Nghệ An xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương

Thứ năm - 26/10/2023 04:37 396 0
​​​​​​​Nghệ An có lợi thế về nông nghiệp, có nhiều nông sản có giá trị và có thể xuất khẩu thế nhưng chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên giá trị thu về của người nông dân và doanh nghiệp chưa tương xứng. Trước thực tế trên, xây dựng thành công thương hiệu cho nông sản địa phương sẽ hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế là mục tiêu mà Nghệ An hướng tới.
Nghệ An xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương

Toàn xã Nam Anh (Nghệ An) có hơn 300 hộ trồng hồng với diện tích khoảng 100 ha. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Phát huy cây trồng chủ lực
Bắt đầu từ tháng 10, vùng đất Nam Anh, huyện Nam Đàn nườm nượp thương lái đến tận vườn hồng của người dân để thu mua quả. Thoăn thoắt hái những quả hồng chín mọng, anh Hồ Đức Dũng ở xóm 6 xã Nam Anh hồ hởi cho biết, Hồng Nam Anh nổi tiếng thơm ngon nên các thương lái thường tìm tới tận vườn thu mua. Gia đình anh có gần 50 gốc hồng; trong đó, có 15 gốc hồng cổ thụ. Năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất, sản lượng hồng trong vườn bị sụt giảm. Ước tính cả vườn hồng của gia đình năm nay thu hoạch khoảng 1,5 tấn quả, trừ chi phí, vụ hồng năm nay gia đình anh thu về khoảng 200 triệu đồng.
Theo nhiều người dân trồng hồng tại xã Nam Anh, cây hồng được trồng ở vùng đồi núi Đại Huệ của xã Nam Anh từ hàng trăm năm trước. Trong xã hiện có nhiều cây hồng cả trăm năm tuổi. Đây là loại cây bản địa, có nguồn gốc gen quý hiếm, phù hợp với đặc thù về địa lý, sinh thái và thổ nhưỡng dưới chân núi Đại Huệ nên thường cho sản lượng cao.

Nghe An xay dung thuong hieu cho nong san dia phuong hinh anh 2

Hồng được ngâm nước để làm chín. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Hồng là cây đặc sản tại xã Nam Anh, với các loại như hồng trứng, hồng cậy và hồng gáo; loại nào cũng vàng ươm, có vị ngọt dịu, giòn, thơm và đặc biệt, trái hồng sau thu hoạch ở Nam Anh không hề sử dụng hóa chất bảo quản. Vào mùa hồng, thương lái về xã thu mua số lượng lớn, sau đó, tùy từng loại mà được ủ khô hoặc ngâm trong nước để làm chín. Hồng ủ thì chín mềm, chuyển màu đỏ thắm, còn hồng ngâm thì giòn và vẫn giữ màu vàng tươi.

Ông Hồ Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Nam Anh, cho biết, hồng là cây trồng chủ lực của xã Nam Anh. Toàn xã có hơn 300 hộ trồng hồng với diện tích khoảng 100 ha, nằm rải đều ở các xóm dưới chân núi Đại Huệ. Năm nay, hồng mất mùa do sâu bệnh và thời tiết bất lợi. Các chủ vườn rút kinh nghiệm nên cuối mùa hồng năm trước đã đẩy mạnh chăm bón, tỉa cành và cắt bớt lá để kéo dài thời gian “ngủ đông” cho cây hồi sức. Cây được chăm sóc tốt vì vậy dự kiến vụ hồng năm nay uớc tính sản lượng lên khoảng 500 tấn.
Không chỉ có giá trị kinh tế, vườn hổng còn là mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Nam Đàn. Cũng từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, những vườn hồng vào vụ thu hoạch, quả hồng chín trĩu cành trông rất đẹp mắt nên đã thu hút khách tham quan, chụp ảnh. Năm 2022 có 05 vườn hồng cổ đã đón 20.000 lượt khách và doanh thu từ khách du lịch khoảng 2,3 tỷ đồng.
Để nâng cao giá trị cho cây hồng, xã Nam Anh đã và đang xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây hồng (hồng cậy, hồng gáo). Trước mắt xây dựng sản phẩm rượu vang hồng, rượu hồng thành sản phẩm OCOP; cùng với đó đầu tư dây chuyền công nghệ để chế biến các sản phẩm từ quả hồng như hồng sấy dẻo, hồng sấy giòn, mứt hồng... để giới thiệu và bán sản phẩm làm quà tặng tại các điểm du lịch cũng như quảng bá rộng rãi trên thị trường.

Nghe An xay dung thuong hieu cho nong san dia phuong hinh anh 3

Hồng ủ chín mềm, chuyển màu đỏ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết thêm, để phát huy lợi thế về quả hồng địa phương, ngoài việc phục hồi nguồn gen; xây dựng, phát triển các mô hình vườn hồng để khai thác du lịch thì sản phẩm được chế biến từ quả hồng sẽ làm đa dạng, gia tăng chuỗi giá trị từ cây hồng, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, chúng tôi cũng mong muốn sự quan tâm của tỉnh, huyện và các ngành liên quan để xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm hồng của địa phương.
Những năm gần đây, sản phẩm bưởi Thanh Mỹ, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương nổi tiếng thơm ngon, thịt quả và tép có màu vàng nhạt, ít nước và dễ tách khỏi vách múi, vị ngọt thanh đậm đà, khối lượng quả đạt từ 0,8-1,2 kg. Trong điều kiện bình thường, bưởi Thanh Mỹ có thể giữ được 3 đến 5 tháng. Vỏ quả có thể hơi khô héo và chuyển màu nhưng chất lượng múi bên trong vẫn được giữ nguyên.
Hiện toàn xã Thanh Mỹ có trên 150 hộ dân trồng giống bưởi này và tổng diện tích trên 50 ha; trong đó, có 25 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân 7 tấn/ha. Thị trường bưởi hiện nay rất đa dạng về chủng loại, chất lượng và màu sắc. Tuy nhiên, bưởi Thanh Mỹ vẫn tạo nên sự khác biệt nhờ điểm đặc trưng về mẫu mã và chất lượng quả. Hiện nay, người dân trong tỉnh đã biết đến đặc tính quý của giống bưởi này nên quả bưởi Thanh Mỹ trở nên khá đắt hàng, các thương lái đã vào tận vườn để đặt mua khi quả bưởi còn nhỏ.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay của bưởi Thanh Mỹ là sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, diện tích vùng trồng tập trung thấp. Tư tưởng một số bộ phận nông dân còn mang tính tiểu nông, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chưa đồng bộ, đa số vẫn còn canh tác theo tập quán cũ. Cùng với đó, phát triển sản xuất - tiêu thụ theo hình thức liên kết chuỗi còn chậm, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái không có hợp đồng chặt chẽ, phát triển theo hướng trang trại chưa nhiều.
Để phát triển cây bưởi Thanh Mỹ theo hướng bền vững, Hợp tác xã bưởi Thanh Mỹ đã nhân giống bằng phương pháp ghép để tạo ra 3.000 cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, cung cấp cây giống chất lượng cao cho các hộ dân trên địa bàn xã Thanh Mỹ. Lượng cây giống này đủ để trồng trên diện tích 6 ha.
Hiện Hợp tác xã đang làm hồ sơ xin cấp mã vùng trồng cho sản phẩm bưởi Thanh Mỹ. Ngoài sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, công nghệ sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia như tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., mong muốn của doanh nghiệp là Nhà nước cần hoàn thiện một số chính sách như xây dựng cơ chế sử dụng cán bộ khoa học cho nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư vốn cho nông nghiệp để xây dựng thương hiệu … chị Nguyễn Thị Xuân – Phó Giám đốc Hợp tác xã bưởi Thanh Mỹ kiến nghị.
Nâng cao giá trị cho nông sản địa phương
Yếu kém dễ nhận thấy và cần được tháo gỡ đối với nông nghiệp Nghệ An là nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp và thiếu nhạc trưởng, liên kết lỏng lẻo… đặc biệt là chưa có thương hiệu. Phân tích nguyên nhân trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng do người dân và cả các cơ quan chức năng quản lý nông nghiệp chưa có ý thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Nghe An xay dung thuong hieu cho nong san dia phuong hinh anh 4

Phân loại hồng trước khi đóng thùng xuất bán. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, điều tiên quyết là nông sản phải có thương hiệu. Xây dựng thương hiệu giúp nông dân thoát khỏi vấn nạn "trồng chặt", có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, gia tăng số lượng nông dân tỉ phú. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.
Hiện Việt Nam có nhiều lợi thể để xây dựng thương hiệu cho nông sản khi mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... qua các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết và có hiệu lực. Đặc biệt Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới ở sát ngay bên cạnh cũng chính thức mở cửa cho nhiều nông sản Việt Nam với các yêu cầu cao hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nghệ An cũng nằm trong xu thế chung đó khi Nghệ An có nhiều loại nông sản như lạc, mận Tam Hoa, bí rẫy, khoai sọ, dưa chuột Mông, chè Tuyết shan, nghệ, gừng, cam, hồng, bưởi… cần xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An phân tích:Nghệ An có rất nhiều sản phẩm về nông sản, thủy sản có giá trị nhưng đó không phải là sản phẩm đặc trưng mà nhiều địa phương khác cũng có thể sản xuất được. Vì vậy, phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá rộng rãi trên thị trường. Khi có sản phẩm khác biệt sẽ phải có tiêu chuẩn chất lượng, và phải có chiến lược marketing rõ ràng, bài bản.
Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, ông Hóa cũng cho rằng, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Thực hiện các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, tên thương mại, tên gọi xuất xứ hàng hóa cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường hướng dẫn và quản lý các doanh nghiệp bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp về vốn, khoa học công nghệ, thương mại,… thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Xác định xây dựng thương hiệu cho nông sản là khâu quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn. Thời gian qua, Nghệ An cũng đã có nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản địa phương để sản phẩm hàng hóa của Nghệ An phát huy giá trị, nâng cao sức cạnh tranh. Thương hiệu cho nông sản được sử dụng như một công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua các chương trình quảng bá, giới thiệu có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây