Thấp thỏm trước hàng chục điểm sạt lở ở Kỳ Sơn

Thứ năm - 15/08/2024 11:30 194 0
Trước mùa mưa bão đang đến gần, hàng trăm hộ dân cũng như các cấp chính quyền địa phương ở Kỳ Sơn đang thấp thỏm, lo lắng khi có hàng chục điểm sạt lở núi, sạt lở bờ sông đe dọa tính mạng, tài sản bà con. Vì vậy, ngoài theo dõi diễn biến thời tiết, huyện cũng lên phương án chủ động ứng phó.
Thấp thỏm trước hàng chục điểm sạt lở ở Kỳ Sơn

Bất an khi mùa mưa đến

Những ngày đầu tháng 8/2024, thời tiết ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn sáng nắng chiều mưa, không khí oi bức, ngột ngạt. Người dân địa phương cho biết, đây là thời gian bắt đầu bước vào mùa mưa. Di chuyển từ thị trấn Mường Xén vào xã Mường Típ, dọc cung đường đã được rải nhựa vào trung tâm xã, ngoài những điểm sạt lở núi từ mùa mưa năm 2023 đã được xử lý, còn có nhiều điểm sạt trượt mới xảy ra. Nhiều đoạn mương nước bị đất đá trượt trên núi xuống vùi lấp, nhiều đoạn đường đá lăn lổn nhổn trên bề mặt.

Gặp người đàn ông tên Hoa Bá Nưu đi từ bản Vàng Phao, xã Mường Típ đi ra thị trấn Mường Xén, ông cho biết, tại điểm sạt lở khá lớn ở bản Xốp Típ, trời mưa dân bản không dám đi qua đoạn đường này, vì sợ đá trên núi rơi xuống. “Có những hôm tuy trời nắng nhưng thi thoảng vẫn có những hòn đá nhỏ rơi từ trên đỉnh núi xuống, sợ lắm. Nhưng ngoài đi đường sông, thì đây là cung đường bộ độc nhất để đi ra Mường Xén nên dù lo sợ vẫn phải đi khi có việc cần thiết. Còn đi đường vòng quá xa, và cũng có nhiều điểm sạt lở khác" - ông Hoa Bá Nưu nói thêm.

Thông tin thêm về tình hình sạt lở, cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Kỳ Sơn cho biết, chính quyền luôn khuyến cáo người dân đi qua cung đường này phải đội mũ bảo hiểm đầy đủ để phòng tránh thương tích nếu không may đá rơi trúng. Đồng thời, khuyến cáo khi trời mưa thì hạn chế đi qua, nếu mưa kéo dài ngày thì một số điểm nguy cơ sạt lở cao sẽ cấm đường để đảm bảo an toàn cho người dân.

Các điểm sạt lở tmới xảy ra trên cung đường Mường Xén đi xã Mường Típ Kỳ Sơn ảnh Hoài thu

Các điểm sạt lở mới xảy ra trên cung đường Mường Xén đi xã Mường Típ. (Ảnh chụp ngày 9/8/2024). Ảnh: Hoài Thu

Lãnh đạo UBND xã Mường Típ cho biết, dọc cung đường từ thị trấn Mường Xén đi Mường Típ có 8 điểm đã sạt lở núi tại các bản: Huồi Khói, Chà Lạt, Xốp Phe, Xốp Típ, Vàng Phao, Na Mỳ, Ta Đo và Phà Nọi. Ngoài ra, có 2 điểm sạt lở bờ sông tại bản Xốp Típ và bản Na Mỳ. “Toàn bộ 8 điểm đã sạt lở núi trên cung đường Mường Xén - Ta Đo đều nằm trên địa bàn xã Mường Típ, trong đó nhiều điểm xảy ra thường xuyên, rất nguy hiểm cho người đi đường. Chúng tôi rất lo lắng, cử người thường xuyên theo dõi nắm tình hình để kịp thời cảnh báo đến người dân”, ông Moong Văn Khăm - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Típ chia sẻ.

Ngoài Mường Típ, xã Tà Cạ cũng là một trong những địa điểm nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai khi mùa mưa đến, đặc biệt là bản Hoà Sơn. Đầu tháng 8/2024, chúng tôi trở lại bản Hoà Sơn, nơi xảy ra trận lũ quét kinh hoàng tháng 10/2022 cuốn trôi hàng chục ngôi nhà và làm 1 người chết. Tuy người dân đã khắc phục, sửa chữa lại nhà ở, hoặc dựng nhà tạm để ở, song dấu vết của cơn lũ quét ám ảnh vẫn còn lưu trên nhiều nếp tường nhà nơi đây.

Dấu vết ngập lụt lũ quét còn lưu lại trên nhà người dân bản Hoà Sơn xã tà Cạ..

Dấu vết ngập lụt lũ quét năm 2022 còn lưu lại trên nhà người dân bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ (ảnh chụp ngày 9/8/2024). Ảnh: Hoài Thu

Bà Vi Thị Hương, một người dân có nhà ngay gần đầu bản Hoà Sơn cho biết, “cứ mưa xuống là không ngủ được vì lo sợ, nhất là khi đêm về. Trong nhà luôn có sẵn túi đựng các thứ cần thiết, để khi mưa quá, nước dâng, lũ đến để còn kịp thời di dời. Chứ trận lũ năm trước, tài sản của nhà bà trôi hết không còn thứ gì” - bà Hương bộc bạch. Nói rồi, bà chỉ vào những vết bùn còn in dấu trên tường nhà, nói: “Lũ năm đó nước dâng cao đến đây, ngập đến ngang bụng người, nay vết nước dâng vẫn còn khiến mỗi lúc nhìn thấy là lại lo sợ”.

Trên địa bàn xã Tà Cạ hiện có 4 địa điểm tiếp tục sạt lở và 1 địa điểm đe doạ sạt lở. Ví như gần đây, cung đường từ bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ lên bản Đống Dưới, xã Tây Sơn đã xảy ra sạt lở đường giao thông và nhà ở của người dân làm 6 hộ 25 khẩu bị ảnh hưởng. Hoặc dọc đường từ cổng chào bản Hoà Sơn đến đường vào khu sản xuất bản Hoà Sơn hiện đường giao thông và 12 nhà ở của người dân cũng đã bị hư hỏng, nứt nẻ cần di dời đến địa điểm khác an toàn.

Khu vực đầu bản Hoà Sơn xã tà Cạ nguy cơ cao ngập lụt sạt lở khi mùa mưa đến ảnh chụp ngày 9.8.2024 Ảnh Hoài Thu

Khu vực đầu bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ nguy cơ cao ngập lụt, sạt lở khi mùa mưa đến. Ảnh chụp ngày 9/8/2024. Ảnh: Hoài Thu

Bí thư Đảng uỷ xã Huồi Tụ Dềnh Bá Lồng cho biết, trên địa bàn xã hiện nay có 12 hộ dân với 61 khẩu đang nằm trong diện đe dọa sập nhà khi mùa mưa đến. Cụ thể, đó là địa điểm tại cung đường cuối bản Trung Tâm xã Huồi Tụ đi Mường Lống. Nơi đây, trên đỉnh núi đã xuất hiện vết nứt khá sâu chạy dọc đỉnh. Nhà ở của 12 hộ dân nằm trên sườn núi ngay dưới vết nứt, mấy năm lại nay mỗi năm đất lại bị sạt trượt, lõm xuống mấy chục centimet. Hiện đã có 2 hộ di dời đến nơi ở khác. Những hộ còn lại do chưa tìm được đất ở nên vẫn bám trụ, song thấp thỏm lo lắng không yên. Về lâu dài nếu cứ ở đây sẽ rất nguy hiểm” - ông Dềnh Bá Lồng cho biết.

Nhiều cụm dân cư khác ở Kỳ Sơn cũng bị đe dọa khi nằm trong cung đường xảy ra sạt lở núi, sạt lở taluy dương như: 17 hộ với 91 khẩu của bản Sơn Hà, xã Tà Cạ và 94 hộ với 455 khẩu thuộc bản Huồi Giảng 3 trên cung đường Mường Xén - Tây Sơn; 13 hộ với 62 khẩu ở bản Bà và bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm; 7 địa điểm đe dọa sạt lở taluy dương và taluy âm trên địa bàn xã Na Loi…

 Một điểm sạt lở núi vừa xảy ra vào tháng 7.2024 trên địa bàn xã Mường Típ Ảnh Hoài Thu

Một điểm sạt lở núi vừa xảy ra vào tháng 7/2024 trên địa bàn bản Xốp Típ, xã Mường Típ. Ảnh: Hoài Thu

Theo dõi, chủ động lên phương án ứng phó

Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, tính đến tháng 6/2024 toàn huyện có 20 địa điểm đã xảy ra sạt lở núi và có 13 địa điểm khác đe dọa sạt lở núi; có 7 điểm sạt lở bờ sông và 2 địa điểm đe dọa sạt lở bờ sông. UBND huyện Kỳ Sơn cùng với chính quyền các xã, thị trấn đã lên phương án theo dõi, ứng phó và từng bước khắc phục hậu quả.

Ví như tại các điểm đã sạt lở núi trên địa bàn xã Mường Típ, UBND huyện đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm không có nhà ở của người dân và hướng dẫn chính quyền xã, bản sẵn sàng phương án di dời dân khi xảy ra mưa lớn, nguy cơ sạt lở. Đồng thời, hiện nay vẫn đang tiếp tục xúc dọn đất đá, khơi thông mương máng tại các điểm sạt lở. Đối với 2 điểm bờ sông đã bị sạt tại bản Na Mỳ và Xốp Típ làm ảnh hưởng tới 47 hộ, 185 khẩu, hiện đang thực hiện xây kè chống sạt lở và sẵn sàng di dời dân khi xảy ra mưa lớn.

Ngoài các hộ dân, nhiều công trình công cộng như trụ sở, trường học của Kỳ Sơn cũng bị đe dọa khi mùa mưa lũ đến, trong đó hiện hữu có 1 trụ sở Công an xã (Tà Cạ); Trường Mầm non và Tiểu học bản Tiền Tiêu, xã Nậm cắn với 7 phòng học (7 giáo viên 59 học sinh) cần phải di dời. Song hiện huyện cũng chưa có giải pháp hữu hiệu do chưa có nguồn kinh phí và quỹ đất để thực hiện.

phòng học 2398

Khu tái định cư Vàng Phao tại xã Mường Típ đã xây dựng xong, chuẩn bị di dời 70 hộ dân của xã đến ở. Ảnh: Hoài Thu

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, không chỉ ở xã Mường Típ, hàng chục điểm sạt lở, đe dọa sạt lở trên địa bàn huyện chúng tôi đã thống kê, báo cáo cấp trên, đồng thời chỉ đạo theo dõi thường xuyên và lên phương án ứng phó. Trong đó, yêu cầu lực lượng, chính quyền cấp xã, bản nắm thông tin thời tiết, theo dõi diễn biến các địa điểm ách yếu để báo cáo, xử lý kịp thời. Cùng với đó, huyện cũng vận dụng các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để từng bước khắc phục các điểm đã xảy ra sạt lở với phương châm ưu tiên các điểm ách yếu, đe dọa ảnh hưởng lớn, đẩy nhanh tiến độ thi công trước khi mùa mưa bão đến.

Ngày 8/8, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 635/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên địa bàn Nghệ An. Mục đích cung cấp thông tin về sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu - quản lý - chính quyền - nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị xã hội. Mục tiêu là chủ động nâng cao năng lực quản lý phòng chống lũ quét, sạt lở đất, thông tin cảnh báo sớm đến với cộng đồng dân cư tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét có những biện pháp ứng phó kịp thời. Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn Nghệ An phục vụ phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tác giả bài viết: NPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây