ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN TIÊU CHÍ Y TẾ ĐẠT CHUẨN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Thứ tư - 04/12/2024 22:13 64 0
Xây dựng nông thôn mới là trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Xác định ý nghĩa quan trọng của chương trình, những năm qua ngành Y tế và các địa phương đã tích cực chỉ đạo thực hiện tiêu chí y tế thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới.
Hội đồng thẩm định tỉnh, thẩm định công nhận xã đạt chuẩn y tế năm 2023;
Hội đồng thẩm định tỉnh, thẩm định công nhận xã đạt chuẩn y tế năm 2023;
Thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng nông thôn mới, ngành Y tế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành tới các đơn vị trong toàn ngành. Đặc biệt, quán triệt sâu rộng trong đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế ngoài việc không ngừng học tập nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh còn phải thường xuyên đề cao tinh thần, thái độ phục vụ, tuân thủ nguyên tắc giao tiếp ứng xử với người bệnh, với người nhà bệnh nhân, hướng tới sự hài lòng của khách hàng ngay tại tuyến y tế xã. Đồng thời, Nghệ An đã từng bước bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà trạm; tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế. Hơn nữa, không chỉ ngành Y tế nỗ lực triển khai tiêu chí số về y tế trong xây dựng nông thôn mới mà còn có sự vào cuộc khẩn trương, tích cực, đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã.
Ước tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có từ 327/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 127 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); có 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới, 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, tỷ lệ xã đạt bộ Tiêu chí quốc gia về y tế là 77,6%, số bác sỹ trên 10.000 dân là 12,9 bác sỹ, tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ là > 90%, số giường bệnh trên 10.000 dân là 38,2 giường và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%.
Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề với tỉnh Nghệ An bởi rào cản lớn nhất là sự hạn hẹp về nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất nhà trạm đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước giai đoạn hiện nay. Ý thức được điều đó, Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết thuộc về “phần mềm” đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, không cần sự đầu tư lớn về ngân sách, đó là: Rà soát, kiện toàn nguồn nhân lực tại các trạm y tế, đảm bảo đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu; nâng cao năng lực cán bộ y tế trong tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, xây dựng và tổ chức triển khai các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn; từng bước bổ sung đầy đủ các trang thiết bị cơ bản, thiết yếu cho các trạm y tế; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe; thường xuyên đào tạo, tập huấn với nhiều hình thức khác nhau nhằm cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ thầy thuốc trong phòng bệnh, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; phê duyệt và chỉ đạo triển khai cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh với chất lượng ngày càng được cải thiện… Bằng cách làm đa dạng như vậy, hầu hết các xã, phường, thị trấn tới nay chưa đạt tiêu chí Quốc gia về y tế chỉ do nguyên nhân chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất nhà trạm.
Đa số những xã thuộc vùng khó khăn, vùng núi, đông người dân tộc thì tỷ lệ này cao vì phần đông người dân ở đây được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước. Khi các xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, có xã chỉ trong vài tuần đã vận động được hàng ngàn người dân mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Hơn nữa, việc tuyên truyền, vận động để người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đang được các ngành liên quan cùng các địa phương triển khai tích cực.
Đối với các xã chưa đạt, ngành Y tế và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung rà soát, nắm bắt kịp thời, đầy đủ những điểm chưa đạt, chưa đủ điều kiện, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng bên liên quan để xử lý, tháo gỡ những điểm chưa đạt đó về cơ sở vật chất nhà trạm chưa đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết thách thức này, trong giao đoạn 2021-2025 Nghệ An được Trung ương hỗ trợ 242.059 triệu đồng đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với những xã đã đạt tiêu chí y tế, việc duy trì bền vững tiêu chí là hết sức quan trọng. Sở Y tế đã chỉ đạo nghiêm túc đánh giá khách quan các tiêu chí ngay từ khi thẩm định tại xã. Chỉ trình UBND tỉnh công nhận xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế với những xã đảm bảo điều kiện theo quy định, tuyệt đối không để tình trạng “nợ” tiêu chí, “châm trước” tiêu chí,…
Sau khi đã được công nhận đạt tiêu chí, công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan y tế tuyến trên với tuyến xã vẫn được thực hiện định kỳ. Cấp ủy, chính quyền địa phương - nhất là cấp xã - tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động chung của y tế tuyến xã, bao gồm cả việc duy tu, bảo dưỡng công trình y tế. Đồng thời, công tác củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở là trọng tâm ưu tiên trong phát triển sự nghiệp y tế của Nghệ An và cũng là cơ hội thuận lợi để đảm bảo tính bền vững của các xã đã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế.
 

Tác giả bài viết: MInh Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây