Học sinh Nghệ An lo lắng vì chưa rõ phương án thi vào lớp 10

Thứ ba - 05/11/2024 04:09 168 0
Việc dự thảo về việc lựa chọn môn thứ 3 cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất vô hình trung tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh và dẫn đến những khó khăn trong quá trình ôn thi của các nhà trường.
Chưa thống nhất quan điểm
Trước đó, vào đầu tháng 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3 trong thi tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, phương án này không nhận được sự đồng tình và tạo ra nhiều dư luận trái chiều phản đối, vì cho rằng, điều này sẽ tạo áp lực cho học sinh trong quá trình ôn tập.
Để thay thế cho phương án cũ, mới đây vào trung tuần tháng 10, khi chính thức công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh.
Theo đó, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có 3 phương thức gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Riêng đối với việc tổ chức thi tuyển, các địa phương sẽ thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Theo dự thảo này, môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra phương án việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Việc ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT được thực hiện trong bối cảnh năm học 2024-2025 là năm khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Vì thế, năm nay sẽ là năm đầu tiên Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trước khi dự thảo được ban hành để lấy ý kiến qua 63 sở giáo dục và đào tạo cùng các trường THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra quan điểm xây dựng dự thảo dựa trên 3 nguyên tắc, đó là gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém, thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện. Từ đó, để học sinh có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đủ điều kiện để tiếp tục học lên THPT, bảo đảm mặt bằng chung để phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá.
Môn thi thứ 3 phải phù hợp với thực tiễn
Liên quan đến việc thay đổi trong Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh THCS (thi vào lớp 10), nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ phương án bốc thăm môn thi thứ 3 là phù hợp. Điều đó, giúp học sinh được chủ động hơn trong quá trình ôn tập.
Tuy nhiên, với dự thảo mới đưa ra, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu việc chọn môn thi thứ 3 cần phải đảm bảo tính luân phiên hằng năm cũng sẽ gây áp lực cho học sinh. Nhiều phụ huynh, dù con năm nay mới học lớp 7, lớp 8 cũng đã cảm thấy lo lắng.
Chị Lê Thị Hoài Thương, có con đang học lớp 8 ở thành phố Vinh cho biết: "Kỳ thi lớp 10 là kỳ thi đặc biệt quan trọng. Từ năm sau, học sinh trên địa bàn thành phố Vinh sẽ tăng đột biến với hơn 8.000 thí sinh dự thi mỗi năm. Vì thế, nếu Sở Giáo dục và Đào tạo không sớm công bố môn thi học sinh sẽ gặp khó khăn trong quá trình ôn tập và càng tạo áp lực cho các con. Chưa kể, nếu mỗi năm sẽ thi một môn khác nhau, học sinh sẽ bị động trong quá trình ôn tập".
Qua thực tế triển khai chương trình mới cũng cho thấy, ngoài 2 môn bắt buộc Ngữ văn và Toán thì các môn còn lại rất khó để lựa chọn môn thi phù hợp. Cụ thể, nếu thí sinh dự thi môn Khoa học tự nhiên, các em sẽ phải học 3 môn Lý – Hóa – Sinh, nếu thi môn Lịch sử - Địa lý, việc học cũng rất vất vả. Trong khi đó, các môn còn lại như Tin học, Công nghệ, tiếng Anh... thì phương án tối ưu nhất vẫn là môn tiếng Anh.

Tôi nghĩ, trong thời điểm hiện nay, nếu thi môn Khoa học tự nhiên hoặc Lịch sử - Địa lý đều không phù hợp, bởi khối lượng kiến thức các môn này quá nặng. Ngoài ra, việc dạy học các môn này ở bậc THCS hiện nay còn nhiều khó khăn, chưa có đủ giáo viên. Trong khi đó, tiếng Anh vẫn là môn học được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm, đầu tư.
Nếu không học tiếng Anh, sau này các em không có nhiều cơ hội để phát triển. Hoặc nếu các em lên đại học, các em cũng sẽ rất vất vả, vì tất cả các trường đại học đều có tiêu chí đầu ra về tiếng Anh.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Kiều
Đưa ra quan điểm của mình, cô giáo Võ Thị Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hành (Tân Kỳ) cũng mong muốn ngành Giáo dục nên lựa chọn 1 môn thi phù hợp để tránh áp lực cho học sinh.
Về phía các nhà trường, có trách nhiệm để giáo dục học sinh phát triển toàn diện: Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án lựa chọn luân phiên môn thi thứ 3, mục đích chính là để tránh học lệch, học tủ. Nhưng thực tế, ở các nhà trường, lâu nay, dù không thi nhưng các em vẫn phải học đều các môn và hàng năm đều có các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ để đánh giá năng lực học sinh. Chưa kể, hiện nay tất cả các bộ môn, các giáo viên đều ký cam kết đảm bảo chất lượng với nhà trường, nhà trường ký cam kết với phòng. Vì thế, sẽ không có tình trạng học đối phó...
Theo kế hoạch dù phải đến tháng 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra phương án chính thức chọn môn thứ 3 cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhưng hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã là địa phương đầu tiên công bố phương án chọn môn thi tiếng Anh. Tại Nghệ An, đây cũng là môn thi truyền thống đã được thực hiện nhiều năm nay.
Để tránh áp lực cho học sinh, nhiều phụ huynh và học sinh chia sẻ việc công bố môn thi thứ 3 phải sớm được triển khai. Đồng thời, việc lựa chọn môn phải phù hợp thực tiễn để tránh xáo trộn trong quá trình ôn tập, đảm bảo đánh giá đúng khách quan năng lực thí sinh và phù hợp với tiêu chí tuyển sinh vào THPT.
Để việc góp ý được thực hiện khách quan, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang lấy ý kiến từ các nhà trường.

Việc bộ giao cho các địa phương lựa chọn phương án tuyển sinh, lựa chọn môn thi thứ 3 là phù hợp và đúng với đặc thù từng địa phương.
Về môn thi, cá nhân tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Tiếng Anh vẫn là môn phù hợp nhất, vì phù hợp với tiêu chí đầu vào của các nhà trường. Trong khi đó, nếu chọn môn Khoa học tự nhiên hoặc chọn Lịch sử - Địa lý đang còn những bất cập. Chưa kể, các môn này, có thể lên THPT các em sẽ không lựa chọn học nữa nên cũng không phù hợp với tiêu chí tuyển sinh vào lớp 10 cho tất cả các học sinh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo
 

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây