Đẩy mạnh công tác phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Thứ tư - 17/01/2024 05:112720
Sáng 17/1, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Các vụ án điểm về tham nhũng, tiêu cực được đưa ra xét xử kịp thời Báo cáo tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 138) cho biết: Năm 2023, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138/CP về công tác phòng, chống tội phạm; chủ động tham mưu, đề xuất Đảng, Chính phủ chỉ đạo sơ kết, tổng kết nhiều chuyên đề và kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm. Đồng thời, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nổi lên, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản, tội phạm liên quan lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy. Tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh. Các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời. Bộ Công an đã điều tra, khám phá 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 77,01%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%; triệt xóa 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 4.511 đối tượng truy nã, trong đó có 1.789 đối tượng nguy hiểm. Tiếp nhận 100% tin báo, tố giác tội phạm, tỷ lệ giải quyết đạt 89,72%. Phát hiện, xử lý 4.452 vụ, 6.334 đối tượng phạm tội về kinh tế; 868 vụ, 2.293 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ... Đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho biết: Năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động quán triệt, xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ án, vụ việc, đường dây, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn thị trường, phát triển kinh tế - xã hội… Kết quả năm 2023, các Bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 14.570,347 tỷ đồng (tăng 14,97% so với cùng kỳ)... Nghệ An có 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên trên toàn quốc triển khai xây dựng điển hình về Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh tham luận về một số kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn, phục vụ công tác xây dựng địa bàn cấp xã, cấp huyện an toàn về an ninh, trật tự Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá: Trong những năm qua, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Nghệ An mặc dù được kìm giữ, giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp... Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm giải quyết căn cơ, hiệu quả tình hình; trong đó, luôn nhất quán quan điểm chỉ đạo “Lấy phòng ngừa làm trọng; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với quyết tâm tấn công, đánh trúng, đánh đúng, đánh vào gốc các loại tội phạm”... Cụ thể, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và trực tiếp ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy. Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 12/12/2023, đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy, hướng tới mục tiêu đưa địa bàn Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa với mục tiêu làm giảm tội phạm một cách cơ bản và bền vững. Chú trọng chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hướng về cơ sở với nhiều điểm nhấn, cách làm rất mạnh dạn và sáng tạo, điển hình.... Trong đó, chỉ đạo xây dựng 48 xã, phường, thị trấn, 42 cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Lựa chọn và xây dựng thị xã Cửa Lò và thị xã Thái Hòa là 02 đơn vị cấp huyện điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong năm 2023 (đây là 02 đơn vị cấp huyện đầu tiên trên toàn quốc triển khai xây dựng điển hình). Chủ động nghiên cứu, ban hành “Bộ tiêu chí tạm thời xây dựng thí điểm đơn vị cấp huyện điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”, đồng thời chỉ đạo Công an tỉnh nghiên cứu, xây dựng “Hồ sơ mẫu” để các đơn vị, địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ, thống nhất (Nghệ An cũng là địa phương đầu tiên trên toàn quốc ban hành Bộ tiêu chí này). Sau 01 năm triển khai thực hiện, đến nay 16/16 Công an phường đã hoàn thành 22/22 tiêu chí; 25/48 đơn vị cấp xã hoàn thành 34/34 tiêu chí và 33/42 đơn vị hoàn thành 14/14 tiêu chí; 02 địa bàn cấp huyện đạt 32/32 tiêu chí đơn vị cấp huyện điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ...
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An Đồng thời, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, đạt nhiều kết quả hết sức nổi bật, toàn diện. Năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 663 vụ, 729 đối tượng phạm tội về hình sự; 1.120 vụ, 1.477 đối tượng phạm tội về ma túy; 3.910 vụ việc, 4.434 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ, môi trường. Đặc biệt, nhận thức rõ vai trò quan trọng, chiến lược của địa bàn biên giới, với quyết tâm tạo lập “lá chắn”, “vành đai biên giới” sạch về ma túy vững chắc, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh triển khai và nhân rộng Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma tuý”. Đến nay, 27/27 xã biên giới và 190 địa bàn cấp xã nội địa đạt các tiêu chí sạch về ma túy; 04 đơn vị cấp huyện (TX. Hoàng Mai, TX. Cửa Lò, huyện Nghĩa Đàn và huyện Anh Sơn) có 100% địa bàn cấp xã đạt các tiêu chí “sạch về ma túy”. UBND tỉnh đã dành nguồn lực tối đa để tập trung đầu tư cho công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, gắn với việc xây dựng địa bàn cấp xã, cấp huyện an toàn về an ninh, trật tự… Nhờ đó, tạo cơ sở, tiền đề vững chắc cho các lực lượng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tránh “quyền anh, quyền tôi” trong công tác phối hợp Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2023. Tuy nhiên, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tội phạm công nghệ cao và lợi dụng công nghệ cao ngày càng phát triển mạnh, phức tạp; tính chất phạm tội ngày càng manh động, ngang nhiên, man rợ hơn; tội phạm ma túy rất đáng báo động, có nhiều hình thức tinh vi, khối lượng cực kỳ lớn; khai thác khoáng sản, môi trường gia tăng... Đối với công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, có nhiều chuyên án được thực hiện, nhiều vụ việc được phát hiện, tuy nhiên những việc đã làm được chỉ là một phần không lớn so với vi phạm, có sự “lọt lưới” trong rất nhiều lĩnh vực... Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, năm 2024, nguy cơ tội phạm lớn, gia tăng, phạm vi trách nhiệm quản lý rộng; đối mặt với tội phạm công nghệ cao; ma túy cũng là nguồn cơn của các loại tội phạm... Trước tình hình đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh lại thể chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt trong việc phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, tránh “quyền anh, quyền tôi”; đẩy mạnh công tác phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền để hạn chế việc người dân bị lợi dụng lôi kéo vi phạm pháp luật. Các lực lượng chức năng rà soát lại các nhiệm vụ đã thực hiện, bởi các đối tượng phạm tội có hành vi ngày một tinh vi hơn nên cần thay đổi cách làm phù hợp, cùng với đó là sự quyết tâm thực hiện. Đồng thời, phải biết “giữ mình”, giáo dục anh em dưới quyền “giữ được mình”; phải động viên chia sẻ, ngăn chặn kịp thời sai phạm có thể xảy ra. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là Đề án 06; xây dựng cơ chế thu thập thông tin hiệu quả; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra...