núi cao, bị chia cắt phức tạp nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ số để giữ rừng đã mang lại có hiệu quả rõ nét.
 
bna_hg2.jpeg
Nhóm FCIM Huồi Giảng 2, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) kiểm tra thực địa rừng. Ảnh: T.P

Nhằm hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng, quản lý rừng bền vững để giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển, Liên hiệp quốc đã có một sáng kiến quốc tế là Chương trình REDD+.

Đồng hành cùng với Chương trình REDD+, Liên minh châu Âu đã tài trợ cho Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cùng Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học Việt Nam Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.

Dự án thực hiện 4 năm (2020-2024) trên địa bàn 18 thôn, bản của 6 xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái (Tương Dương) và Na Ngoi, Hữu Kiệm, Tây Sơn (Kỳ Sơn), với hơn 210 thành viên.

bna_to-cong-dong-quang-thinh-tam-dinh.jpeg
Nhóm FCIM bản Quang Thịnh (xã Tam Đình) một lần tuần tra rừng. Ảnh: Hoài Thu

Trong 4 năm qua, các nhóm FCIM thôn, bản kết hợp với 6 ban FCIM cấp xã đã thực hiện 545 đợt thực địa hiện trường, xác nhận 577 điểm mất rừng và phản hồi lên hệ thống Terra-i. Những người tham gia nhóm FCIM đều là lực lượng nòng cốt của các tổ chức chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các đội tuần tra bảo vệ rừng.

Thông qua hoạt động của các nhóm FCIM, người tham gia được cung cấp thiết bị công nghệ GPS, điện thoại thông minh, được tập huấn việc sử dụng công nghệ viễn thám, hệ thống Terra-i vào quản lý rừng.

“Từ khi dự án giám sát, bảo vệ rừng được triển khai, chỉ 1 thân cây trên rừng bị đốn hạ, gãy đổ, “con mắt của rừng” chính là những chiếc điện thoại thông minh, sẽ ngay lập tức phát hiện và báo về hệ thống.

bna_ung-dung-cong-nghe-vien-tham-vao-giu-rung.jpeg
Các thiết bị số được ứng dụng vào việc tuần tra, kiểm soát rừng. Ảnh: T.P

Từ đó, các thành viên sẽ kiểm tra thực địa, kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng xử lý. Sự hỗ trợ của công nghệ giúp việc giám sát, bảo vệ rừng một cách thuận lợi và hiệu quả hơn, những chuyến đi rừng giờ đây đã đỡ phần vất vả”, ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn - đại diện đơn vị được thụ hưởng dự án cho biết.

Hàng tháng, nhóm FCIM sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống Terra-i, nếu phát hiện sự biến động của rừng, trưởng nhóm sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và tiến hành điều tra thực địa. Sau đó, nhóm sẽ cập nhật thông tin lên hệ thống Terra-i và báo cáo cho các ban FCIM cấp xã, huyện và các bên liên quan để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

bna_ghi-chep.jpg
Hiện trường thực địa được ghi chép đầy đủ, sau đó được cập nhật lên hệ thống. Ảnh: Hoài Thu

Theo anh La Văn Ỏn - Phó trưởng Nhóm FCIM bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) thì: “Việc xác định các điểm có biến động về cây rừng dễ dàng nên tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức cho các tổ tuần tra bảo vệ rừng, góp phần ngăn chặn tình trạng mất rừng trên địa bàn. Hệ thống cũng tạo điều kiện cho mọi người được tham gia vào quá trình giám sát tình trạng biến đổi của rừng trên thôn, bản mình”.

Nói thêm về kiểm soát mất rừng, ông Phan Văn Mạnh cho biết: “Có khi 1 cái cây bị chết, gãy đổ, hoặc gặp gió bão gây đổ ngã, tạo khoảng trống so với số liệu trước đó máy ghi nhận, thì lập tức máy sẽ thông báo chính xác vị trí phát hiện thay đổi, giúp tổ kiểm soát có thể đến nhanh, đúng địa điểm để xác minh”.

bna_cac-diem-canh-bao-mat-rung-duoc-cap-nhat-tren-he-thong-tere-i.jpg
Các biến động về rừng được cập nhật lên hệ thống đầy đủ, chính xác nhất. Ảnh: Thanh Phúc

Trước đây, cụm từ như “Công nghệ viễn thám” vốn không tồn tại trong từ điển ngôn ngữ bản địa của đồng bào, giờ đây, thông qua các lớp tập huấn, các thành viên được truyền đạt kiến thức, được hướng dẫn sử dụng, được “cầm tay chỉ việc” nên đã sử dụng thuần thục các thiết bị, phần mềm vào việc quản lý, bảo vệ rừng.

Anh Vừ Bá Giờ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Ngoi, Phó ban Dự án FCIM xã Na Ngoi cho biết: “Trước đây, tôi không biết khu vực rừng của các bản mình quản lý nằm ở đâu, có diễn biến mất rừng như thế nào, nhưng nhờ hệ thống này tôi đã nắm bắt được thông tin về tình trạng rừng của địa bàn mình. Hệ thống Terra-i sử dụng khá đơn giản, có thể kiểm tra thông tin biến động của cây rừng ở bất cứ nơi đâu, người dân nào cũng có thể được tiếp cận thông tin biến đổi của rừng”.

Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sinh kế của người dân. Ảnh: T.P
Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sinh kế của người dân. Ảnh: T.P

Nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám, thiết bị số vào quản lý, bảo vệ rừng, nhờ đó, trong vòng 4 năm qua, các nhóm đã phát hiện, ghi nhận 1.626 điểm cảnh báo mất rừng 4.000 ha; 18 FCIM thôn, bản kết hợp với 6 ban FCIM cấp xã đã thực hiện 545 đợt thực địa hiện trường, xác nhận 577 điểm mất rừng và phản hồi lên hệ thống Terra-i, có 488 điểm cảnh báo chính xác, phát hiện thêm 50 điểm.

TP

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây