Chung tay phát huy giá trị đa dạng sinh học

Thứ năm - 26/10/2023 05:20 640 0
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới, là nơi trú ngụ của hơn 13 nghìn loài thực vật, khoảng 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú. Nguồn tài nguyên ĐDSH này là nguồn gien quý báu cho phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã hiện nay đã và đang là những mối đe dọa chính dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã, làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất ĐDSH.
Chung tay phát huy giá trị đa dạng sinh học

Tại Tọa đàm "Xã hội hóa công tác bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam: Nhu cầu và giải pháp", nhiều ý kiến chỉ ra các rào cản, thách thức và giải pháp thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH của Việt Nam

TS. Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Nâng cao nhận thức là giải pháp quan trọng nhất

_mg_1951.jpg

Xã hội hóa hoạt động bảo tồn ĐDSH là công tác vận động xã hội nhằm tăng thêm nguồn lực đáp ứng các nhu cầu trong hoạt động bảo tồn ĐDSH. Có rất nhiều vấn đề cần xã hội hóa chứ không riêng nhu cầu tài chính. Đối với ngành này, nhu cầu nguồn nhân lực triển khai các hoạt động thực tiễn rất quan trọng, tiếp đó là tài chính, cơ sở vật chất (đất đai, nhà, máy móc, trang thiết bị, tài liệu, phim ảnh…); tri thức (kiến thức phổ thông, kiến thức chuyên môn) và tri thức được đúc kết trong các cộng đồng; kinh nghiệm và kỹ năng; công nghệ thông tin.

Tại Việt Nam, những chủ thể đang tham gia công tác xã hội hóa bảo tồn ĐDSH bao gồm: Nhà nước và chính quyền nhân dân các cấp; các đơn vị kinh tế; đoàn thể nhân dân và tôn giáo; trường học; lực lượng vũ trang; tổ chức quốc tế. Thách thức lớn nhất là cộng đồng nhận thức chưa đầy đủ về xã hội hóa, ngay cả khái niệm về xã hội hóa cũng chưa thống nhất.

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn ĐDSH, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên liên quan về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên và đa đạng sinh học. Đối tượng tác động rất nhiều, có thanh niên, người trung niên, cao tuổi, doanh nhân, công nhân, cán bộ, học sinh - sinh viên, đội ngũ tri thức, tôn giáo... Quan điểm của tôi là cần tập trung vào giới trẻ. Họ có nhận thức đúng sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ thái độ, truyền cảm hứng cho cộng đồng có hành vi phù hợp với môi trường. Riêng đối với người dân, cần giúp họ hiểu rõ những lợi ích từ công tác bảo tồn động vật hoang dã nói riêng hay bảo vệ môi trường nói chung. Họ từ người hưởng lợi sẽ dần trở thành đối tác, và sau đó là chủ thể tham gia tích cực vào các hoạt động này.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cần được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng vận động xã hội, cố gắng tìm được các bên tài trợ có chung chí hướng. Lưu ý, việc đàm phán chú ý không cắt gọt ý tưởng dự án quá nhiều để chiều theo nhà tài trợ, gây “méo mó” so với mục tiêu đặt ra.

Theo tôi, việc xây dựng cơ chế và chính sách xã hội hóa nói chung và trong bảo tồn ĐDSH nói riêng cần thể hiện vai trò của Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, các tổ chức đồng hành, người dân làm chủ (trực tiếp tham gia). Đặc biệt, chú ý thực hiện đầy đủ tham vấn, đối thoại chính sách; bố trí đủ nguồn lực triển khai và thực hiện phản biện xã hội, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách.

TS. Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Kỳ vọng lực đẩy từ tín dụng xanh

image003-5-.jpg

Khía cạnh bảo tồn ĐDSH và các chính sách thúc đẩy cộng đồng tham gia có liên quan đến nhiều luật chuyên ngành như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư,... Nhưng để hiểu đúng bản chất các biện pháp này về mặt văn bản pháp luật chứ chưa nói đến thực tiễn cũng là vấn đề đặt ra cho công tác truyền thông. Làm thế nào để người dân, người thực thi pháp luật hiểu được và làm theo.

Từ góc độ phân tích pháp luật, theo tôi, trước mắt cần rà soát lại hệ thống các quy định liên quan đến khuyến khích bảo tồn ĐDSH trong hệ thống pháp luật hiện hành để thúc đẩy triển khai và nâng cao hiệu quả.

Lấy ví dụ, quy định về các khoản vay bền vững như tín dụng xanh, trái phiếu xanh được kỳ vọng sẽ đi vào thực tiễn và tạo nguồn lực rất lớn cho doanh nghiệp. Tín dụng xanh là tín dụng cấp cho các dự án đầu tư sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Tuy nhiên, thời gian qua, dù tín dụng xanh có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng phần lớn dự án vay vốn tập trung vào đầu tư năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiêp xanh chứ không đổ vào khu vực bảo tồn thiên nhiên hay xử lý chất thải. Đây là vấn đề đặt ra cho công tác chỉ đạo, điều hành để định hướng dòng vốn.

Ngoài việc tiếp cận tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quy mô lớn vào phát triển vốn tự nhiên, bảo tồn ĐDSH cũng có thể phát hành trái phiếu xanh. Có 3 loại trái phiếu do Chính phủ, địa phương hay doanh nghiệp phát hành. Như vậy, có thể phát hành trái phiếu công để thực hiện các các hoạt động đầu tư cho môi trường.

Trong các chính sách hiện hành, nếu giữa các văn bản quy phạm pháp luật có sự chồng chéo, vướng mắc cần kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Đối với nhóm chính sách mới cần thời gian nghiên cứu, đưa vào luật thì cần được kiểm nghiệm và đánh giá theo thời gian, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả nhất.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường đang nghiên cứu các công cụ tiềm năng để xây dựng cơ chế huy động nguồn lực ngoài Nhà nước cho ĐDSH. Nổi bật hiện nay là quy định về bồi hoàn ĐDSH, áp dụng cho các đối tượng thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng làm xâm phạm các hệ sinh thái. Quy định đã có trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng việc sử dụng cơ chế như thế nào trong thời gian tới cần được nghiên cứu tiếp. Một công cụ tiềm năng khác là tín chỉ ĐDSH và hình thành thị trường tương tự thị trường tín chỉ các-bon, hoặc trái phiếu ĐDSH...

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia:

Doanh nghiệp nên thay đổi và tạo ra thay đổi

gaia_khao-sat-pu-hu_dung-phan_240923-102-.jpg

Gaia đã bắt tay làm việc với doanh nghiệp triển khai các hoạt động bảo tồn từ năm 2018. Thời kỳ trước đó, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH còn ngần ngại chuyện hợp tác với doanh nghiệp vì cho rằng sẽ tiếp tay cho hoạt động thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Doanh nghiệp cũng chưa quen làm việc với các tổ chức bảo tồn. Một số doanh nghiệp có suy nghĩ: họ là người tài trợ, và chúng tôi đi xin. Nhưng sau đó, Gaia dần xây dựng được mối quan hệ hợp tác, cùng chung tay giải quyết câu chuyện về bảo tồn thiên nhiên.

Về kinh nghiệm của Gaia, chúng tôi lựa chọn xây dựng các chương trình để hai bên cùng có lợi. Bởi rõ ràng, doanh nghiệp quan tâm đến việc tạo nhiều lợi nhuận và giá trị của cải cho xã hội. Vậy, chương trình của chúng tôi phải tạo tác động xã hội, giúp họ kết nối khách hàng, tạo uy tín, ảnh hưởng tốt cho doanh nghiệp. Nếu có thể, cần cố gắng tạo ra tác động cụ thể, có thể đo đếm được.

Gaia đã hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam khi tham gia các hoạt động xã hội thường nghĩ tới các chuyến đi từ thiện hơn là các hoạt động có tác động lâu dài về môi trường. Tôi cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc họ chưa tiếp cận nhiều công tác bảo tồn thiên nhiên, chưa có thông tin cụ thể, chưa tin tưởng vào năng lực của tổ chức, hoặc họ thấy các hoạt động thiện nguyện dễ thực hiện hơn. Họ chưa nhìn tới khía cạnh tạo ra tác động tích cực tới môi trường mà chỉ nghĩ sẽ giúp đỡ cụ thể cho đối tượng nào đó. Giải pháp đầu tiên, theo tôi là phải làm họ thấu hiểu rằng việc cho học bổng, quần áo, thực phẩm chỉ là cho “con cá”, và bảo vệ thiên nhiên mới là “cần câu”. Bên cạnh đó, hoạt động mà tổ chức bảo tồn muốn lôi kéo họ tham gia cũng cần tạo ra tác động thấy ngay được trong thực tiễn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, và đây là đối tượng chúng tôi mong muốn sẽ tham gia hơn nữa vào công tác bảo tồn trong thời gian tới.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội khóa XV

Bảo tồn là trách nhiệm, nghĩa vụ, không phải là từ thiện hay hoạt động xã hội

van_9502.jpg

Hai vấn đề phổ biến ở bất kỳ vườn quốc gia, khu bảo tồn hay địa phương nào, đó là thiếu người và thiếu tiền. Trong nhiều chuyến đi thực tế, tôi đặt vấn đề với các bên quản lý: Vậy trong bối cảnh không có người và thiếu tiền, chúng ta có làm tốt bảo tồn được không?

Có 2 lực lượng bù vào khoảng trống này, đó là người dân và doanh nghiệp. Chúng ta cần giúp họ hiểu được việc họ tham gia bảo tồn sẽ giúp khai thác bền vững các các giá trị từ bảo tồn, chứ không phải cơ quan quản lý, các tổ chức bảo tồn làm hộ người dân. Chúng ta có pháp luật, có chính sách, có mô hình, nhưng khi áp dụng cho cộng đồng, địa phương cụ thể cần phân loại đối tượng và cải tiến các bài học, mô hình tương ứng cho phù hợp.

Lấy ví dụ về việc Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với mặt hàng thủy sản. Quan điểm của tôi là phải làm tốt chính sách ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường. Chúng ta bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt cá bất hợp pháp không phải chỉ là giải pháp tình thế để thoát thẻ vàng của EC. Quan trọng là phải giữ gìn hình ảnh của Việt Nam, phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững, giúp ngư dân yên tâm bám biển, giữ vững vùng biển của Tổ quốc.

Doanh nghiệp là người sử dụng biển, sử dụng rừng thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp cho công tác quản lý, bảo vệ. Đây không chỉ là làm từ thiện hay công tác xã hội. Tôi đồng tình với TS. Lại Văn Mạnh về việc phải triển khai tốt các văn bản pháp luật hiện hành. Có ví dụ thực tiễn thì khi đề xuất hoàn thiện văn bản pháp luật sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện. Hiện nay, mặc dù quy trình làm chính sách pháp luật của Việt Nam vẫn chưa nhanh nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng đang cải tiến vấn đề này. Bình thường Quốc hội họp thường 2 lần/năm, riêng năm nay đã có 6 cuộc họp bất thường để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Đối với vấn đề xã hội hóa công tác bảo tồn, cần xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án rất cụ thể và chỉ rõ các hành động cần thực hiện. Vốn Nhà nước mang tính dẫn dắt cho các nguồn vốn khác cùng tham gia. Tôi đã tham mưu cho tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang, trong đó có thí điểm hợp tác công - tư quản lý 1 phần vịnh, phần còn lại huy động các nguồn vốn Nhà nước khác. Nếu thành công, đây sẽ là kinh nghiệm tốt cho các địa phương khác.

Ông Võ Văn Dự - Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế

Phát huy hết khả năng của chính sách

van_9500.jpg

Ở địa phương, chúng tôi đặt vấn đề: Có thể làm gì dựa trên các chính sách hiện hành? Với những gì chưa làm được, đâu là điểm nghẽn trên dòng chảy từ chính sách đến thực tiễn? Trong thẩm quyền, phạm vi của đơn vị có làm được hay không?

Từ cách đặt vấn đề đó, chúng tôi đi vào triển khai thực tế. Hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý rừng cộng đồng và Thừa Thiên - Huế hiện là tỉnh duy nhất trên cả nước có quy chế này. Hội cũng trao đổi với các dự án để hỗ trợ 2 Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn.

Với tư cách tổ chức xã hội nghề nghiệp, chúng tôi đã đề xuất tổ chức một hội nghị chuyên đề về quản lý rừng bền vững và bảo vệ động vật hoang dã. Hội nghị đã được tổ chức thành công và được Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đến dự, tiếp thu các ý kiến nhằm xây dựng một chỉ thị để cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Với vai trò là Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư đề xuất ban hành Nghị quyết chuyên đề về quản lý rừng bền vững, trong đó có bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn ĐDSH. Là người chỉ đạo chính sách, Bí thư đề nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai Chỉ thị 13, trong đó có nội dung riêng về bảo tồn động vật hoang dã. Những kiến nghị vượt thẩm quyền sẽ được báo cáo tới Chính phủ và Quốc hội.

Theo tôi, ở cấp cơ sở, chính những người làm quản lý, triển khai các dự án cũng cần học hỏi một cách nghiêm túc từ cộng đồng, từ kiến thức bản địa của họ để xây dựng nên các giải pháp, mô hình hay đề xuất chính sách phù hợp. Cách làm của chúng tôi là trong các cuộc họp cộng đồng, chúng tôi không trả tiền khuyến khích người dân đi họp cho đông, mà trả cho bất kỳ ai có sáng kiến. Người đánh giá sáng kiến cũng từ chính cộng đồng bầu ra. Nếu sáng kiến ít, số tiền sẽ được dành làm giải thưởng cho cộng đồng triển khai sáng kiến hiệu quả nhất.

Ông Vũ Hoài Khương - Chương trình quốc tế về Bảo tồn loài - WWF Việt Nam

Huy động sự tham gia của các bên cùng tạo hiệu quả cao nhất

van_9466.jpg

Việc xác định chủ thể, đối tác quan trọng như tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp trong hoạt động cụ thể rất quan trọng và cần mời họ tham gia cùng góp tiếng nói chung vào bảo tồn hệ sinh thái, ĐDSH. Đơn cử, dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp của WWF đưa ra giải pháp huy động sự tham gia của các bên trong bảo tồn ĐDSH và chống buôn bán trái pháp luật. 3 trụ cột chính gồm: Tăng cường sự tham gia lãnh đạo của các cấp, các ngành trong triển khai chính sách pháp luật; Tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi; Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Chúng tôi làm việc với VCCI - đại diện doanh nghiệp để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn, đề xuất các giải pháp triển khai trong cộng đồng doanh nghiệp. Sau khi các hội, hiệp hội đưa ra cam kết cụ thể, doanh nghiệp có định hướng để tham gia các dự án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục giúp đỡ họ tăng cường nhận thức, tập huấn và kết nối các bên.

WWF đã làm việc với doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực: du lịch, vận tải, logistic, ngân hàng, y học cổ truyền... Tiềm năng bảo tồn động vật hoang dã trong nội hàm thực hiện trách nhiệm xã hội còn nhiều. Mặt khác, rất nhiều điều kiện trong các cam kết quốc tế, hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Doanh nghiệp muốn thể hiện sự đồng hành với quốc tế hoàn toàn có thể tham gia sâu hơn vào các công tác bảo tồn.

WWF cũng hợp tác với nhiều tổ chức phi lợi nhuận, đồng hành với các hoạt động bảo tồn của họ thông qua các gói tài trợ nhỏ về nâng cao năng lực và tài chính. Hiệu quả bước đầu rất khả quan.

Đặc biệt, năm 2023, WWF phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng làm việc với Ủy ban kinh tế Trung ương về việc bổ sung nội dung bảo tồn động vật hoang dã vào Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự quản lý quản lý và lãnh đạo của Đảng về quản lý và phát triển rừng. Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13 trở thành cơ sở pháp lý ở cấp cao nhất, mở rộng nội hàm sự lãnh đạo của Đảng đối với bản tồn ĐDSH và tạo thuận lợi cho các hoạt động xây dựng chính sách. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục các chương trình vận động chính sách để triển khai Kết luận số 61.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây