Biện pháp phòng tránh Sốc nhiệt trong mùa nắng nóng

Thứ tư - 01/05/2024 23:38 349 0
Nắng nóng đặc biệt gay gắt xảy ra diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nắng nóng đặc biệt gay gắt xảy ra diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành phố trên cả nước đang bước vào đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, đặc biệt là các tỉnh Bắc trung bộ. Một số địa phương thậm chí còn ghi nhận những mức nhiệt kỷ lục chạm mốc 44 độ C như Nghệ An, Hà Tĩnh... Trong thời tiết này, các hiện tượng say nắng, sốc nhiệt hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là đối với những người phải thường xuyên làm việc và hoạt động ngoài trời. Nếu không được xử lý kịp thời thì sốc nhiệt có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một số biện pháp để phòng tránh sốc nhiệt vào mùa nắng nóng.

1. BẢO ĐẢM ĐẦY ĐỦ CÁC PHƯƠNG TIỆN CHỐNG NẮNG VÀ BỔ SUNG NƯỚC THƯỜNG XUYÊN ĐỂ PHÒNG TRÁNH SỐC NHIỆT
  • Hạn chế di chuyển ngoài trời vào thời điểm cường độ nắng nóng cao, nhất là khi không thực sự cần thiết.
  • Nếu bắt buộc phải di chuyển ngoài trời, phải sử dụng đầy đủ nón hoặc mũ rộng vành, quần áo chống nắng và kính mát để có thể che chắn và giảm tác động của nhiệt.
  • Người lao động ngoài trời cần có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng. Cứ sau 1 – 2 tiếng, phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 – 15 phút để giúp cơ thể hạ nhiệt. Đồng thời cần bổ sung nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.

Bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể là một trong những cách hiệu quả để phòng tránh sốc nhiệt, say nắng khi làm việc ngoài trời.

2. TĂNG CƯỜNG ĂN THÊM CÁC LOẠI TRÁI CÂY, RAU CỦ ĐỂ NÂNG CAO SỨC ĐỀ KHÁNG VÀ DUY TRÌ MỘT HỆ MIỄN DỊCH KHỎE MẠNH
  • Thường xuyên thực hiện ăn chín, uống sôi; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Tăng cường ăn thêm các loại trái cây, rau củ nhiều nước để cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết.
  • Một số loại quả có múi như: bưởi, cam, chanh, lê, dứa,.. không chỉ có tác dụng tốt với một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường mà còn có tác dụng làm mát cho cơ thể.
3. KHÔNG ĐỂ NHIỆT ĐỘ MÁY LẠNH QUÁ THẤP ĐỂ PHÒNG TRÁNH SỐC NHIỆT KHI RA MÔI TRƯỜNG BÊN NGOÀI
  • Sốc nhiệt từ lạnh sang nóng rất thường gặp khi sử dụng điều hòa quá lâu (ở trong phòng, trong xe hơi…).
  • Trước khi ra ngoài, nên tắt máy lạnh trước 30 phút để cơ thể kịp thích ứng, tránh sốc nhiệt máy lạnh.
  • Sau khi sử dụng máy lạnh, cần tắt máy lạnh và mở cửa để không khí lưu thông.

4. MỘT SỐ BƯỚC SƠ CỨU ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ SỐC NHIỆT
  • Người bị say nắng, sốc nhiệt thường có các biểu hiện như: choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Khi phát hiện người bị say nắng, phải lập tức đưa đến nơi thoáng mát.
  • Giúp người bệnh cởi bớt quần áo và cho họ uống nước có pha muối: nước chanh hoặc nước bột sắn dây…
  • Chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn và lưng. Đây là nơi có rất nhiều mạch máu gần với da nên việc làm mát ở những khu vực này có thể làm giảm nhanh nhiệt độ của cơ thể.
  • Nếu thấy bệnh nhân có những triệu chứng nặng như: buồn nôn, sốt cao hay hôn mê thì cần phải chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
 

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây