KỸ THUẬT THÂM CANH MÍA

Thứ sáu - 15/10/2021 00:09 778 0
Mía là cây công nghiệp lấy đường quan trọng của ngành công nghiệp đường, có thể ép lấy nước giải nhiệt rất tốt vào mùa hè. Hằng năm, ngành mía đường Nghệ An sản xuất khoảng từ 8 đến 10% sản lượng đường của cả nước, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi. Vì vậy, để tăng sản lượng mía cho toàn tỉnh, phấn đấu đưa cây mía đạt năng suất cao nhất bảo đảm phát triển bền vững, cần có kỹ thuật trồng cây mía đúng cách.
Xác định đúng giai đoạn để thu hoạch mía cho năng suất cao nhất
Xác định đúng giai đoạn để thu hoạch mía cho năng suất cao nhất
Tại Nghệ An, một số giống mía đang trồng đại trà, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây như: VĐ93-159 (Việt Đường 93): Có nguồn gốc từ Trung Quốc (Năng suất 80-100 tấn/ha, độ đường trên mía rất cao 14 - 15%); ROC16: có nguồn gốc từ Đài Loan (Năng suất 80 - 100 tấn/ha, thâm canh tốt cho năng suất cao trên 100 tấn/ha); ROC10: có nguồn gốc từ Đài Loan (năng suất 80-100 tấn/ha); Giống mía VĐ00-236: có nguồn gốc từ Trung Quốc (năng suất mía cây cao, đạt trên 100 tấn/ha); Viên Lâm 3 và Viên Lâm 6: có nguồn gốc từ Đài Loan (Năng suất đạt 80 – 100 tấn/ha, thâm canh có thể đạt trên 150 tấn/ha, độ đường trên mía cao 12 - 14%); My 55-14: có nguồn gốc từ Cu Ba (Năng suất trung bình 50 tấn/ha); ROC 22: có nguồn gốc từ Đài Loan (Năng suất mía cây từ 90 - 120 tấn/ha); QĐ15: Có nguồn gốc từ Trung Quốc (Năng suất đạt 90 tấn/ha. Hàm lượng đường CCS trên 12%).
Thời vụ
     Vụ Đông Xuân: Trồng từ tháng 12 năm nay đến hết tháng 3 năm sau. Tốt nhất là trồng từ tháng 12 năm nay đến tháng 2 năm sau.
Vụ Thu: Trồng từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
1. Chọn đất và làm đất
1.1. Chọn đất
Cây mía không  yêu cầu chọn đất khắt khe nhưng để có điều kiện thâm canh đạt năng suất cao, yêu cầu đất có độ dốc < 10°. Tầng canh tác sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, pH  trung tính và thoát nước tốt.
1.2. Làm đất
Cày sâu 30-35 cm và bừa từ 2 đến 3 lần, rạch hàng 1 lần sâu từ 25-30 cm. Hướng cày lần sau phải vuông góc với hướng cày lần trước để tránh lỏi và đạt độ sâu cần thiết. Độ sâu cày bằng máy phải đạt 30 – 35 cm. Độ sâu cày trâu bò phải đạt 15 – 20 cm.
Sau mỗi lần cày là một lần bừa. Tuỳ theo tình trạng cụ thể của đất mà số lần bừa có thể tăng lên, sao cho đạt yêu cầu về chất lượng là: loại đường kính viên dưới 3 cm chiếm 80%, loại đường kính viên dưới 5 cm chiếm 20% và không có đất to đường kính viên trên 5 cm.
Thời gian (khoảng cách) giữa các lần cày, bừa tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của đồng ruộng và mùa vụ cụ thể mà xác định. Thông thường theo phương pháp truyền thống, thời gian từ lúc cày vỡ cho đến lúc đặt hom trồng kéo dài khoảng 45 – 60 ngày. Trong trường hợp ở những nơi  đất nhẹ hoặc đất luân canh với các cây họ đậu, đất trồng rau sạch chuyển qua v.v... thời gian có thể rút ngắn lại và số lần cày bừa thực tế vẫn có thể giảm so với yêu cầu chung.
2.  Phân bón
2.1. Lượng phân bón cho 1ha
 
Loại Phân Tổng số
 (kg)
Bón lót
 (kg)
Bón thúc 1 (kg) Bón thúc 2 (kg)
Phân chuồng 1.000-15.000 1.000-1.5000      
Đạm urê 434-544   217-272 217-272  
Lân supe 500-625 500-625      
Kali sunphat 200-250   100-125 100-125  
Phân hữu cơ vi sinh 1.000-2.000   500-1.000 500-1.000  
Vôi bột 500-1.000        

2.2. Phương pháp bón:
- Vôi bột bón trước khi bừa lần cuối.
- Bón lót: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân. Bón đều theo rãnh, lấp nhẹ đất trước khi đặt hom.
- Bón thúc lần 1: khi mía có 4 - 6 lá (giai đoạn mía bắt đầu đẻ nhánh).
- Bón thúc lần 2: khi mía có 9 - 12 lá (giai đoạn bắt đầu hình thành lóng).
3. Cách trồng
3.1.  Lượng giống và mật độ trồng.  
- Lượng giống: 9-10 tấn/ha (vụ Đông xuân), 10-11 tấn/ha (Vụ thu).
- Khoảng cách và mật độ:
 + Hàng x hàng: 0,9 - 1,2m. Tuỳ từng loại đất tốt, xấu và khả năng đầu tư thâm canh. Khoảng cách đó phải đảm bảo thuận lợi cho chăm sóc như làm cỏ, vun gốc…
+ Mật độ: 34.000 - 36.000 hom/ha.
    1. . Cách trồng
Đặt theo hàng nối đuôi nhau, hoặc hai hàng xen kẽ ( kiểu nanh sấu)
Đặt hom xong lấp một lớp đất mỏng 3 - 5cm, nếu đất khô sau khi lấp dẫm nhẹ lên hàng mía để hom tiếp xúc tốt với đất, giữ ẩm cho hom mía.
4. Chu kỳ luân canh
- Đối với vùng đất tốt kỹ thuật thâm canh cao áp dụng chu kỳ 5 năm, trong đó: 1 năm mía tơ + 3 năm lưu gốc + 1 năm luân canh.
- Đối với vùng đất xấu, trình độ thâm canh chưa cao, áp dụng chu kỳ 4 năm, bao gồm: 1 năm mía tơ + 02 năm lưu gốc và 01 năm luân canh.
- Đối với loại đất có tỷ lệ cát cao, khô hạn, bạc màu, đất có mầm mống sâu hại gốc nhiều, áp dụng chu kỳ 03 năm, bao gồm: 01 năm mía tơ + 01 năm lưu gốc và 01 năm luân canh. Nên hạn chế áp dụng chu kỳ này vì hiệu quả kinh tế không cao.
5. Chăm sóc
5.1. Chăm sóc mía trồng mới:
          - Chăm sóc lần 1: khi mía đạt 4 - 6 lá. làm cỏ, cày xới phá váng giữa hàng mía và hai bên gốc mía, đảm bao cho đất tơi xốp thoáng khí, kết hợp bón phân lần 1.
- Chăm sóc lần 2: khi mía bắt đầu hình thành lóng, làm cỏ quanh gốc mía, cày xả hai bên hàng mía, kết hợp bón phân lần 2 và vun gốc chống đổ.
- Chăm sóc lần 3: khi mía đã có 3 - 4 lóng. Công việc lúc này là kiểm tra tình hình cỏ dại trên ruộng, mương thoát nước, bóc lá già, tình hình sâu bệnh trên ruộng mía để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
5.2. Chăm sóc mía gốc:
- Bạt gốc: Tiến hành dồn lá, cỏ dại. Bạt gốc ngay sau khi thu hoạch mía. Dùng cuốc hoặc dao thật sắc cuốc, bạt sâu từ  3 - 10cm, chỉ trừ 2 - 5 đai mầm ( tuyệt đối không đốt lá trên ruộng mía) sau đó cày xả hai bên luống để làm đứt rễ già, cày cách gốc mía 20 - 25cm, phơi ải 3 - 5 ngày thì tiến hành bón lót và bón thúc như mía trồng mới.
- Dặm gốc: Sau khi bạt gốc cần tiến hành bứng dặm những chỗ bị mất gốc.
- Dặm mầm: khi mía đã mọc mầm kiểm tra những chỗ thiếu mầm để bứng tỉa dặm vào chỗ mất mầm.
- Dặm hom: khi kết thúc nẩy mầm nếu không có đủ mầm để dặm thì có thể dặm hom, xử lý cho hom cương mầm rồi mới dặm.
Các giai đoạn tiếp theo chăm sóc như mía tơ.
5.3. Tưới nước
Lượng nước cần tưới được xác định theo từng giai đoạn như sau: Từ 180-360m3/ha vào giai đoạn mía nẩy mầm; từ 400-600m3/ha khi mía đẻ nhánh và từ 400-800m3/ha khi cây mía đang vươn lóng. Nên tập trung tưới nước vào 2 giai đoạn mía đẻ nhánh và vươn lóng nhằm làm tăng năng suất và chất lượng mía cây khi thu hoạch.
a. Tưới tràn
 dùng bơm bơm nước hoặc lấy nước từ kênh tưới, xả nước chảy tràn trên ruộng mía hoặc chảy theo rãnh mía.
Ưu điểm: Thấm sâu, giữ ẩm lâu, chi phí ban đầu thấp.
Nhược điểm: Tiêu hao lượng nước lớn, hao tốn nhiên liệu nhiều, thời gian tưới kéo dài, yêu cầu đồng ruộng bằng phẳng, có độ nghiêng tương đối.
b. Tưới ria
Bơm nước vào ống dẫn, đưa nước vào tưới ria trực tiếp trên ruộng mía
Ưu điểm: Tưới trên mọi địa hình.
Nhược điểm: Tiêu hao lượng nước lớn, thời gian giữ ẩm không lâu, cần nhiều công lao động, chỉ áp dụng khi cây mía còn nhỏ.
c. Tưới phun
Tưới phun bằng ống nhựa PVC đục lỗ: đây là phương pháp tưới hiện nay được đa số nông dân áp dụng để tưới mía.
Ưu điểm: Tiết kiệm nước, công lao động, tưới trên mọi địa hình, chi phí thấp.
Một ống dây tưới dài 100 m khoảng 500.000 đồng. Một ha cần 2 ống dây, tưới 1 lần cho 4-6 hàng mía. Sau khi tưới 1-2 giơ, chuyển dây sang hàng mía khác rất dễ dàng. Tưới  2-3 ngày được 1 ha mía. 

Ngừa sâu bệnh
Phòng trừ rệp bằng thuốc Ofatox, phòng trừ sâu đục thân bằng thuốc Padan theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác. Chung quanh đám mía trồng những trụ cách nhau 5m, rào bằng cây hoặc căng dây thành 2 - 3 hàng để mía ít bị đỗ ngã.
Thu hoạch
Tùy từng giống mía ta trồng mà xác định được giai đoạn chín của mía. Quan sát màu da thân mía trở nên bóng, sậm, ít phấn, lá khô nhiều, độ ngọt giữa gốc và ngọn không chênh lệch là thu hoạch được. Dùng dao thật bén đốn sát gốc tất cả các cây trên hàng mía, để vụ sau mía tái sinh đều hơn. Thu hoạch đến đâu vận chuyển đến đó, không nên để lâu quá hai ngày lượng đường trong mía sẽ giảm.

Tác giả bài viết: Thùy Linh - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây