Phát triển thị trường Carbon CƠ HỘI CHO NGÀNH SẢN XUẤT LÚA GẠO NGHỆ AN

Thứ năm - 15/08/2024 05:39 165 0
Với hơn 180.000ha lúa được gieo cấy mỗi năm, trong khi nhà nước có cơ chế chính sách khuyến khích về thị trường tín chỉ carbon. Đây là cơ hội tốt để Nghệ An tham gia vào thị trường này, nhằm vừa giúp bà con nông dân nâng cao thu thập qua việc bán tín chỉ carbon, vừa góp phần vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay và cũng là biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào, như: giống, phân bón, nước tưới, phòng chống sâu bệnh.... để nâng cao giá trị thu nhập.
TÍN CHỈ CARBON VÀ MỤC TIÊU TẠO TÍN CHỈ CARBON
Tín chỉ carbon được hiểu là chứng chỉ thể hiện quyền phát thải một tấn khí thải nhà kính vào bầu khí quyển. Nó được đại diện cho quyền phát thải một tấn khí CO2 hay một lượng phát thải khí nhà kính tương đương một tấn CO2 (CO2 tđ).
Tín chỉ carbon cũng có thể hiểu rộng hơn, đó là chứng nhận phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2 đt). Một tấn CO­2tđ được xem như 1 tín chỉ carbon.
Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải khí CO2 hoặc CO2 tương đương. Tín chỉ carbon được coi như là một giấy phép chủ sở hữu thải ra một lượng nhất định khí CO2tđ, có thể là CO2 hoặc khí nhà kính khác, như: CH4, N2O. Các doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nào đều có một định mức về  lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu thải ra cao hơn mức quy định thì phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thấp thì cơ sở đó có thể bán tín chỉ carbon cho các đơn vị khác.
Mục tiêu tạo tín chỉ carbon là để giảm lượng khí phát thải carbon dioxide và các loại khí phát thải khác, như: mê tan (CH4), nitơ oxide (N2O)... nhằm giảm hiện tượng nóng lên của trái đất và làm giảm ô nhiễm môi trường sống của chúng ta hôm nay và cho cả tương lai.
NÔNG NGHIỆP LÀ NGÀNH GÂY PHÁT THẢI
KHÍ NHÀ KÍNH NHIỀU
Theo tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) và theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, nông nghiệp là ngành đóng góp cao thứ 2 về phát thải nhà kính ở Việt Nam, với 19% tổng lượng phát thải vào năm 2020 khoảng 104,5 triệu tấn carbon dioxide tương đương (CO2tđ). Chúng ta có thể hình dung một năm Việt Nam phát thải 5 tấn CO2 thì riêng nông nghiệp đóng góp 1 tấn. Qua đó, cho thấy sản xuất nông nghiệp gây phát thải khí nhà kính lớn chừng nào. Trong nông nghiệp thì sản xuất lúa gạo chiếm tới 48% lượng phát thải, chăn nuôi 15,3%, phân bón 12,5%, còn lại các hoạt động khác như: tưới nước không hợp lý, đốt rơm rạ... Một đặc thù của khí thải trong nông nghiệp là hơn 70% lượng khí thải là khí mê tan (CH4) và khí nitơ oxide (N2O). Nếu nông dân càng đầu tư thâm cao cao theo lối cũ để gia tăng năng suất cao thì lượng khí phát thải càng tăng lên.
WB cho biết, ở Trung Quốc và Ấn Độ trung bình sản xuất mỗi tấn lứa thải ra lượng khí CH4 tương đương 0,7 tấn CO2, còn ở Việt Nam là 0,9 tấn CO2.
Nguyên nhân cơ bản làm tăng lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Việt Nam, đó là: Đầu tư thâm canh tùy tiện không bền vững; bón quá nhiều phân bón, nhất là các loại phân vô cơ, nhiều nhất là đạm hóa học, gieo cấy dày, nhất là gieo sạ đến 120 - 140kg hạt giống/ha; sử dụng nước tưới tùy tiện, đa phần là tưới nước ngập sâu; tập quán đốt cháy rơm rạ ngoài đồng sau thu hoạch còn phổ biến...
Hiện tại, Việt Nam đang là nước sử dụng loại phân bón NPK nhiều nhất Đông Nam Á bón cho 1ha lúa. Ngay cả rơm rạ sau khi thu hoạch lúa cũng đem đốt đã tạo ra một lượng khí nhà kính từ 0,19 - 0,69g N2O/kg rơm rạ bị đốt cháy.
Hay là việt sử dụng nước tưới cho cây lúa cũng rất tùy tiện, đa phần là tưới ngập sâu để giữ nước tại ruộng được lâu. Chính việc làm này đã làm phát thải khí nhà kính, nhất là khí CH4, do duy trì tưới nước ngập sâu trong thời gian dài tạo môi trường yếm khí trong đất. Khí CH4 là sản phẩm cuối cùng của quá trình phân giải các vật chất hữu cơ, tàn dư rơm rạ, gốc rễ lúa... do vi sinh vật phân giải trong môi trường yếm khí thiếu oxy sản sinh ra nhiều khí CH4  trong đất, sau đó được phát thải vào khí quyển. Khí CH4  được cho là khí hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 28 lần so với khí CO2.
GIẢI PHÁP GIẢM PHÁT THẢI TẠO TÍN CHỈ CARBON
Để thực hiện cam kết với quốc tế về lộ trình đạt được phát thải ròng bằng “O” vào năm 2050 và lộ trình giảm 30% phát thải khí mê tan (CH4) vào năm 2030 so với năm 2020, Chính phủ đã ra Nghị định số 06/2020/NĐ-CP quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon với lộ trình đưa thị trường carbon đi vào hoạt động. Đây là cơ hội cho những đơn vị có mức phát thải thấp như ngành lâm nghiệp, ngành sản xuất lúa gạo theo quy trình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp.
Trồng lúa giảm phát thải là một chủ trương lớn của ngành nông nghiệp hiện nay. Bản chất chính của việc giảm phát thải là tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào để gia tăng thu nhập cho nông dân, như: giảm lượng hạt giống gieo cấy, giảm lượng phân bón không cần theiets, giảm lượng nước tưới, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh các loại...
Để thực hiện chủ trương nói trên; từ lãnh đạo, chỉ đạo đến bà con nông dân cần thực hiện tốt những giải pháp chủ  yếu sau đây:
Một: Với diện tích lúa gieo cấy mỗi năm trên dưới 180.000ha lúa 2 vụ, Nghệ An có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa mỗi năm khoảng 1,4 - 1,5 triệu tấn CO2tđ. Trong vụ lúa năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An bước đầu đã triển khai “Dự án giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa” trên quy mô khoảng 6.000 ha ở các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu... Với khoảng 24.000 hộ dân tham gia. Đây thực sự là một việc làm hoàn toàn mới mẻ từ cơ quan quản lý đến chính quyền các địa phương và bà con nông dân thực sự chưa hiểu biết nhiều về ý nghĩa, mục đích, lợi ích và các biện pháp thực hiện. Vì vậy cần làm thật tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp, hội thảo, tổ chức tham gia mô hình... để làm tăng sự hiểu biết đến mọi người, tăng sự lan tỏa ý nghĩa của việc canh tác lúa thông minh giảm phát thải là cần thiết, là hữu ích, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay.
Hai: Tránh và chống tư tưởng tập trung đầu tư thâm canh cao các vật tư kỹ thuật đầu vào, như: bón nhiều phân các loại, nhất là phân vô cơ, gieo cấy dày, tưới nước ngập thường xuyên, phun chất kích thích... để đạt được năng suất lúa cao nhất. Cách canh tác lúa như vậy hoàn toàn không đồng nghĩa với chủ trương canh tác lúa thông minh cho năng suất và chất lượng cao, giảm phát thải, nhằm góp phần giảm sự nóng lên của trái đất do biến đổi khí hậu gây ra và làm giảm ô nhiễm môi trường sống của chúng ta hiện nay.
Ba: Cải tiến quy trình sản xuất lúa hiện nay bằng việc áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải năng suất, chất lượng cao, đảm bảo sản xuất bền vững, gia tăng giá trị thu nhập. Trong khi thực hiện quy trình nói trên, cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
Nếu ở đâu nông dân có tập quán gieo sạ lúa từ 120 - 140kg hạt giống/ha (6 - 7kg/sào) như hiện nay thì cần giảm xuống 50 - 60kg/ha (2,5 - 3,0kg/sào).
Sử dụng phân bón từ chỗ chủ yếu bón các loại phân hóa học, như đạm, lân, kali, NPK các loại... nay thay vào đó là các loại phân hữu cơ như phân chuồng gia súc, phân xanh các loại được ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh... chỉ sử dụng các loại phân bón hóa học hỗ trợ với liều lượng không nhiều theo quy trình quy định và bón chủ yếu vào giai đoạn thúc lúa đẻ, bón đón đòng.
Sử dụng nước tưới hợp lý, khoa học, không tưới nước ngập sâu trong thời gian dài. Chỉ nên tưới nước ngập trên mặt ruộng ở mức 10 - 15cm, sau đó để nước cạn dần ở mức xăm xắp và tiếp theo sau đó để mặt ruộng nẻ chân chim trong thời gian 3 - 4 ngày hoặc 5 - 7 ngày tùy thời tiết có nắng, nhiệt độ cao hay thời tiết mát mẻ, có mưa. Tuối như vậy có thể gọi là phương pháp tưới nước nông - lộ - phơi, vừa giảm lượng nước tưới, vừa giảm sản sinh khí CH4  trong canh tác lúa. Phương pháp tưới nói trên, kết quả nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy làm giảm phát thải đến 50% lượng phát thải khí CH4 có thể quy đổi thành tín chỉ giảm phát thải carbon.
Bốn: Để được cấp và bán được tín chỉ carbon, cơ sở sản xuất phải có quy mô sản xuất hàng chục, hàng trăm ha và phải có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những cam kết trong dự án phải được nông dân thực hiện nghiêm túc và phải có nhật ký giảm phát thải. Đồng thời cả nông dân và cơ sở sản xuất cần thuê một công ty thẩm định và chứng nhận quy trình sản xuất, số lượng phát thải khí nhà  kính giảm, cấp chứng nhận về tín chỉ carbon. Lúc đó, nông dân và cơ sở sản xuất mới có thể bán được tín chỉ carbon để thu tiền về. Trong quá trình sản xuất, nếu người nông dân không hiểu hoặc không thực hành đúng những công đoạn được ghi trong dự án thì lượng phát thải sẽ không đạt như cam kết và số tín chỉ carbon thu được cũng không nhiều, hiệu quả thấp, thậm chí sản phẩm lúa gạo đó không được gọi là sản phẩm giảm phát thải thì không thể có tín chỉ carbon.
Năm: UBND tỉnh, trực tiếp là ngành nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cần xây dựng các chương trình ứng dụng KH&CN về sản xuất lúa phát thải thấp, năng suất chất lượng cao, như một số tỉnh đã và đang làm hiện nay. Đồng thời có nhiều cơ chế chính sách hấp dẫn để khuyến khích người nông dân và cơ sở sản xuất tích cực tham gia thị trường tín chỉ carbon, vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp Nghệ An.

Tác giả bài viết: Trí Tuệ - Thế Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây