Về dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật 13 tỉnh miền trung, Tây nguyên. Về phía tỉnh Quảng Trị có sự tham dự của TS. Lê Đức Tiến – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; đại diện các Tổ chức – Hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Quảng Trị.
Chủ trì Hội thảo gồm: PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm UBKT Liên hiệp Hội Việt Nam, Th.S Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, Th.S Trần Ngọc Lân – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Quảng Trị.
Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đánh giá “Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có những đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Hội thảo đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của TVPB&GĐXH trong hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam. Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên cần tiếp tục khẳng định vai trò, thế mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN trong TVPB&GĐXH các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội thảo đã chia sẽ một số kinh nghiệm trong công tác TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội các địa phương; đồng thời trao đổi, thảo luận đưa ra một số giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao năng lực TVPB&GĐXH để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư trong thời gian tới, như:
Xây dựng cơ chế, chính sách: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Liên hiệp Hội Việt Nam, Liên hiệp Hội địa phương cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành quy định về hoạt động TVPB&GĐXH phù hợp với từng địa phương; Chủ động đề xuất các nhiệm vụ TVPB&GĐXH đối với các vấn đề về đường lối,chủ trương, chính sách quan trọng, đặc biệt là các dự án về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng đội ngũ trí thức; Tiếp tục làm việc với các Sở, ngành để xác định rõ vị trí, vai trò của Liên hiệp Hội trong hoạt động TVPB&GĐXH, trong đó xác định rõ Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương.
Về cơ chế tài chính: Cần chủ động phối với các Bộ, ngành liên quan trong việc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách tài chính phù hợp. Đồng thời phải tích cực tiếp cận các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hoạt động TVPB&GĐXH.
Về tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN tham gia hoạt động TVPB&GĐXH: Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác với các Viện nghiên cứu, trường đại học tập hợp các trí thức, nhà khoa học tại các cơ quan này trong hoạt động TVPB&GĐXH; Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng chuyên gia theo các lĩnh vực ngành nghề, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, sở trường… Đề xuất với chính quyền có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh đội ngũ trí thức, nhà khoa học nhằm khích lệ, tạo động lực để họ tiếp tục có những đóng góp thiệt thực hơn; Xây dựng cơ chế liên kết chuyên gia Trung ường với địa phương, địa phương với địa phương.
Về năng lực thực hiện: Tích cực tham gia các lớp đào tạo các kỹ năng về TVPB&GĐXH do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức, đồng thời chủ động mở các lớp tập huấn cho cán bộ thực hiện hoạt động TVPB&GĐXH của đơn vị; Bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ, kinh nghiệm và nhiệt huyết làm công tác TVPB&GĐXH; Tổ chức các diễn đàn khoa học, các hội thảo theo chủ đề đối với những vấn đề xã hội đang quan tâm để đội ngũ trí thức, nhà khoa học có thể trao đổi thông tin, chia sẽ kinh nghiệm, tạo cơ hội để các nhà khoa học tiếp cận được nhiều hơn về các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tại Hội thảo lần này, Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội các địa phương cũng đã trao đổi, thảo luận một số nội dung quan trọng khác trong định hướng xây dựng chương trình hành động để thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị. Liên hiệp các hội KHKT các tỉnh tham mưu, xây dựng Chương trình hành động của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá X) và Kết luận số 93-KL/TW, ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các Hội thành viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Nâng cao chất lượng đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách phát triển của tỉnh, nhất là về khoa học và công nghệ, chính sách đối với đội ngũ trí thức; có nhiều hình thức phù hợp để tôn vinh đội ngũ trí thức, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo khoa học và công nghệ, tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ./.