ĐỂ NGÀNH LÂM NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ HIỆU QUẢ

Chủ nhật - 11/12/2022 19:28 920 0
Xây dựng chiến lược dài hạn, đưa giống mới, khoa học và công nghệ mới vào thâm canh rừng gỗ lớn là hướng đi đúng để khai thác tiềm năng, lợi thể rất lớn về lâm nghiệp tỉnh nhà cả trước mắt và lâu dài.
Rừng chủ yếu... giàu trên giấy:
Phần đông các chuyên gia, cán bộ đầu ngành và cả những người từng công tác lâu năm trong ngành lâm nghiệp đều có chung quan điểm: Nghệ An là tỉnh giàu tiềm năng về rừng, nhưng thành quả thu về chưa tương xứng. Một trong những hạn chế đó, chính là nhiều năm qua chúng ta quá chú trọng trồng loại rừng gỗ nguyên liệu có chu kỳ kinh doanh ngắn (5 – 6 năm), hiệu quả không cao và quy mô sản xuất, chế biến còn manh mún...
Toàn tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Qua kiếm tra, rà soát, có 965.057 ha đất đã có rừng, trong đó rừng trồng có 181.000 ha, độ che phủ đạt 58,5%. Trữ lượng gỗ toàn tỉnh có hơn 91 triệu m3, trên 505 triệu cây tre, mét, nứa và cùng với hàng ngàn loại cây dược liệu quý.
Những con số nói trên cho thấy tài nguyên rừng Nghệ An cực kỳ phong phú và đa dạng, đang là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Rừng còn là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.
Phải khẳng định rằng, lâm nghiệp Nghệ An sở hữu nhiều yếu tố để phát triển theo hướng công nghiệp chế biến và thương mại sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Việc thay đổi cách tiếp cận theo chuỗi sản phẩm từ khâu tạo vùng nguyên liệu, đến khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp bền vững.
Biết rằng, lợi thế của ngành lâm nghiệp tỉnh ta là rất lớn, nhưng lâu nay công tác quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành. Biểu hiện rõ nhất là chất lượng và hiệu quả rừng trồng còn thếp, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn chưa nhiều. Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chưa phát triển toàn diện từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phần lớn sản phẩm rừng trồng chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, hoặc sơ chế đơn giản nên chuỗi giá trị còn thấp. Sau nữa là tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác gỗ trái phép vẫn tiếp diễn, đầu tư cho ngành lâm nghiệp còn thấp...
Cần nhiều mô hình như “Lâm nông nghiệp sông Hiếu”:
Mong muốn và yêu cầu cấp bách nhất của ngành lâm nghiệp hiện nay là tập trung “làm mới” công tác chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Mong muốn là như vậy, nhưng làm được như mong muốn không đơn giản. Bởi từ nhiều năm qua, ngành lâm nghiệp đã cố gắng “làm mới” nhưng vẫn chưa tạo ra được những đột phá mới do nhiều nguyên nhân, như tầm nhìn chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp còn hạn chế, biện pháp tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng nguyên liệu với chế biến cả trước mắt và lâu dài... Vì vậy, chưa mạnh dạn có sự đầu tư vốn, công nghệ chế biến, lao động kỹ thuật có tay nghề cao... trong sản xuất và kinh doanh.
Hiện nay đơn vị nổi bật nhất giám mạnh dạn đầu tư để từng bước làm mới trong ngành lâm nghiệp Nghệ An, đó là Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, doanh nghiệp này được ví là “Cánh chim đầu đàn” của ngành lâm nghiệp Nghệ An trong việc trồng rừng gỗ lớn gắn với công nghệ chế biến gỗ theo yêu cầu thị trường đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, qua hơn 20 năm đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu sở hữu khối “vàng ròng” trên 7.500 ha rừng trồng, phân bố rộng khắp trên địa bàn 21 xã thuộc 4 huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong... Đáng chú ý, trong số này có 1.600 ha cây gỗ lớn cho năng suất từ 150 – 250 tấn/ha, cùng với 5.900 ha cây nguyên liệu cho năng suất từ 120 – 150 tấn/ha. Hiện giá trị sản phẩm qua chế biến cao hơn từ 1,7 – 2,2 lần so với bán nguyên liệu thô.
Ông Lê Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu chia sẻ: Rừng gỗ nguyên liệu thường có chu kỳ kinh doanh từ 8 – 10 năm, thời gian dài chi phí lớn. Để cùng một lúc đáp ứng được cả tiêu chí kinh doanh lẫn duy trì hoạt động của bộ máy (tiền lương, khấu hao tài sản, các chi phí khác...), đòi hỏi lãnh đạo công ty phải có tầm nhìn dài hạn, có kế thừa để tập trung hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, vừa phục vụ cho khâu chế biến, lại đảm bảo phát triển bền vững và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Ưu điểm dễ nhận thấy cả cây gỗ lớn là giá trị kinh tế vượt trội, bình quân cao gấp 2,2 – 2,5 lần so với trồng rừng thông thường. Trong khi đó rừng trồng nguyên liệu phổ biến như hiện nay chỉ mất 5 – 6 năm, vốn ít, thu hồi nhanh, nhưng bất lợi là giá trị không cao, không bền vững, lại thường xuyên bị ép giá.
Xuất phát từ thực tế đó, việc tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn gắn với khâu chế biến sẽ giải quyết được nhu cầu việc làm, tạo doanh thu vượt trội, hình thành chuỗi quy trình khép kín, Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu cho doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là phương án tốt nhất cho ngành lâm nghiệp tỉnh ta, nếu muốn hướng tới bền vững lâu dài.
Trở lại với Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu có được kết quả như ngày hôm nay, doanh thu năm 2020 đạt 64,9 tỉ đồng, lợi nhuận 8,61 tỉ đồng, nộp ngân sách 3,37 tỉ đồng. Năm 2021, dù phải gặp khó khăn lớn do đại dịch CoVid-19 nhưng vẫn đạt doanh thu lên đến 71,2 tỉ đồng, lợi nhuận thu về lên đến 12,8 tỉ đồng. Năm 2022, doanh thu ước đạt 79 tỉ đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước khoảng 4,2 tỉ đồng.
Để tạo lập được chỗ đứng vững chắc, bền vững, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Hiếu đã phải vất vả, dày công suốt cả chặng đường dài vừa kế thừa kinh nghiệm của người đi trước ở khắp mọi miền đất nước, vừa không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường hiện nay.
Có được vùng cây gỗ lớn và vùng cây nguyên liệu như hôm nay, ngay từ đầu Công ty đã kết nối với Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp tỉnh để tiến hành quy hoạch các vùng cây gỗ lớn và cùng cây nguyên liệu. Sau đó, tập trung vào công tác khai hoang, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào làm đất. Ở những nơi đất có độ dốc dưới 150 thì hoàn toàn dùng máy thay sức người để vừa đẩy nhanh tốc độ trồng, vừa giảm chi phí sản xuất.
Đến khâu kỹ thuật trồng đều được tính toán chi li tùy theo mục đích kinh doanh để lựa chọn mật độ trồng phù hợp giao động từ 1.666 – 2.000 cây/ha. Về giống, chủ trương từng bước thay thế các giống cây keo cũ bằng giống cây keo mới năng suất cao hơn và đã được trồng thử nghiệm nhiều năm trên vùng đất Phủ Quỳ trước khi đưa ra trồng đại trà.

Tác giả bài viết: Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây