'Cầu nối' giúp hội viên phụ nữ Nghệ An phát triển kinh tế

Thứ tư - 16/10/2024 22:31 129 0
Thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quản lý, hàng nghìn hội viên phụ nữ trên địa bàn Nghệ An đã được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh.
'Cầu nối' giúp hội viên phụ nữ Nghệ An phát triển kinh tế
Trao "cần câu" tín dụng chính sách
Với đam mê với nghề điêu khắc, chạm trổ và mộc dân dụng, anh Nguyễn Văn Huy ở xóm 5, xã Hạnh Lâm, Thanh Chương đã bàn với vợ là chị Phạm Thị Huyền mở xưởng mộc dân dụng. Ban đầu, nguồn vốn đang thiếu, anh chị chỉ mua sắm được một máy cưa và vài đồ nghề khác phục vụ cho công việc. Biết Ngân hàng Chính sách xã hội có chương trình vay giải quyết việc làm hỗ trợ nguồn vốn vay, gia đình anh Huy đã đăng ký với Tổ tiết kiệm & vay vốn xóm 5 do chị Đặng Thị Ngọc làm tổ trưởng.
Nhờ có "cần câu" là 50 triệu đồng nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, vợ chồng anh Huy đầu tư thêm 1 giàn máy cưa để mở rộng xưởng mộc dân dụng. Từ khi có thêm máy móc hỗ trợ, anh chị nhận được thêm nhiều đơn hàng, bàn giao đúng hạn, chất lượng uy tín được nâng lên
Nhờ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình anh Nguyễn Văn Huy ở xóm 5, xã Hạnh Lâm, Thanh Chương đầu tư xưởng mộc phát triển kinh tế. Ảnh: TH
Chị Huyền trước cũng không có công việc và thu nhập ổn định nhưng từ khi xưởng được mở rộng, chị đã cùng anh quản lý hoạt động xưởng. Chị vừa là nhân viên thị trường, vừa là kế toán và thủ quỹ. Công việc khá bận rộn, bước đầu thu nhập của gia đình được nâng lên rõ rệt từ 100 triệu – 120 triệu đồng/năm nên anh chị rất phấn khởi.
Chị Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội LHPN xã Hạnh Lâm cho biết: Với nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế thay đổi cuộc sống, gia đình chị Huyền đã xây dựng được nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi; là một trong những điển hình phát triển kinh tế của xã nhà từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH. Hiện nay, trên địa bàn xã Hạnh Lâm đang cho vay gần 2 tỷ đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH với 38 khách hàng được vay vốn. Trong đó, Hội LHPN xã đang được uỷ thác cho vay 517 triệu với 11 khách hàng.
Không chỉ ở xã Hạnh Lâm, việc sử dụng vốn vay đã được chị em phát triển rộng khắp các xã trên địa bàn huyện Thanh Chương. Chị Đinh Thị Hân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Chương cho biết: Đến ngày 31/8/2024, Hội Phụ nữ huyện quản lý 116 tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện ủy thác cho vay với tổng dư nợ là 354.396 triệu đồng, cho 4.085 hộ vay. Để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Phụ nữ huyện thường xuyên kiểm tra giám sát nguồn vốn của các hộ vay. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, giúp hội viên áp dụng hiệu quả vào trồng trọt, chăn nuôi...
Hỗ trợ chị em vay vốn phát triển kinh tế
Với vai trò là một tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An luôn phát huy vai trò tập hợp hội viên, phụ nữ, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các hội viên, phụ nữ.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Hội LHPN các cấp đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, chủ động, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng xã hội của Đảng và Nhà nước, luôn chú trọng xây dựng nhiều mô hình hoạt động hỗ trợ chị em vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Chị em bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông vay vốn Ngân hàng Chính sách duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: TH
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn vào tiêu chí thi đua trong các cấp Hội. Chỉ đạo Hội LHPN cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp xác định đối tượng trong diện ưu đãi, tham gia rà soát lại hộ nghèo, hộ cận nghèo và nguyên nhân nghèo của các hộ đảm bảo minh bạch công khai, dân chủ. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và một số chương trình chính sách tín dụng.
Đồng thời, chỉ đạo Hội LHPN cấp cơ sở phối hợp với Ngân hàng CSXH cấp huyện, chính quyền địa phương đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, xử lý thu nợ quá hạn, nợ bỏ đi khỏi địa phương... Nhờ đó, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt: Tốc độ tăng trưởng dư nợ ủy thác tăng từ 1,6% năm 2014 lên 5% của năm 2019 và 10,7% vào thời điểm tháng 4/2024 (Tăng hơn so với đầu giai đoạn là 9,1%).
Để tăng cường nguồn vốn cho vay, đồng thời tạo ý thức thói quen tiết kiệm cho hội viên, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn..., Hội LHPN các cấp đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ viên làm tốt việc thực hành tiết kiệm. Tỷ lệ thành viên tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ tăng từ 89% vào năm 2014 lên 100% vào tháng 4/2024.
Hiện có 77.081 thành viên đang tham gia tiết kiệm với số dư tiền gửi là 223,612 tỷ đồng (tăng 169,680 tỷ đồng so với cùng thời điểm vào năm 2014). Qua đó đã vận động được nguồn lực giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn nói chung, các hộ vay vốn ưu đãi nói riêng có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống, trả được vốn vay. Các khoản nợ đến hạn được trả dứt điểm, việc trả lãi cũng đã được các hộ thực hiện một cách nghiêm túc, đạt kết quả cao.
Cùng với việc hỗ trợ, tạo nguồn vốn vay, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Trong 10 năm qua các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho 374.198 lượt phụ nữ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kiến thức sản xuất kinh doanh, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình thực hiện các chương trình tín dụng của Ngân hàng đạt hiệu quả cao, bền vững.
Chị Lê Thị Hương Giang – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Từ những nỗ lực của Hội LHPN các cấp, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội do Hội quản lý ngày càng được mở rộng, dư nợ tín dụng tăng cao, tạo cơ hội để ngày càng nhiều hội viên, phụ nữ có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn vay. Nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, một số chị trở thành chủ trang trại, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giám đốc HTX, giám đốc doanh nghiệp, khởi sự thành công với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW, đề nghị tăng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên 20 triệu đồng/công trình; bổ sung chương trình cho vay đối với đối tượng là hộ có mức sống trung bình để phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, đề nghị UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục cân đối, ưu tiên tăng nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây